Khai thác cát, hãy dừng lại trước khi quá muộn!

Kỳ 2: Đua nhau “tận diệt” cát sông miền Tây

NDO -

NDĐT - Sông là một hệ thống, trong khi từng tỉnh tranh thủ cấp phép khai thác cát trên từng khúc sông đi qua địa phận tỉnh mình gây nên những bất cập, tác động đến toàn vùng. Các nhà khoa học cho rằng, việc bằng mọi cách đẩy nhanh việc cấp phép khai thác cát, hoặc khai thác nhiều hơn là hành vi “tận diệt” cát sông. Nguồn thu từ khai thác cát không đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, bởi mức giá “bán” cát rẻ như cho nhưng tại sao các tỉnh vẫn muốn “bán” được càng nhiều càng tốt?

Chỉ một khúc sông ngắn trên sông Cổ Chiên, qua tỉnh Vĩnh Long đã có 5 cần cẩu khai thác cát.
Chỉ một khúc sông ngắn trên sông Cổ Chiên, qua tỉnh Vĩnh Long đã có 5 cần cẩu khai thác cát.

* Kỳ 1: Ai bảo kê cho “cát tặc” miền Tây?

Nạo vét, thông luồng chỉ là cái cớ

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có 28 mỏ cát được cấp phép khai thác, trong đó 25 mỏ đang hoạt động với khối lượng 3,6 triệu m3/năm. Tuy nhiên, trong số những giấy phép này có cả các giấy phép xin được múc cát ngay tại cồn để gia cố đê bao, đắp cồn ngăn sạt lở.

Điển hình như khu vực cồn du lịch Mê Công – Đồng Phú, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long do Công ty TNHH thương mại thủy sản Vĩnh Long thuê, quản lý để nuôi cá và làm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, chúng tôi từng mật phục quay được clip về việc những cần cẩu xáng cạp hoạt động ầm ĩ cả đêm để cung cấp cát cho xà lan chở đi nơi khác tiêu thụ. Việc khai thác cát được thực hiện ngay nơi đầu cồn Đồng Phú, nơi xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Người dân còn gọi nơi đây là này cồn “Ông Do” (tức ông Dương Văn Do – Giám đốc Công ty TNHH thương mại thủy sản Vĩnh Long), bởi việc khai thác cát quá ngang nhiên mà không một cơ quan nào kiểm tra, xử lý.

Tương tự, Công ty TNHH Phước Anh cũng xin giấy phép múc cát gia cố bờ bao ao nuôi cá tại khu vực cồn Cá Lóc, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, ông Phan Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long cho biết, có nhận được phản ánh của người dân về việc múc cát đem bán và khai thác sai giờ quy định vào ban đêm ở cồn “Ông Do”, đã thành lập đoàn kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm nào(?). “Còn khu vực cồn Cá Lóc đã bị rút giấy phép, dừng hoạt động múc cát gia cố đê bao vì bị người dân phản ứng và phát hiện có vi phạm”, ông Tuấn cho hay.

Trong khi đó, người dân tại khu vực cù lao Giêng xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã phản ứng quyết liệt khi Công ty Dương Khang đưa xáng cạp vào khai thác cát tại khu vực đang sạt lở nghiêm trọng. Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, khu vực trên thuộc dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch của nhánh sông Tiền, chỉnh trị dòng chảy để hạn chế sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, giấy phép do UBND tỉnh An Giang cấp cho Công ty Dương Khang là khai thác cát.

Về vấn đề này, ông Lâm Quang Thi giải thích: “Toàn tỉnh có 10 điểm nạo vét, thông luồng. Sau khi nạo vét luồng, nếu còn cát mới tiến hành tận thu khoáng sản có đóng thuế. Mục đích của việc khơi thông luồng lạch là để chỉnh trị dòng chảy giữa sông, không làm sạt lở hai bên bờ và giúp tàu bè đi lại thuận tiện. Tỉnh đang siết chặt việc khai thác cát dẫn đến nguồn cát khan hiếm. Trong khi đó, tỉnh đang cấp bách triển khai dự án xây dựng khu dân cư cho 107 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ở Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới nên rất cần cát để san lấp mặt bằng”.

Còn tại khu vực biên giới huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cũng có những dự án nạo vét, thông luồng cả của tỉnh và của Bộ. Ông Võ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, khu vực mỏ cát tại cồn Thường Thới Tiền, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác cho Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp, kết hợp khơi thông dòng chảy. Theo lý giải của ông Tâm, vì cồn Thường Thới Tiền nổi làm cho dòng nước chuyển về nhánh sông Hàng Gòn làm sạt lở bờ sông tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, việc cấp phép nạo vét, thông luồng chỉ là cái cớ để khai thác cát theo kiểu “tận diệt” tài nguyên. “Sông Tiền có chiều rộng trung bình từ 800 - 1.000m, nếu chỗ nào bị cạn thì chỉ cần điều chỉnh phao, chỉnh luồng với bề rộng chừng 150m là tàu, thuyền vô tư đi lại rồi. Trong khi họ nói là nạo vét, thông luồng nhưng chỉ nạo vét, múc ở khu vực có cát, chứ bùn thì không thèm nạo vét”, một nhà khoa học đưa ra nhận định.

Người dân là đối tượng quan trọng cần tham vấn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, khối lượng cát được cấp phép khai thác trong tỉnh hơn 8 triệu m3/năm. Và khu vực biên giới, đầu nguồn sông Tiền giáp với nước bạn Campuchia là “đại công trường” khai thác cát “truyền thống” của tỉnh này từ nhiều năm qua.

