Lần đầu tiên thế giới có “bản đồ gió” toàn cầu

NDO -

Các nhà khoa học về năng lượng gió tại Đại học Cornell, Mỹ đã phát hành một tập bản đồ gió toàn cầu mới. Đây là tài liệu tóm tắt kỹ thuật số về tốc độ gió cực đại của tất cả các nơi trên thế giới để giúp các kỹ sư lựa chọn tuabin và đẩy nhanh sự phát triển năng lượng bền vững.

Bản đồ gió giúp các kỹ sư lựa chọn tuabin thích hợp.
Bản đồ gió giúp các kỹ sư lựa chọn tuabin thích hợp.

Theo nghiên cứu được xuất bản vào ngày 25-1 trên tạp chí Năng lượng tự nhiên mang tên “Đánh giá toàn cầu về tốc độ gió cực đoan cho các ứng dụng năng lượng gió”, tập bản đồ gió này là bản mô tả công khai đầu tiên, thống nhất và rõ ràng về không gian địa lý (bộ dữ liệu gắn liền với các vị trí) về tốc độ gió cực mạnh.

Giáo sư Sara C. Pryor, Khoa Khoa học Trái đất và Khí quyển đã viết bài báo này cùng với Giáo sư Rebecca J. Barthelmie, Trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không vũ trụ Sibley. Cả hai đều là nghiên cứu sinh tại Trung tâm Bền vững Cornell Atkinson.

“Loại thông tin này sẽ bảo đảm lựa chọn chính xác các tuabin gió để triển khai và giúp bảo đảm sản xuất điện hiệu quả và tin cậy từ các tuabin đó”, Giáo sư  Pryor nói.

Các nhà nghiên cứu cho biết, tốc độ gió cực đại là chìa khóa để thiết kế tuabin nhằm tiết kiệm chi phí, lựa chọn tuabin thích hợp và tính toàn vẹn của cấu trúc trên bất kỳ địa điểm cụ thể nào. Trước đây, tại nhiều địa điểm, việc ước tính tải trọng gió cực đoan trên các dự án là không chắc chắn do các phép đo tại chỗ hạn chế.

Theo bài báo, đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt tuabin gió trên toàn cầu là hơn 651 gigawatt (GW). Có 60 GW công suất điện gió được xây dựng gần đây, trong đó gần 90% được đặt trên bờ. Giáo sư Pryor cho biết: “Vì vậy, gió hiện đang tạo ra hơn 1.700 terawatt giờ điện mỗi năm, chiếm khoảng 7,5% nguồn cung điện toàn cầu”.

Theo hai giáo sư Barthelmie và Pryor, Mỹ chiếm 17% công suất lắp đặt năng lượng gió hiện tại của thế giới, trong khi châu Âu (31%) và Trung Quốc (36%).

Hiện trên toàn thế giới đã có 90 quốc gia có các tuabin gió tạo ra điện, Giáo sư Pryor cho biết.

Còn theo Giáo sư Barthelmie, việc thực hiện nghiên cứu là do sự hối thúc từ nhu cầu của ngành năng lượng gió. Việc định lượng gió còn có thể hữu ích trong các ứng dụng kỹ thuật dân dụng và trong phân tích độ tin cậy của kết cấu cho các tòa nhà cao tầng và xây nhịp cầu dài trong hệ thống giao thông, cũng như để phát và phân phối điện.

Giáo sư Pryor cho biết: “Ngành năng lượng gió sẽ mở rộng hiệu quả hơn nữa bằng cách truy cập vào tập bản đồ kỹ thuật số mới phát hành này”.