Rừng tiếp tục bị tàn phá tại Điểm du lịch thác Lưu Ly

NDO -

NDĐT - Dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly được giao Công ty Lâu Đài khai thác nhưng lại để rừng tự nhiên ở đây bị tàn phá nặng nề. Công ty này đã bị rút phép khai thác một năm nay, song không hiểu tại sao các cấp chính quyền vẫn để rừng tiếp tục bị tàn phá nặng nề?

Nhiều hạng mục Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly bị đổ nát, hoang phế gây phản cảm.
Nhiều hạng mục Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly bị đổ nát, hoang phế gây phản cảm.

Dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly, huyện Đác Song (Đác Nông) được giao cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài (Công ty Lâu Đài) làm chủ đầu tư từ năm 2010. Tuy nhiên, sau khi được bàn giao công ty này đã không thực hiện theo đúng cam kết khiến cho rừng tự nhiên bị tàn phá, lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ. Trước tình trạng đó ngày 28-6-2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đác Nông đã ký quyết định chấm dứt hoạt động của dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, đến nay việc thu hồi vẫn chưa thực hiện, hoạt động du lịch trở nên hoang tàn, rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá nặng nề.

Hơn một năm sau khi buộc chấm dứt hoạt động và thu chứng nhận chủ trương đầu tư, chúng tôi trở lại Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát; ngay từ cổng vào có nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, nhà cửa mục nát, nhiều công trình xây dựng dở dang bỏ hoang hóa cỏ mọc um tùm, cổng chào đổ ngã nằm trơ trụi gây phản cảm đối với du khách. Phía trong khu vực nhà điều hành công ty này vẫn duy trì khoảng bốn nhân viên bảo vệ, khi chúng tôi đặt vấn đề làm việc thì các nhân viên này thể hiện thái độ rất khó chịu và bất hợp tác. Trên thực tế những người quản lý, bảo vệ tại đây vẫn thu tiền vé tham quan của du khách, có thời điểm thu tới 30 nghìn đồng/người/lượt vào tham quan.

Lý giải việc tự ý thu phí đối với du khách, ông Trần Anh Danh, nhân viên Công ty Lâu Đài cho rằng: “Việc thu phí của các nhân viên ở đây là để có kinh phí phục vụ sinh hoạt, quản lý, bảo vệ tài sản của công ty và dọn dẹp vệ sinh rác thải do du khách vứt ra tại khu vực chung quanh thác. Tuy nhiên, thời gian gần đây thì nhân viên ở đây không thu phí nữa vì cơ quan chức năng đã có chỉ đạo nghiêm cấm thu phí”.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Nông Vũ Thị Ái Duyên cho biết: “Sau khi dự án bị thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động, Sở đã có văn bản thông báo ngừng các hoạt động tham quan, thu phí đối với điểm du lịch này. Tỉnh Đác Nông cũng đã có văn bản giao toàn bộ dự án về cho UBND huyện Đác Song quản lý theo quy định. Việc Công ty Lâu Đài cắt cử người ở lại dự án là mục đích bảo vệ tài sản của đơn vị đã đầu tư đang trong thời gian chờ thẩm định thanh lý theo quy định. Tuy nhiên, do lợi dụng dự án ở xa, các cơ quan chức năng không thể cử người thường xuyên giám sát, nên nhân viên của Công ty Lâu Đài vẫn lén lút bán vé tham quan thu tiền gây bức xúc cho khách tham quan. Từ đầu năm đến nay Sở đã tổ chức kiểm tra ba lần để chấn chỉnh hoạt động thu phí tham quan nhưng vẫn chưa kiểm soát hết được”.

Ngoài việc thu tiền trái phép của khách tham quan, thì điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng phá rừng chiếm đất sản xuất, khai thác gỗ trái phép tràn lan tại điểm du lịch sinh thái này. Từ khi nhận bàn giao đến nay công ty này đã để người dân phá rừng lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp khoảng hơn 10 ha, xảy ra hàng chục vụ khai thác gỗ trái phép trên lâm phần của dự án. Nghiêm trọng hơn, nhân viên của Công ty Lâu Đài được giao nhiệm vụ quản lý dự án lại là người trực tiếp khai thác gỗ trái phép hoặc cấu kết với các đối tượng bên ngoài để phá rừng trục lợi. Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang Nguyễn Hồng Phong cho biết: “Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly là một điểm nóng về tình trạng khai thác gỗ trái phép và lấn chiếm, chiếm dụng đất rừng để trồng cây nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay xã Nâm N’Jang phối hợp với các cơ quan chức năng đã bắt quả tang ba vụ khai thác gỗ trái phép tại đây. Nghiêm trọng hơn, việc khai thác gỗ trái phép có sự tham gia trực tiếp hoặc tiếp tay của các đối tượng thường xuyên cư trú trong khu vực điểm du lịch thác lưu ly với danh nghĩa là quản lý, bảo vệ tài sản của Công ty Lâu Đài. Gần đây nhất, tối ngày 18-6, UBND xã Nâm N’Jang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song đã bắt quả tang một vụ vận chuyển trái phép hơn 1,5 m3 gỗ hộp, chủ yếu là gỗ Dẻ và Xoan thuộc nhóm V. Một trong số các “lâm tặc” bị bắt là Trần Anh Danh, nhân viên của Công ty Lâu Đài”.