Tại khu vực biên giới xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tiếp giáp với địa phận xã biên giới Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang luôn tấp nập ghe tàu, sà lan trọng tải lớn nối đuôi nhau chờ lấy cát. Các cần cẩu hoạt động liên tục không lúc nào ngơi nghỉ. Đứng ở hai bên bờ sông Tiền tại khu vực này, nhiều người lầm tưởng nơi đây là “chợ nổi” ven biên mà sản phẩm duy nhất được bán mua tấp nập là cát sông.

Chúng tôi thuê ghe, luồn lách qua những chiếc sà lan sắt khổng lồ và những cần cẩu cao chót vót để ghi nhận thực trạng, đồng thời tiếp cận khu vực sạt lở nằm ngay đầu cồn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu. Người dân tại cồn vô cùng lo lắng bởi xáng cạp khai thác cát hoạt động hết công suất và những bựng đất to tướng trên cồn cũng lần lượt bị “kéo” xuống lòng sông.

Cùng chung cảnh khổ sở và lo lắng, nhiều nhà dân sinh sống ven bờ sông tại khu vực bến phà Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cũng nơm nớp tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến hết sức bất thường.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định, hiện nay nguồn cát sông không thiếu, nhất là trục sông lớn chảy qua An Giang, Đồng Tháp có trữ lượng lớn cát phục vụ cho xây dựng và san lấp mặt bằng.

Nhưng xảy ra tình trạng khan hiếm như hiện nay là cung không đủ cầu, nguồn cung bị bóp lại thông qua việc ngừng cấp phép khai thác các mỏ cát mới. Các dự án nạo vét sông luồng lạch cũng tạm dừng, do đó nguồn cung không đủ cầu nên có nơi giá cát tăng từ 200 - 300%, các công trình đầu tư của T.Ư và địa phương ở khu vực bị đội tổng chi phí đầu tư.

“Cho các địa phương tự chủ việc cấp phép khai thác cát, có đánh giá tác động môi trường thì mới cấp phép khai thác cát, nhưng không cần lấy ý kiến người dân vì việc sạt lở đất xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chứ không phải hoàn toàn do khai thác cát. Việc tham vấn người dân trong việc cấp phép khai cát theo quy định của pháp luật rất khó, vì khi lấy ý kiến thì không người dân nào đồng thuận”, ông Lâm Quang Thi đề xuất.

Ngay lập tức, ý kiến này vấp phải phản ứng gay gắt của các nhà khoa học. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái đồng bằng sông Cửu Long khẳng định, diện tích sạt lở toàn vùng lên đến 891km2 là do khai thác cát.

“Sông là hệ thống. Khi khai thác cát ở Campuchia thì cũng trên dòng sông ấy tại Việt Nam sạt lở. Khai thác cát ở An Giang có thể gây sạt lở ở Cần Thơ vì cùng hệ thống sông Hậu. Trong khi hiện nay, mỗi tỉnh đều cấp phép khai thác cát trên từng khúc sông chảy qua địa phận tỉnh mình đã gây nên những bất cập và tác động đến toàn vùng”, ông Thiện phân tích.

Còn Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, ý kiến đề xuất không tham vấn cộng đồng, không lấy ý kiến người dân để đẩy nhanh quá trình cấp phép khai thác cát là đi ngược lại với thông lệ quốc tế.

“Cộng đồng ở đây là cả những người quan tâm về chuyện khai thác cát, người bị ảnh hưởng gián tiếp và người bị ảnh hưởng trực tiếp. Người dân sống ngay trong vùng khai thác cát quan ngại sạt lở sẽ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, họ mất nhà, mất đất, thì người dân mới chính là đối tượng quan trọng cần tham vấn, lấy ý kiến. Không phải chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Việt Nam mà cả quốc tế. Vậy thì trách nhiệm của nhà quản lý, của cơ quan chức năng là làm sao cho người dân bớt quan ngại, chứ không phải đẩy trách nhiệm cho người dân. Thông lệ này đã được hơn 100 quốc gia đặt bút ký, trách nhiệm chứng minh, làm cho công chúng bớt quan ngại thuộc về những người tạo ra quan ngại đó”, Tiến sĩ Dương Văn Ni nêu quan điểm.

Bán cát rẻ như cho?

Ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết, mức giá cấp quyền khai thác cho HTX khai thác cát Tân Bình Minh tại khu vực mỏ Mỹ Hòa – Phú Thành tính trung bình là 600 đồng/m3.

Ngoài ra, khi nhận giấy chứng nhận, đơn vị này phải đóng lệ phí là 30 triệu đồng.

Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước là phí bảo vệ tài nguyên môi trường trên sản lượng họ khai thác, thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, nguồn thu từ khai thác cát không đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương, mà chủ yếu là phục vụ cho các công trình dự án của Nhà nước.

“Các đơn vị khai thác cát có đủ “chiêu trò” để qua mặt cơ quan chức năng như xuất hóa đơn bán cát với giá rẻ để trốn thuế, trong khi giá cát thực tế cao gấp mấy lần”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định.

Kỳ 2: Đua nhau “tận diệt” cát sông miền Tây ảnh 1

Mỗi năm, tỉnh Vĩnh Long cấp phép khai thác cát với khối lượng 3,6 triệu tấn.

Kỳ 2: Đua nhau “tận diệt” cát sông miền Tây ảnh 2

Khai thác cát là nguyên nhân gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng ở ĐBSCL.

Kỳ 2: Đua nhau “tận diệt” cát sông miền Tây ảnh 3

Sà lan trọng tải lớn neo đậu kín trên sông Tiền khu vực biên giới xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, tiếp giáp nước bạn Campuchia.

Kỳ 3: Sẽ không còn cát về đồng bằng