Tiến tới áp dụng định vị GPS giám sát voi hoang dã

NDO -

NDĐT - Ngày 19-9, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc phối hợp Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội thảo đánh giá tính khả thi của hoạt động áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã tại tỉnh Đác Lắc.

Chuyên gia tư vấn nước ngoài trình bày báo cáo kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã tại hội thảo.
Chuyên gia tư vấn nước ngoài trình bày báo cáo kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã tại hội thảo.

Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Tổng Cục lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện WWF -Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Đác Lắc và đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh có liên quan, Ban quản lý Dự án khẩn cấp bảo tồn voi các tỉnh Nghệ An, Đồng Nai.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc Y Giang Gry Niê Knơng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được đối với công tác bảo tồn voi hoang dã tại tỉnh Đác Lắc trong thời gian qua. Trên địa bàn tỉnh hiện có năm quần thể voi hoang dã với số lượng khoảng 80-100 cá thể, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar và Ea H’leo. Trong những năm qua, voi hoang dã thường xuyên xuất hiện và tàn phá hoa màu của người dân ở huyện Buôn Đôn, Ea Súp... Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về bảo tồn voi hoang dã nên người dân đã dùng các biện pháp để xua đuổi voi trở lại rừng an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe của voi.

Đối với việc áp dụng kỹ thuật định vị GPS là một phương tiện kỹ thuật hiện đại, đã và đang được áp dụng ở một số nước trên thế giới, mang lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý, giám sát voi hoang dã. Đồng thời kỹ thuật định vị GPS còn cảnh báo sớm để phòng tránh, xua đuổi voi hoang dã phá hoại, giảm thiệt hại do voi gây ra với con người, tài sản. Vì vậy, tại hội thảo này, trên cơ sở ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, tỉnh Đác Lắc sẽ chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp Trung tâm bảo tồn voi Đác Lắc xây dựng các giải pháp để triển khai thực hiện giám sát voi hoang dã bằng kỹ thuật định vị GPS trong tương lai.

Theo các chuyên gia của WWF-Việt Nam, việc áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong công tác bảo tồn voi hoang dã trên thế giới và trong khu vực đã thu được nhiều kết quả tích cực. Đeo vòng cổ GPS tích hợp công nghệ viễn thám đã trở thành công cụ phổ biến trong nghiên cứu tập tính di chuyển theo vùng và theo mùa, mang lại nhiều lợi ích hơn so với giám sát voi truyền thống. Với công nghệ này đã nâng cao năng lực quản lý và theo dõi voi trong môi trường tự nhiên, qua đó cảnh báo, giảm thiểu thiệt hại về hoa màu, tài sản của người dân do voi hoang dã gây ra.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia trình bày báo cáo kỹ thuật của hoạt động áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã tại tỉnh Đác Lắc; báo cáo về căn cứ pháp lý của hoạt động áp dụng kỹ thuật định vị GPS trong giám sát voi hoang dã...

Tuy nhiên, một số đại biểu dự hội thảo cho rằng, việc đeo vòng định vị GPS cho voi hoang dã là giải pháp còn mới tại Việt Nam, liên quan đến nhiều bộ, ngành Trung ương và địa phương. Vì vậy, trong quá trình xây dựng đề án cần tham vấn các bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã và cộng đồng địa phương. Đề án cần đánh giá tác động có thể xảy ra đối với cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự; quá trình truyền và lưu dữ liệu; việc bảo mật dữ liệu, bảo vệ dữ liệu; tuổi thọ của pin vòng định vị; bảo đảm an toàn cho người và voi trong qua trình đeo vòng định vị cho voi...

Theo WWF-Việt Nam, voi châu Á được liệt kê thuộc nhóm động vật nguy cấp trong Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUNC). Ở Việt Nam, quần thể voi hoang dã hiện nay có khoảng 100-130 cá thể chia tách thành 19 quần thể riêng biệt tại tám tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Nam, Đác Lắc, Đác Nông, Đồng Nai và Bình Phước; trong đó tập trung chủ yếu ở tỉnh Đác Lắc với năm quần thể voi hoang dã với số lượng khoảng 80-100 cá thể.