Loài sam tiếp tục bị hút máu để thử nghiệm độc tố dược phẩm

NDO -

NDĐT – Do chưa thể tìm ra chất thay thế tổng hợp nào tin cậy, nên mặc dù các nhóm bảo tồn động vật phản đối, máu xanh của cua móng ngựa (ở Việt Nam gọi là con sam) sẽ vẫn bị hút để kiểm tra an toàn dược phẩm, nhất là khi chúng ta đang cần thử nghiệm thuốc và vaccine phòng Covid-19.

Máu xanh giàu đồng của con sam từ lâu đã được sử dụng để phát hiện các chất gây nhiễm độc trong dược phẩm. Ảnh: Reuters.
Máu xanh giàu đồng của con sam từ lâu đã được sử dụng để phát hiện các chất gây nhiễm độc trong dược phẩm. Ảnh: Reuters.

Từ lâu, máu giàu đồng của loài sam tồn tại 450 triệu năm đã được sử dụng trong các xét nghiệm để phát hiện sự nhiễm bẩn trong các mũi tiêm và dịch truyền. Khi thuốc chứa nội độc tố từ vi khuẩn, máu sam sẽ vón cục.

Nhiều nhóm nghiên cứu đã tìm cách tạo ra các phiên bản nhân tạo thay thế máu sam, điển hình là Công ty đa quốc gia hóa chất và công nghệ sinh học Lonza có trụ sở tại Thụy Sĩ đã sử dụng yếu tố tái tổ hợp C (rFC) để sản xuất sản phẩm thử nghiệm thay thế máu sam.

Một cuộc chiến trong ngành công nghiệp dược đang diễn ra, khi một doanh nghiệp lớn khác đối thủ của Lonza là Phòng thí nghiệm Charles River của Mỹ đã chỉ trích phương án này.

Trước đó, trong các ấn phẩm hướng dẫn ngành công nghiệp dược phẩm, Dược điển Mỹ (USP) đã bổ sung rFC vào tiêu chuẩn thử nghiệm nội độc tố quốc tế, ngang hàng với thử nghiệm từ máu sam.

Nhưng ngày 29-5 vừa qua, USP đã bỏ điều này và đưa rFC thành một chương độc lập trong hướng dẫn mới. Điều này có nghĩa là các công ty dược phẩm đang tìm cách sử dụng phương pháp thay thế phải tiếp tục thực hiện thêm công việc xác nhận, để bảo đảm các phương pháp sử dụng xét nghiệm rFC của họ phù hợp với các xét nghiệm từ máu sam.

Quyết định này khiến ngành công nghiệp dược phẩm “chùn bước” trong nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào các thử nghiệm trên động vật, dù các công ty sinh học thúc đẩy các lựa chọn thay thế và những người ủng hộ động vật hoang dã lo lắng về ảnh hưởng của việc hút máu sam đối với hệ sinh thái ven biển.

Chia sẻ với Reuters ngày 31-5, USP cho biết các chuyên gia của họ kết luận rằng có quá ít kinh nghiệm thực tế với các sản phẩm thuốc được thử nghiệm từ rFC để đưa các xét nghiệm tổng hợp ngang bằng với thử nghiệm từ máu sam vốn được sử dụng rộng rãi trong nhiều thập kỷ.

Loài sam tiếp tục bị hút máu để thử nghiệm độc tố dược phẩm ảnh 1

Cua móng ngựa bị hút máu tại Phòng thí nghiệm Charles River. Ảnh: Getty Images.

Nhà sản xuất thuốc Eli Lilly, đơn vị đã chuyển 90% sang các xét nghiệm tổng hợp cho các loại thuốc điều trị chứng đau nửa đầu, cho biết thử nghiệm rFC là an toàn và các yêu cầu xác nhận thêm đã gây trở ngại cho việc áp dụng phương pháp này một cách phổ biến.

Các xét nghiệm nội độc tố chiếm tới 70 triệu liều mỗi năm, ước tính trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Một vấn đề đặt ra là ngành công nghệ dược phẩm đang rất cần thúc đẩy các xét nghiệm nội độc tố cho thử nghiệm tiềm năng của thuốc điều trị và vaccine Covid-19.

USP đã đề nghị giúp đỡ các ứng cử viên sản xuất vaccine Covid-19 nếu họ chọn làm xét nghiệm nội độc tố với rFC, bao gồm cả sự hỗ trợ kỹ thuật miễn phí từ các nhà khoa học.

Lonza cho biết, nếu nhu cầu toàn cầu cần 5 tỷ liều vaccine Covid-19 thì sẽ chỉ cần khoảng 150.000 xét nghiệm nội độc tố bổ sung và vì thế sẽ chỉ tác động tối thiểu đến việc săn bắt loài sam.

Về phía các nhà bảo tồn, họ cũng đang thúc đẩy việc sử dụng rFC để bảo vệ sam. Mỗi năm, ngư dân đã bắt hàng trăm nghìn con sam ở Mỹ và châu Á để phục vụ xét nghiệm nội độc tố. Sau khi bị hút máu, con sam được thả về Đại Tây Dương, nhưng nhiều con trong số đó đã bị chết.

Trong một tuyên bố vào hôm qua, 1-6, Tổ chức Liên minh phục hồi cua móng ngựa kêu gọi công nghiệp dược phẩm cần sử dụng các phương pháp nhân tạo nhiều hơn. Họ cho rằng sự thay đổi này có thể giúp cứu sống 100.000 con sam mỗi năm chỉ riêng ở Bờ Đông Mỹ và giúp cả các loài chim di cư đang phụ thuộc vào trứng sam để sinh tồn.