Lượng rác thải điện tử tăng kỷ lục chưa từng thấy

NDO -

NDĐT – Trong năm 2019, con người đã tạo ra một lượng chất thải điện tử đáng kinh ngạc, lên đến 53,6 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2014.

Quang cảnh bãi phế liệu điện tử lớn nhất châu Phi ở Ghana vào ngày 23-5-2019. Ảnh: Getty Images.
Quang cảnh bãi phế liệu điện tử lớn nhất châu Phi ở Ghana vào ngày 23-5-2019. Ảnh: Getty Images.

Một báo cáo quốc tế mới tiết lộ rằng, chỉ có 17% chất thải được tái chế, phần còn lại chuyển đến các bãi chôn lấp, thiêu hủy hoặc đơn giản là không được xử lý. Các thiết bị điện tử nhỏ, như lò nướng bánh, máy cạo râu điện và đồ chơi, chiếm 32% chất thải điện tử của năm 2019.

Lượng rác điện tử nhiều thứ hai chiếm 24% là các thiết bị lớn như thiết bị nhà bếp và máy photocopy. Các tấm pin mặt trời bị loại bỏ chưa phải là lượng rác lớn hiện nay nhưng có thể là vấn đề khi công nghệ hiện nay trở nên cũ. Màn hình điện tử chiếm khoảng gần 7 triệu tấn chất thải điện tử vào năm 2019. Thiết bị CNTT và viễn thông nhỏ như điện thoại vào khoảng 5 triệu tấn rác.

Vào năm 2030, lượng rác thải điện tử dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Theo báo cáo, rác thải điện tử là mối nguy hiểm đối với sức khỏe của con người, vì rác có thể đầu độc người xử lý nó và môi trường xung quanh.

Mất dấu 50 tấn thủy ngân trong rác điện tử

“Chúng ta đang bắt đầu một cuộc bùng nổ đồ điện tử ở khắp mọi nơi do điện khí hóa tăng lên”, ông Ruediger Kuehr, một trong những tác giả của báo cáo và là Giám đốc Chương trình Chu kỳ bền vững tại Đại học Liên hợp quốc nói với The Verge.

Nhóm của Kuehr đã làm việc với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Đức về báo cáo. Đây là báo cáo toàn cầu thứ ba được xuất bản kể từ năm 2014.

Lượng rác thải điện tử tăng kỷ lục chưa từng thấy -0
 Rác thải điện tử bất hợp pháp ở Yuen Long, Hồng Kông, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Theo báo cáo này, 50 tấn thủy ngân nằm trong các chất thải điện tử đã bị mất dấu, và phần lớn trong số đó có khả năng bị thải ra môi trường. Thủy ngân là một chất độc thần kinh ảnh hưởng đến não và có thể làm suy yếu sự phát triển nhận thức của trẻ em. Hàng triệu bảng màn hình phẳng chứa đầy thủy ngân đã được một công ty tái chế chất thải điện tử nổi tiếng của Mỹ chuyển tới Hồng Kông, nơi nó gây ra mối đe dọa cho các công nhân được giao nhiệm vụ tháo gỡ mà không được đào tạo và trang bị đầy đủ để tự bảo vệ mình. Chủ sở hữu của công ty, Total Reclaim, đã nhận tội lừa đảo sau một cuộc điều tra liên bang.

Báo cáo cũng cho biết, một lượng vàng, đồng, sắt và các khoáng sản khác trị giá 57 tỷ USD đã được khai thác trong rác điện tử vào năm ngoái. Việc sử dụng vật liệu bị lãng phí đó có thể làm giảm thiệt hại môi trường từ việc khai thác khoáng sản mới.

Khi sản phẩm mới hôm nay là rác của ngày mai

Theo báo cáo, năm 2019, châu Á, lục địa lớn nhất và đông dân nhất, đã thải nhiều rác điện tử nhất. Châu Âu có tỷ lệ chất thải điện tử trên đầu người cao nhất, gần gấp ba lần châu Á. Châu lục này cũng có tỷ lệ thu gom và tái chế chất thải cao nhất.

Các chuyên gia mong đợi nhu cầu về sử dụng thiết bị điện tử phát triển nhanh ở những nơi có tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Những người không đủ khả năng mua các thiết bị mới trong quá khứ giờ đang bắt đầu nghiến ngấu sử dụng chúng. "Đây là một thách thức lớn đối với loài người bởi thực tế là có một tầng lớp trung lưu đang tăng lên ở khắp mọi nơi trên thế giới. Vẫn còn một cơn khát về mặt hàng điện tử”, ông Kuehr cho biết.

Theo ông Scott Cassel, người sáng lập Viện quản lý sản phẩm phi lợi nhuận, đống chất thải điện tử ngày càng phức tạp và độc hại hơn. “Các công ty điện tử có thể làm rất tốt việc thiết kế sản phẩm phục vụ niềm vui và tăng hiệu quả công việc cho người dùng, nhưng sự thay đổi nhanh chóng trong nhu cầu của người tiêu dùng cũng có nghĩa là họ đang thiết kế cho sự lỗi thời. Vì vậy, sản phẩm mới nhất, tuyệt vời nhất ngày nay trở thành rác của ngày mai”, ông Cassel nói.

Bà Mijke Hertoghs, người đứng đầu bộ phận Môi trường và viễn thông khẩn cấp của ITU cho biết, tỷ lệ rất thấp của chất thải điện tử được tái chế là một dấu hiệu cho thấy mặc dù các chính sách và luật pháp này được áp dụng, nhưng nó không hiệu quả. Bà cho rằng có thể làm nhiều hơn để thực thi các chính sách đó.

Thiết bị điện tử đang được trao đổi như hàng hóa và rác thải điện tử là mang tính toàn cầu. Những nỗ lực để giữ cho rác thải điện tử không chồng chất đến mức nguy hiểm cũng sẽ cần phải mang tính toàn cầu, ông Cassel và bà Hertoghs cùng cho biết.

Theo ông Cassel, không chỉ là đại dương của chúng ta đang lấp đầy nhựa, mà đất của chúng ta cũng đang chứa đầy rác thải điện tử.