Tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học trong sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học thay thế dần thuốc hóa học là một trong những tiền đề quan trọng để phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Mô hình trồng rau thông minh bằng các chế phẩm sinh học tại Công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh).
Mô hình trồng rau thông minh bằng các chế phẩm sinh học tại Công viên phần mềm Quang Trung (TP Hồ Chí Minh).

Chỉ sử dụng trên 1% diện tích trồng trọt

Thuốc BVTV hóa học có vai trò quan trọng, không thể phủ nhận trong sản xuất nông nghiệp, nhưng việc lạm dụng hóa chất đang là một vấn đề bức xúc, thật sự đáng lo ngại, gây ra những hậu quả không mong muốn. Theo số liệu của Cục BVTV thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước ta có khoảng 40% nông dân sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Việc lạm dụng thuốc BVTV hóa học cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính, mạn tính và nhiều bệnh hiểm nghèo cho người do tiếp xúc với môi trường, hoặc ăn phải thực phẩm có chứa dư lượng thuốc BVTV. PGS, TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thuốc BVTV cho biết thêm: “Lạm dụng thuốc BVTV hóa học còn dẫn đến tình trạng giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng xấu đến thiên địch và các sinh vật có ích; tình trạng kháng thuốc của các sinh vật gây hại và bùng phát dịch hại, ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí… đã được thực tiễn chứng minh liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thuốc BVTV hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Giải pháp bền vững và chủ động nhất là sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học”.

Hiện, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam có 1.084 hoạt chất với 4.021 tên thương phẩm. Trong đó, thuốc BVTV sinh học có 231 hoạt chất với 721 tên thương phẩm, chiếm 18% trong tổng các thuốc BVTV trong danh mục. So với các nước trong khu vực, số lượng hoạt chất thuốc BVTV sinh học trong danh mục ở nước ta là nhiều và khá đa dạng. Tuy nhiên, thuốc BVTV sinh học hiện đăng ký trong danh mục được phép sử dụng phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài về gia công sản xuất trong nước cho nên phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bản quyền sở hữu, công nghệ sản xuất, giá thành sản phẩm, tính ổn định của sản phẩm.

Hằng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập vào Việt Nam trung bình hơn 15 nghìn tấn. Năm 2019, nước ta nhập khẩu 16.110 tấn với tổng giá trị khoảng 50,8 triệu USD, chiếm 17% thuốc BVTV nhập khẩu. Theo xu hướng sử dụng các chế phẩm sinh học ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2024, thị trường thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào nước ta sẽ đạt quy mô 85,7 triệu USD với mức tăng trưởng bình quân 16%/năm. Thực tế cho thấy, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong trồng trọt trên diện tích lớn đã được áp dụng ở nhiều địa phương như Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… và mang lại hiệu quả cao. Các sản phẩm nông sản sử dụng thuốc BVTV sinh học trong quá trình sản xuất đạt chất lượng tốt, có giá bán cao hơn gấp hai đến ba lần sản phẩm sử dụng thuốc BVTV hóa học.

Tuy nhiên, theo thống kê, diện tích trồng trọt sử dụng thuốc BVTV sinh học hiện mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt cả nước. Nguyên nhân là do thói quen sử dụng thuốc BVTV hóa học, nhận thức về vai trò cũng như hiểu biết về cách sử dụng thuốc BVTV sinh học để đạt hiệu quả cao còn hạn chế. Cùng với đó, chi phí sử dụng thuốc BVTV sinh học cao hơn so với thuốc BVTV hóa học. Các tiến bộ kỹ thuật sản xuất thuốc BVTV sinh học trong nước còn thiếu và chất lượng chưa cao; chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành về thuốc BVTV sinh học để có những kết quả nghiên cứu mang tính đột phá. Sự hợp tác giữa các nhà khoa học đa ngành với các doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm sinh học còn rất hạn chế, nhiều nghiên cứu không được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn…

Ưu tiên sản xuất trong nước

Theo TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng BVTV thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, thương mại thuốc BVTV hằng năm ở Việt Nam khoảng 100 nghìn tấn, tương đương khoảng 20 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 3,8% là thuốc sinh học và chỉ có 0,5% thuốc BVTV sinh học được sản xuất trong nước. Mặc dù việc nghiên cứu phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học trong nước đã được quan tâm từ nhiều năm qua nhưng việc ứng dụng đang còn gặp nhiều hạn chế, bất cập. Các sản phẩm thuốc BVTV sinh học chủ yếu đang ở dạng thô, hiệu lực sinh học thấp, sự đa dạng và sẵn có về chủng loại còn thiếu, thời gian bảo quản ngắn, lượng dùng trên đơn vị diện tích lớn, sự bất tiện trong sử dụng và giá thành cao. Do đó, trong thời gian tới, cần định hướng nghiên cứu và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vướng mắc và hạn chế nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng thuốc BVTV sinh học ở nước ta.

Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về nông sản thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký lên 30%, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%. Cùng với đó, tăng mô hình sản xuất, diện tích sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 3 đến 5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học so với hiện nay. Đây là mục tiêu nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững trong dài hạn để tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Đồng thời, để đáp ứng đồng bộ các tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông sản sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, tiêu chuẩn - quy chuẩn, hợp tác quốc tế, xây dựng chuỗi liên kết theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn. Theo Trưởng phòng BVTV (Cục BVTV) Huỳnh Tấn Đạt, để khuyến khích sản xuất thuốc BVTV sinh học trong nước, các bộ, ngành cần miễn giảm thuế xuất, nhập khẩu đối với thuốc BVTV sinh học, các dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học. Khuyến khích các doanh nghiệp phối hợp các viện, trường, trung tâm nghiên cứu để đầu tư nghiên cứu, phát triển thuốc BVTV sinh học, hoặc các doanh nghiệp được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư trong lĩnh vực này. Ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển thuốc BVTV sinh học.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nông dân về vai trò, lợi ích trước mắt và lâu dài của việc sử dụng thuốc BVTV sinh học; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất nông nghiệp an toàn. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm, lành mạnh hóa thị trường nông sản sạch, an toàn, sản phẩm hữu cơ… nhằm khuyến khích nông dân và doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa nông sản chất lượng cao, an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững.