Ngăn chặn tình trạng phát triển sinh vật ngoại lai

Thời gian gần đây, dư luận bạn đọc hết sức lo lắng về việc nhập, nuôi một số loài sinh vật ngoại lai (SVNL). Bằng nhiều con đường khác nhau, nhiều loài SVNL như ốc bươu vàng, chuột hamste, rùa tai đỏ... và gần đây nhất là gián đất, đã có mặt ở Việt Nam. Mất kiểm soát SVNL, gây mất cân bằng sinh thái, đe dọa các loài sinh vật bản địa, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.

Nuôi gián đất tại xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: TRẦN QUANG
Nuôi gián đất tại xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh). Ảnh: TRẦN QUANG

Trong khi ở nhiều địa phương người nông dân vẫn phải đang gánh chịu những hệ lụy từ ốc bươu vàng, cá dọn bể, bèo tây... phát triển tràn lan, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, thì mới đây tại hai huyện Gia Bình và Lương Tài (Bắc Ninh), tiếp tục xuất hiện mô hình nuôi gián đất xuất khẩu. Do kỹ thuật nuôi gián đất dễ, không phải đầu tư cầu kỳ, thức ăn lại dễ kiếm, chỉ cần cám, bí, rau băm nhỏ, một kg trứng gián có thể sinh sôi nảy nở thành 16.000 con. Thương lái nước ngoài sẽ sang tận nơi chuyển giao kỹ thuật nuôi, đồng thời cũng là đối tác nhận thu mua toàn bộ gián thương phẩm về để làm thuốc. Được biết giá gián khô lên tới hàng chục triệu đồng/kg. Không chỉ xuất hiện ở miền bắc, gián đất còn được nuôi ở một số tỉnh phía nam. Do lợi nhuận mang lại cao, đầu tư trong thời gian ngắn cho nên nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi gián đất. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia khẳng định: Gián là loại côn trùng gây hại cho xã hội, là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy... Hằng năm, trong danh mục thuốc diệt côn trùng của Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể các loại thuốc để tiêu diệt gián. Do vậy, đây là loài sinh vật bị cấm nuôi ở nước ta.

Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của các cá nhân có liên quan. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về cơ sở khoa học, cho đến nay chưa có tài liệu chính thức nào khẳng định tính có lợi của gián đất và hiệu quả gây nuôi gián đất. Trong khi đó, thực tế các gia đình Việt Nam vẫn phải tốn rất nhiều tiền để tiêu diệt loại côn trùng này. Mới đây nhất ngày 18-3-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã: Quảng Phú, Xuân Lai, thị trấn Thứa, các hộ nuôi gián đất phải tiêu hủy ngay toàn bộ số gián đất, trứng, giá thể nuôi gián đất bằng biện pháp đốt sau đó chôn dưới đất, xong trước ngày 21-3-2014. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các xã, phường liên quan tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện việc nuôi gián đất phải xử lý nghiêm theo quy định.

Thực tế, gián đất chỉ là một trong nhiều loài sinh vật nguy hại mới du nhập vào nước ta trong thời gian gần đây. Còn nhớ những năm trước, một loạt SVNL đã có mặt tại Việt Nam và gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, môi trường. Nhất là vào những năm 1990, trào lưu nhập cá trê phi, ốc bươu vàng, hải ly... về Việt Nam diễn ra ồ ạt với mong muốn tạo ra giống vật nuôi mới. Những lợi ích kinh tế ban đầu như nặng cân, sinh sản nhanh... khiến người ta chưa kịp tính đến những tác hại của loài với nguồn gien bản địa. Và thực tế là nhiều loài ngoại lai đã lấn át hoàn toàn loài bản địa. Cá trôi Ấn Độ là một thí dụ. Sau khi được nhập về, nó đã trở thành đối tượng thủy sản phổ biến, người dân gần như tẩy chay hoàn toàn cá trôi ta, mặc dù thịt cá trôi ta rất thơm và ngon. Hay cá trê phi cũng vậy, từ nam tới bắc, phong trào nuôi đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, loại cá này có đặc điểm ăn phàm nên khi nuôi cá trê phi hầu như các loài sinh vật khác đều bị chúng ăn thịt, môi trường sinh thái mất cân bằng.

Với tham vọng nhập khẩu ốc bươu vàng vào Việt Nam để trở thành nguồn thực phẩm, cung cấp cho người và động vật nuôi nhằm phát triển kinh tế nhưng loại này đã phát triển nhanh và trở thành ác mộng đối với đồng ruộng Việt Nam, gây dịch hại trên nhiều loại cây trồng, nhất là lúa và rau muống.

