Rác thải đô thị Đà Lạt đã được xử lý tập trung tại nhà máy

NDO -

Một thời gian dài, Đà Lạt loay hoay tìm lời giải cho bài toán rác thải đô thị, khi bãi rác Cam Ly đã quá tải từ lâu, còn nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố thì hoạt động kém hiệu quả. Song, đến thời điểm này, nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt đã vận hành đúng công suất và tiếp nhận, xử lý toàn bộ lượng rác thải của thành phố nghìn hoa.

Dây chuyền xử lý rác tại Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt.
Dây chuyền xử lý rác tại Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt.

Theo Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt, bắt đầu từ tháng 1-2021 đến nay, nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố đã tiếp nhận 100% lượng rác thải của TP Đà Lạt. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 5 năm đi vào vận hành, nhà máy tiếp nhận, xử lý toàn bộ lượng rác thải đô thị, do Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt thu gom, chuyển đến. Bình quân mỗi ngày bình thường, lượng rác thải tại TP Đà Lạt dao động từ 180 - 220 tấn; những mùa cao điểm du lịch, dịp lễ Tết, lượng rác có thể tăng gấp 3 - 4 lần.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, ông Cao Văn Bé, quản lý Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt, cho biết, hiện nhà máy có 66 công nhân và tám lái xe, điều khiển thiết bị. Lực lượng công nhân chia làm ba ca, hoạt động trên hai dây chuyền, bình quân mỗi ngày xử lý khoảng 270 tấn rác. Cùng với lượng rác thu gom, chuyển đến từ TP Đà Lạt; hằng ngày, nhà máy tiếp nhận, xử lý khoảng 15 tấn rác từ huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), cùng lượng rác tồn đọng hơn 1.500 tấn tại nhà máy trong thời qua.

Rác thải đô thị Đà Lạt đã được xử lý tập trung tại nhà máy -0
Bãi rác Cam Ly đã quá tải, buộc phải đóng cửa và thực hiện xử lý môi trường. 

“Nếu ba ca làm việc liên tục trên hai dây chuyền, nhà máy đáp ứng công suất xử lý hơn 400 tấn rác mỗi ngày. Hiện, chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện dây chuyền, công nghệ xử lý rác theo mục tiêu dự án”, ông Bé nói.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt do Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 28 ha, tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, với tổng mức đầu tư hơn 381 tỷ đồng. Năm 2015, người dân Đà Lạt vui mừng khi nhà máy xử lý chất thải rắn đi vào hoạt động theo công nghệ đốt, sản xuất sản phẩm từ rác (gạch block, hạt nhựa, dầu PO & RO, phân bón vi sinh…) và hy vọng bãi rác Cam Ly sẽ chính thức đóng cửa để xử lý môi trường, vì đã quá tải từ lâu. Tuy nhiên, quá trình vận hành, nhà máy nhiều lần phải tạm ngưng tiếp nhận rác để hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ, khiến chính quyền TP Đà Lạt loay hoay chuyện xử lý rác thải đô thị.

Như Báo Nhân Dân điện tử đã nhiều lần thông tin, sở dĩ có chuyện loay hoay tìm lời giải cho xử lý rác thải đô thị Đà Lạt là bởi doanh nghiệp cho rằng, đơn giá xử lý rác quá thấp khiến nhà máy càng hoạt động càng lỗ, có những thời điểm thu không đủ bù chi. Năm 2015, khi nhà máy chính thức vận hành, đơn giá xử lý rác tại nhà máy là 129.500 đồng/tấn. Năm 2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra đơn giá là 336.000 đồng, đến tháng 2-2018 là 456.000 đồng. Ông Bé thông tin thêm, từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đơn giá 461.000 đồng cho một tấn rác xử lý tại nhà máy, nhờ đó nhà máy đã vận hành hoạt động tốt hơn. 

Tại quyết định ban hành đơn giá dịch vụ xử lý chất thải rắn mới nhất (461.000 đồng/tấn rác), tại Nhà máy xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn trên địa bàn phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, yêu cầu công nghệ, chất lượng xử lý và quy chuẩn môi trường theo quy định hiện hành.