Ngang nhiên phá rừng tại Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly

Dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly, huyện Đác Song (Đác Nông) có tổng mức đầu tư gần 106 tỷ đồng; quy mô hơn 88 ha, gồm hệ thống thác nước kết hợp với rừng tự nhiên hơn 65 ha. Từ năm 2010, UBND tỉnh Đác Nông giao cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lâu Đài (Công ty Lâu Đài) có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Nhưng do yếu kém về năng lực tài chính, từ khi nhận bàn giao, Công ty Lâu Đài không triển khai dự án, đồng thời buông lỏng quản lý, bảo vệ khiến cho hàng loạt cánh rừng bị chặt phá nghiêm trọng. Rừng bị phá không chỉ do lâm tặc và người dân chiếm đất sản xuất mà chính người của công ty cũng tiếp tay cho lâm tặc.

Rừng bị chặt phá để trồng tiêu.
Rừng bị chặt phá để trồng tiêu.

Buông lỏng quản lý, tiếp tay phá rừng

Trên diện tích rừng tự nhiên thuộc dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly, chúng tôi chứng kiến nhiều cánh rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng bị chặt phá công khai, đốt cháy tràn lan. Những thân gỗ lớn đã được vận chuyển đi tiêu thụ, số cây rừng còn lại được người dân cưa xẻ làm trụ tiêu cắm ngay trên đất rừng. Các hoạt động này diễn ra công khai nhưng không được đơn vị chủ rừng ngăn chặn. Dấu vết tại hiện trường cho thấy rừng bị phá vào nhiều thời điểm và kéo dài. Tại các lô 15, 17, 19 và 20 thuộc tiểu khu 1617, có hàng chục đường mòn, lối mở chằng chịt do lâm tặc tạo ra dẫn vào các điểm khai thác gỗ.

Ngay khu vực đường chính dẫn xuống thác có rất nhiều diện tích rừng vừa bị chặt hạ, gốc cây còn chảy nhựa, những thân cây gỗ có đường kính lớn khoảng 40-60cm đã được lâm tặc xẻ phách vận chuyển đi hết, chỉ còn lại cây gỗ nhỏ và phần cành ngọn được chất thành đống chưa kịp chuyển đi. Tất cả các điểm rừng bị tàn phá chỉ cách trung tâm điều hành của Công ty Lâu Đài vài trăm mét.

Bà Trần Thị Vân, nhân viên Trung tâm quản lý dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly cho biết: "Có rất nhiều đối tượng vào lâm phần của Công ty Lâu Đài khai thác gỗ, củi rồi vận chuyển đi luôn trong ngày". Tuy nhiên, khi làm việc với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty Lâu Đài Phạm Thị Liên không thừa nhận việc cho người vào rừng khai thác gỗ lấy củi. "Thời gian gần đây, do bận nhiều việc nên giao toàn bộ công việc cho nhân viên quản lý, khi đến dự án cũng chỉ ở trung tâm điều hành, việc rừng bị phá tôi hoàn toàn không biết", bà Liên nói. Cũng theo bà Liên, hiện nay một phần ranh giới rừng của Công ty Lâu Đài vẫn chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đác Nông bàn giao cụ thể dẫn đến tranh chấp, cho nên chưa thể khẳng định được diện tích rừng bị phá là do Công ty Lâu Đài quản lý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngọc, nhân viên phụ trách quản lý dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly lại thừa nhận: “Diện tích rừng bị phá ở các lô nêu trên là của Công ty Lâu Đài, đơn vị có cho người vào khai thác củi, dọn dẹp cành khô nhưng với mục đích làm sạch rừng chứ tuyệt đối không cho khai thác cây tươi. Do bận nhiều việc nên rất ít khi ở công ty, không đi kiểm tra rừng nên việc họ tự ý khai thác gỗ, phá rừng tôi hoàn toàn không biết”. Cũng theo ông Ngọc, đối tượng phá rừng ngoài lâm tặc, người dân chiếm đất trồng tiêu, cà-phê thì có cả nhân viên của Công ty Lâu Đài, nhưng hiện nay đã nghỉ việc…

Bỏ bê dự án

Tình trạng phá rừng tại dự án Khu du lịch sinh thái thác Lưu Ly được Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song đánh giá là điểm nóng, cho nên đã phối hợp lực lượng công an tổ chức kiểm tra, chốt chặn thường xuyên. Trong khi đó, Công ty Lâu Đài lại bỏ bê, không xây dựng phương án quản lý, phòng cháy, chữa cháy, thành lập đội quản lý bảo vệ rừng theo quy định. Thậm chí các cơ quan chức năng huyện Đác Song đã nhiều lần liên hệ, có văn bản đề nghị được làm việc với Giám đốc Công ty Lâu Đài nhằm phối hợp ngăn chặn tình trạng phá rừng nhưng không thể gặp mặt.

Hạt phó phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song Nguyễn Đình Dân bức xúc: “Khi chúng tôi phát hiện rừng bị phá đã đề nghị phía công ty cử người phối hợp xử lý nhưng họ không thực hiện. Đơn vị đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, lập biên bản hiện trạng gửi về Công ty Lâu Đài đề nghị Giám đốc đến Hạt Kiểm lâm làm việc, có biện pháp ngăn chặn nhưng phía công ty vẫn không quan tâm. Hiện nay, Công ty Lâu Đài chỉ giao cho một nhân viên quản lý chủ yếu khai thác kinh doanh dịch vụ du lịch, không thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng. Vì vậy, khi có lực lượng kiểm lâm và công an chốt chặn thì tình hình phá rừng ở đây được ngăn chặn; nhưng khi lực lượng chức năng rút về thì rừng lại bị tàn phá tràn lan”.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Nông, năng lực tài chính của Công ty Lâu Đài yếu kém. Từ khi nhận bàn giao dự án đến nay đơn vị đã bỏ bê, chỉ đầu tư một số hạng mục nhỏ lẻ, sơ sài, không bảo đảm tiến độ, không đúng với thuyết minh thiết kế cơ sở và quy hoạch dự án đã được phê duyệt. Sở cũng đã nhiều lần kiểm tra, đôn đốc và tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản đốc thúc đơn vị này thực hiện, thậm chí là giao thời hạn đến hết tháng 12-2016 nếu không thực hiện đúng tiến độ phải thu hồi dự án. Công ty Lâu Đài cũng đã cam kết triển khai thực hiện trong tháng 7-2016 nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đác Nông Bùi Quang Mích lo lắng: “Với tốc độ phá rừng do Công ty Lâu Đài quản lý như hiện nay thì đến cuối năm 2016, rừng sẽ bị phá sạch. Hiện nay, Sở đang tổng kiểm tra và kiến nghị tỉnh Đác Nông thu hồi dự án trước thời hạn”.

Trao đổi qua điện thoại, Giám đốc Công ty Lâu Đài Trần Văn Hùng cho biết: “Công ty đang gặp khó khăn về tài chính, nếu thủ tục vay vốn ngân hàng xong sớm sẽ triển khai ngay để kịp tiến độ theo quy định. Riêng việc rừng của công ty bị tàn phá, tôi không hề hay biết, sẽ kiểm tra cụ thể và thông tin cho báo chí sau, vì hiện nay toàn bộ dự án của công ty đang giao cho nhân viên Nguyễn Văn Ngọc quản lý…”.