Thầm lặng nhưng không kém phần nguy hiểm là cây mai dương (Mimosa pigra). Loài này được ghi nhận lần đầu tiên ở ĐBSCL vào khoảng năm 1979 và đến nay, cây mai dương đã xuất hiện ở khắp cả nước. Nơi nào mai dương mọc thì không cây nào có thể cạnh tranh nổi, trừ vài loài cỏ lá nhọn rất dễ cháy vào mùa khô. Ở nhiều nơi như Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Cát Tiên (Lâm Đồng) hay hồ Trị An (Đồng Nai), loài cây này đang xâm lấn nhanh và chiếm lĩnh dần các thảm thực vật tự nhiên, đe dọa sự sống của các loài chim... Mặc dù tại một số tỉnh Đông Nam Bộ, đã nghiên cứu và có những phương án áp dụng để tiêu diệt như nuôi dê để ăn cây mai dương. Song, kết quả thu được là không khả quan. Và trong khi những bài học đắt giá trên vẫn còn nóng hổi thì Việt Nam lại xuất hiện rùa tai đỏ. Được xếp vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới, nhưng rùa tai đỏ đã tràn vào Việt Nam một cách dễ dàng và nhanh chóng xuất hiện phổ biến ở các ao hồ, sông, kênh rạch. Mức độ sinh sản của chúng rất lớn, chỉ trong vòng một vài tháng đã có thể nhân nuôi từ một vài con thành một quần thể. Chương trình bảo tồn rùa châu Á cảnh báo, đây là loài rùa xâm hại đến sự sống của các sinh vật khác, làm tổn hại môi trường.

Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), số lượng thực vật ngoại lai xâm hại có khoảng 94 loài; trong đó, có 42 loài xâm hại thuộc họ thực vật; 48 loài động vật thủy sinh ngoại lai. Đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài thủy sinh vật ngoại lai vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ đã để xảy ra tình trạng bùng phát trong tự nhiên và gây ra tác hại nặng nề. Thậm chí, không ít loài SVNL đã xâm nhập vào nước ta gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái.

Trước sự phát triển và lan rộng của SVNL xâm hại, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để ngăn ngừa và kiểm soát các loài này, tuy nhiên hiệu quả rất hạn chế. Điều đáng lo ngại là có những trường hợp du nhập những loài SVNL vào Việt Nam một cách có chủ ý với số lượng lớn nhưng do không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ với những chế tài nghiêm khắc nên đã xảy ra tình trạng nhiều loài được nhập khẩu hoặc du nhập bằng các con đường khác nhau, gây nên những tổn thất lớn về kinh tế và đa dạng sinh học.

Việc quản lý đa dạng sinh học, trong đó có thủy sinh vật ngoại lai được quy định trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành vẫn chưa được phân công rõ ràng. Năng lực và trình độ đội ngũ cán bộ chuyên trách còn nhiều hạn chế. Các công trình nghiên cứu khoa học về các loài SVNL xâm hại còn quá ít, chưa dự báo được những loài có nguy cơ xâm hại hoặc nguy cơ du nhập. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát đối với các loài SVNL xâm hại.

Để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng nuôi gián đất trái phép nói riêng và các loài SVNL xâm hại ảnh hưởng hệ đa dạng sinh học tại Việt Nam nói chung, các ngành và cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa và kiểm soát loài SVNL xâm hại. Áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ để ngăn ngừa, kiểm soát và quản lý loài SVNL. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ SVNL xâm hại. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác phòng ngừa, kiểm soát và tăng cường hợp tác quốc tế về ngăn ngừa các loài SVNL xâm hại.

Cơ quan hải quan chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại. UBND cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập của loài ngoại lai từ bên ngoài để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép... Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai.

(Luật Đa dạng sinh học)

Theo tôi, ngăn chặn việc nuôi gián đất là cần thiết. Vì gián đất là loại côn trùng gây hại cho xã hội, có thể gián tiếp truyền nhiều bệnh nguy hiểm, nó còn là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo trong gia đình...

NGUYỄN THANH AN

(TP Bắc Ninh, Bắc Ninh)

Quản lý triệt để SVNL xâm hại đang trở thành vấn đề cấp bách, bức thiết. Hàng triệu nông dân đang từng ngày, từng giờ phải chịu thiệt hại vì ốc bươu vàng, cá dọn bể, bèo tây... Đã đến lúc các bộ, ngành liên quan cần mạnh tay hơn trong công tác ngăn chặn, tiêu diệt sinh vật ngoại lai để giảm thiệt hại cho dân, trả lại môi trường sống an toàn cho các sinh vật bản địa.

TRẦN VĂN MINH

(Bộ Tài nguyên và Môi trường).