Rừng tiếp tục bị tàn phá tại Điểm du lịch thác Lưu Ly ảnh 1

Gỗ tang vật do Trần Anh Danh, nhân viên Công ty Lâu Đài và một số đối tượng khác khai thác trái phép trong dự án bị bắt giữ.

Cũng theo ông Phong, trong nhóm người đang ở trong khu du lịch còn có một số tham gia làm rẫy trên đất có nguồn gốc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp của dự án. Một số còn móc nối với người ngoài để phá rừng, vận chuyển, tàng trữ và buôn bán trái phép các loại lâm sản. Thậm chí, họ còn lấn chiếm đất lâm nghiệp để bán cho người dân có nhu cầu.

Trao đổi qua điện thoại, Giám đốc Công ty Lâu Đài Trần Văn Hùng cho biết: “hiện nay Công ty Lâu Đài vẫn đang tiến hành các thủ tục để nộp tiền ký quỹ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đác Nông theo quy định, đồng thời tiếp tục kêu gọi, huy động sự tham gia của một số nhà đầu tư khác để tiếp tục triển khai dự án. Cá nhân tôi đã gặp gỡ, trao đổi với một số cơ quan chức năng tỉnh Đác Nông và đã nhận được sự đồng ý về chủ trương để triển khai hai nội dung nêu trên. Riêng vấn đề rừng của dự án bị tàn phá, các nhân viên của công ty tham gia phá rừng và thu tiền trái phép của khách tham quan tôi không hề hay biết, là do họ tự ý làm chứ công ty không chỉ đạo. Hiện công ty đang làm việc với các cấp lãnh đạo của địa phương để xử lý sự việc, trong thời gian tới sẽ thay toàn bộ lực lượng bảo vệ đang làm việc tại dự án này”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đác Nông Đàm Quang Trung cho biết: “Sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đã thành lập đoàn, khảo sát hiện trạng thực tế để xử lý các vấn đề liên quan đến rừng và đất rừng thuộc dự án này. Hiện, toàn bộ diện tích rừng tự nhiên còn lại đã khảo sát, đo vẽ thực địa xong, đang trong quá trình thống nhất và thực hiện thủ tục bàn giao về cho Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Đác N’ Tao quản lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đác Nông. Đối với diện tích đất dự án bị lấn chiếm canh tác nông nghiệp và diện tích rừng bị phá chúng tôi đang thống kê, đo đạc hiện trạng xác định diện tích, khối lượng để tỉnh Đác Nông có cơ sở thu hồi và làm căn cứ buộc Công ty Lâu Đài phải bồi thường thiệt hại rừng theo quy định. Việc ông Hùng và Công ty Lâu Đài làm việc với cơ quan nào và được lãnh đạo cơ quan nào đồng ý cho tiếp tục nộp tiền ký quỹ dự án để tiếp tục triển khai thực hiện thì tôi hoàn toàn không biết, riêng tôi đến nay chưa hề biết mặt ông Hùng là ai cả”.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đác N’Tao Nguyễn Xuân Diệu cũng cho biết: “đơn vị đã nhận được chỉ đạo của tỉnh Đác Nông về việc tiếp nhận bàn giao và quản lý diện tích rừng còn lại thuộc Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly. Tuy nhiên, do rừng của dự án này bị phá hoại, người dân lấn chiếm canh tác nông nghiệp, khai thác gỗ trái phép rất phức tạp nên rất khó khăn cho chúng tôi khi tiếp nhận quản lý. Hiện công ty đang phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát hiện trạng thực tế, bóc tách cụ thể ranh giới rừng tự nhiên với diện tích đất rừng bị lấn chiếm để xử lý rồi mới tiến hành bàn giao, tránh hệ lụy sau này gây khó khăn cho chúng tôi”.

Rừng tiếp tục bị tàn phá tại Điểm du lịch thác Lưu Ly ảnh 2

Nhiều diện tích rừng tại Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly bị triệt hạ để lấy gỗ, chiếm đất.

Hiện nay, ngoài Dự án Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly thì trên địa bàn tỉnh Đác Nông còn rất nhiều dự án du lịch sinh thái khác nằm trong tình trạng tương tự. Đây là kết quả của một thời gian dài Đác Nông mở cửa, rải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh này. Trong khi đó, do sự nôn nóng, thiếu cơ chế kiểm tra giám sát năng lực tài chính các nhà đầu tư dẫn đến nhiều đơn vị đến với Đác Nông với mục đích thăm dò theo kiểu chiếm dự án chờ thời cơ, hoặc lợi dụng cơ chế ưu đãi chiếm dự án sau đó sang nhượng thu lợi nhuận. Nếu Đác Nông không có biện pháp xử lý dứt điểm thì một số điểm du lịch có nguy cơ bị xóa sổ, rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá nặng nề, các thắng cảnh tự nhiên nơi đại ngàn sẽ trở nên hoang phế.