Lượng khí thải carbon thực tế nhiều hơn các quốc gia đang báo cáo

NDO -

Ngày 26-4, các nhà khoa học cho biết đã phát hiện ra khoảng cách chênh lệch lớn giữa lượng khí thải làm khí hậu nóng lên mà các quốc gia báo cáo và lượng carbon dioxide mà các mô hình độc lập đo được trong khí quyển, khoảng cách này tương đương với lượng khí thải mà Mỹ thải ra mỗi năm.

Đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc bị ô nhiễm không khí ngày 13-2. Ảnh: Reuters.
Đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc bị ô nhiễm không khí ngày 13-2. Ảnh: Reuters.

Khoảng cách khoảng 5,5 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm phát sinh không phải do bất kỳ quốc gia nào đang là sai số lớn. Đúng hơn, đó là do sự khác biệt giữa các phương pháp khoa học được sử dụng trong kiểm kê mà các quốc gia báo cáo theo Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu và các phương pháp được sử dụng bởi các mô hình quốc tế.

Ông Giacomo Grassi, lãnh đạo khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban châu Âu, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Nếu các mô hình và các quốc gia "nói" theo "ngôn ngữ" khác nhau, việc đánh giá tiến bộ khí hậu của quốc gia sẽ khó khăn hơn. Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần tìm cách so sánh những con số ước tính này".

Nghiên cứu giải thích về khoảng cách phát thải được công bố ngày 26-4 trên tạp chí Nature Climate Change hàng tháng, theo đó, một số quốc gia sẽ phải điều chỉnh mức giảm phát thải của họ. Thí dụ, trong các mô hình quốc gia do Mỹ và các quốc gia khác sử dụng, đất rừng được cho là hấp thụ carbon nhiều hơn so với các mô hình độc lập. Nghiên cứu cho thấy, các ước tính quốc gia cho thấy diện tích đất rừng được quản lý trên toàn thế giới nhiều hơn khoảng 3 tỷ ha so với các mô hình độc lập.

Lượng khí thải carbon thực tế nhiều hơn các quốc gia đang báo cáo -0
 Không khí ô nhiễm ở Delhi, Ấn Độ ngày 20-11-2020. Ảnh: Reuters.

Rủi ro là một số nước khẳng định các khu rừng được quản lý đang hấp thụ lượng lớn lượng khí thải nên không cắt giảm đủ lượng khí thải từ xe hơi, nhà cửa và nhà máy.

Giáo sư Christopher Williams, chuyên gia về rừng tại Đại học Clark nói với Washington Post: “Chúng ta thật may mắn khi có những bể chứa carbon tự nhiên đó (rừng). Tuy nhiên, hấp thụ carbon là một món quà miễn phí từ thiên nhiên mà chúng ta không thực sự nhận được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".

Khi các quốc gia nỗ lực thực hiện cam kết cắt giảm khí thải như một phần của Hiệp định Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, sự chênh lệch có thể trở thành một vấn đề lớn.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thúc giục các quốc gia nâng cao mục tiêu cắt giảm khí thải trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26) của Liên hợp quốc tại Scotland vào tháng 11 tới.

Nghiên cứu cho rằng, cần phải có các điều chỉnh dành riêng cho từng quốc gia, "nhưng trước đây các quốc gia đã sử dụng mô hình không thể so sánh được thì giờ đây có thể cần phải cập nhật mục tiêu".