Quảng Bình giữa cơn đại hạn

NDO -

NDĐT - Khô hạn, người dân quay quắt đối phó với nắng hạn đang là vấn đề thời sự nhất lúc này ở miền trung, trong đó có tỉnh Quảng Bình. Không chỉ thiếu nước sản xuất, hàng nghìn hộ dân ở Quảng Bình phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để chống lại cái khát, đơn vị quản lý nước phải cấp nước luân phiên thậm chí phải bơm nước nhiễm mặn ở mức tối thiểu về cho người dân sử dụng. Nhiều hộ phải mua nước đóng trong bình về dùng.

Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) chở nước giếng cổ của làng về dùng.
Người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) chở nước giếng cổ của làng về dùng.

Khát khô giữa “chảo lửa”

Trong mỗi bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình, khán giả có lẽ đã quen với các địa danh được ví như “chảo lửa” miền trung trong các mùa đại hạn: Con Cuông (Nghệ An), Hương Khê (Hà Tĩnh), Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Tuyên Hóa những ngày này nắng nóng như rang, gió phơn thổi mạnh suối ngày đêm càng làm cho không khí càng thêm ngột ngạt. Trong khi nhiệt độ ở các huyện trong tỉnh 38 đến 40 độ C thì Tuyên Hóa ở mức 41-41,5 độ C. Nắng nóng kéo dài khiến hàng ngàn hộ dân nơi đây rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, cuộc sống bị đảo lộn.

Thượng nguồn Sông Gianh thời điểm này nhiều đoạn cạn trơ đáy, thỉnh thoảng còn một vài lạch nhỏ. Đã vậy, lần đầu tiên sau 30 năm do khô hạn nên sông Gianh bị nhiễm mặn lên đến thượng nguồn Rào Trổ. Nguồn nước sông Gianh không còn cũng đồng nghĩa với việc nguồn nước ngầm cung cấp cho các giếng khơi, giếng khoan và công trình cấp nước tên địa bàn cũng không có. Thiếu nước, người dân quay cuồng tìm nguồn nước để phục vụ những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Nơi còn lạch nước giữa sông thì ra gánh nước về dùng, không kể chất lượng như thế nào; nơi sông trơ đáy thì dùng xe máy đến các khe suối sâu dùng can đưa nước về; không có nữa thì đành buộc bụng mua nước bình dùng dè sẻn.

Quảng Bình giữa cơn đại hạn ảnh 1

Nước đầu vào của Trạm cấp nước Tiến Hóa thiếu nên chỉ hoạt động được gần 1/4 công suất (Ảnh: HƯƠNG GIANG)

Vị đại diện lãnh đạọ xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa than: “Mùa hè năm nào người dân cũng thiếu nước sinh hoạt, riêng với năm nay còn khốn khổ hơn, nhất là ở ba thôn Đồng Phú, Đồng Giang và Thuận Hoan”. Để có nước sinh hoạt, hằng ngày, mỗi nhà cử một người chuyên xuống khe múc rồi chở nước về dùng. Chị Hoàng Thị Mai, ở thôn Đồng Giang cho biết, từ nhà chị đến con suối lấy nước hơn ba cây số mà mỗi ngày chị phải hai lần đi lấy nước, mỗi lần chở được hai can. Mà nguồn nước cũng gần cạn kiệt vì trời không mưa mà người lấy thì đông.

Xã bên cạnh là Đức Hóa cũng chẳng khá hơn. Trong xã có bảy thôn phải dùng nước sông, khe, giếng nhưng năm nay hạn hạn kéo dài, nguồn nước cạn khiến cuộc sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Nước sạch luôn là mơ ước chảy bỏng của hàng ngàn hộ dân nơi đây.

Ở gần biển, song mùa khô hạn này, người dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch cũng vất vả vì đối phó với nắng hạn. Nước khoan, giếng khơi đều cạn. Người dân dùng xe máy hoặc kéo xe ba-gác đến giếng cổ của làng chờ đến lượt được lấy nước. Chúng tôi về đây vào một buổi sáng nắng sớm chói chang, chứng kiến cảnh người rồng rắn nối nhau đi lấy nước. Anh Nguyễn Văn Thọ cho biết, mỗi sáng như thế anh chở hai chuyến, mỗi chuyến tám can và thùng 20 lít, dùng tiết kiệm cho năm người trong gia đình.

Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMT) Quảng Bình, việc lưu lượng nước cung cấp từ các công trình cấp nước tập trung sụt giảm mạnh cùng với các công trình cấp nước sinh hoạt nhỏ lẻ mà người dân nông thôn thường sử dụng như giếng khoan, giếng khơi cũng đang dần cạn kiệt do mực nước ngầm hạ thấp. Hàng vạn hộ dân trong tỉnh thiếu nước sinh hoạt. Ở nhiều nơi, người dân phải đào, khoan giếng sâu hơn để tìm nước nhưng hầu như không có.

Nỗ lực cao nhất cấp nước cho người dân

Giám đốc Trung tâm NS và VSMT tỉnh Quảng Bình Bùi Thái Nguyên cho biết, qua rà soát toàn bộ 113 công trình cấp nước tập trung trên toàn tỉnh thì hầu hết không bảo đảm cung cấp đủ số lượng và chất lượng nước cho người dân do nguồn nước đầu vào sụt giảm, một số công trình nước bị nhiễm phèn hoặc xâm nhập mặn.

Trong đó 18 công trình tại hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa đã ngừng hoạt động do nguồn nước khô cạn; 27 công trình nguồn nước đầu vào sụt giảm mạnh, lượng nước cung cấp hằng ngày chỉ đạt từ 15% - 40% công suất thiết kế; ba công trình lấy nước nguồn từ sông Gianh bị nhiễm mặn. Chỉ số ít công trình đang duy trì được nguồn cung cấp song nếu tình trạng khô hạn kéo dài thì nguy cơ thiếu hụt nguồn nước chắc chắn sẽ xảy ra. Nước sông Rào Nan hiện tiếp tục xuống thấp, sau khoảng một tuần nữa sẽ làm giảm nguồn cung nước sinh hoạt cho thị xã Ba Đồn.

Trưởng Trạm cấp nước Tiến Hóa Nguyễn Đình Quang nói trong lo lắng: “Công trình cấp nước Tiến Hóa công suất 2.200 m3/ngày-đêm cấp nước cho ba xã Tiến Hóa, Châu Hóa và Văn Hóa hiện giảm còn 400m3/ngày-đêm so với lưu lượng thiết kế là 2.200m3/ngày-đêm (18%) do nguồn từ khe Xai Thượng giảm mạnh nên đơn vị phải áp dụng biện pháp cấp nước luân phiên theo khu vực hoặc theo giờ. Biết là ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhưng đơn vị không còn cách nào khác, mong bà con chia sẻ với khó khăn này”.

Quảng Bình giữa cơn đại hạn ảnh 2

Thượng nguồn sông Gianh ở Rào Trổ bị nhiễm mặn, chuyện 30 năm mới xảy xảy ra.

Tại công trình cấp nước Mai Hóa do nước đầu vào ở thượng nguồn sông Rào Trỗ nhiễm mặn nên trạm dự định tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, đây là nguồn nước duy nhất cấp cho người dân nên chính quyền và người dân xã Mai Hóa tha thiết đề nghị trạm lựa chọn thời điểm nước sông nhiễm mặn thấp để lọc nước cung cấp cho người dân sinh hoạt.

Bà Hà Thị Hiền ở xã Mai Hóa chia sẻ: “Nguồn nước này chúng tôi dùng lâu rồi, nhưng hiện nay bị mặn, thà mặn một chút còn hơn giữa mùa hạn hán này không có nước mà dùng”.

Trưởng trạm Nguyễn Đình Quang nói thêm: “Chúng tôi phải căn cứ vào lịch của thủy triều của trạm thủy văn Mai Hóa, chọn thời điểm triều xuống thấp nhất để lấy nước đầu vào bảo đảm ít nhiễm mặn nhất. Việc bơm nước đầu vào rất linh hoạt, đó có thể là lúc 10 giờ trưa nhưng cũng có khi 2 giờ sáng. Qua xét nghiệm của cơ quan chức năng, độ mặn trong nước do đơn vị cung cấp cho người dân tại công trình này là ở mức cho phép”.

Theo Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Bình Bùi Thái Nguyên, dự báo thời tiết khắc nghiệt còn kéo dài, tỉnh Quảng Bình rất cần hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương trong việc xây dựng các công trình cấp nước có quy mô để việc cấp nước thường xuyên và bảo đảm chất lượng hơn, nhất là tại các vùng dân cư luôn khó khăn về nước.