Quyết tâm cao nhất không để xảy ra cháy rừng

NDO -

NDĐT - Tiếp tục chuyến công tác tại đồng bằng sông Cửu Long, chiều 25-2, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Công Tuấn dẫn đầu đoàn công tác của bộ, đã đến làm việc và kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiểm tra tình hình lúa bị khô hạn trên địa bàn vùng ngọt tỉnh Cà Mau.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiểm tra tình hình lúa bị khô hạn trên địa bàn vùng ngọt tỉnh Cà Mau.

Làm việc tại Vườn quốc gia U Minh hạ, đại diện Sở NN-PTNT cho biết, đến thời điểm hiện, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau (hơn 43 nghìn ha) đã khô hạn. Trong đó, có hơn 14.300 ha rừng báo cháy cấp cao nhất (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Tuy chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng lo lắng nhất của tỉnh Cà Mau là tình hình nắng hạn tiếp tục gay gắt và kéo dài theo chiều hướng cực đoan. Vì thế, nguy cơ kênh rạch cạn nước sẽ gây khó khăn không nhỏ cho công tác PCCCR, đặc biệt là thiếu nước chữa cháy nếu có cháy lớn. Bởi hiện tại, mực nước dưới các tuyến kênh thấp hơn năm 2019 từ 0,5 - 0,8m, có khả năng khô cạn hoàn toàn, thiếu nước nghiêm trọng ở một số khu vực.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết: “Hiện bề mặt trên của Vườn quốc gia U Minh Hạ có khả năng cháy rất cao, nếu nắng nóng liên tục như hiện nay thì khoảng một tháng nữa, mực nước ở tầng dưới sẽ khô hạn, khi cháy rồi thì rất khó chữa cháy do đây là vùng đất than bùn”.

Làm việc tại Vườn quốc gia U Minh hạ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết: Mùa khô năm 2019 - 2020, tình hình khô hạn diễn ra rất nghiêm trọng, cao hơn cả mùa khô 2015 - 2016, nguy cơ cháy rừng là rất cao và khả năng mùa khô sẽ kéo dài đến giữa đầu tháng 5 tới. Lúc đó, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông chuyển về giảm hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, khả năng mưa cũng trễ hơn so với mọi năm, nên dẫn đến công tác PCCCR của các địa phương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo, chủ động theo phương châm “bốn tại chỗ” và với quyết tâm cao nhất của lực lượng chức năng, Thứ trưởng Hà Công Tuấn tin tưởng Cà Mau sẽ không để xảy ra cháy rừng trong mùa khô hạn năm nay. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc bảo vệ an toàn cho khu vực VQG U Minh hạ để phục vụ cho phát triển du lịch.

Quyết tâm cao nhất không để xảy ra cháy rừng ảnh 1

Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiểm tra tình hình khô hạn, sụp lún đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiểm tra tình hình khô hạn, sụp lún trên địa bàn vùng ngọt tỉnh Cà Mau, trong đó có sự cố sụp lún công trình trên đê biển Tây. Thông tin nhanh với Thứ trưởng, đại diện tỉnh Cà Mau cho biết, hạn hán gay gắt kéo dài đang gây nên nhiều hệ luỵ cho tỉnh Cà Mau. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có: Hơn 18 nghìn ha lúa bị thiệt hại hơn 900 vị trí sụp, lún ven kênh, rạch và đường giao thông ven kênh, rạch bị sụp lún, sạt lở với chiều dài gần 22 km. Trong đó có các công trình quy mô lớn như: tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (tuyến đường BT), tuyến đường trên đê biển Tây; một số cống ngăn mặn vùng ngọt tỉnh Cà Mau bị xói mòn, rò rỉ đáy…

Sáng mai, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về công tác ứng phó với hạn chán, xâm nhập mặn.