Khó khăn trong thu gom rác thải sinh hoạt ở Đồng Tháp

Là tỉnh sản xuất nông nghiệp phát triển, phần lớn người dân Đồng Tháp sinh sống tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hằng ngày môi trường nơi đây phải tiếp nhận một lượng lớn chất thải, rác thải nhưng việc thu gom lại đang gặp nhiều khó khăn.

Không có xe thu gom rác, nhiều hộ dân khu vực nông thôn ở TP Cao Lãnh mang rác ra vứt ven đường.
Không có xe thu gom rác, nhiều hộ dân khu vực nông thôn ở TP Cao Lãnh mang rác ra vứt ven đường.

Cách trung tâm TP Cao Lãnh chưa đầy ba cây số, nhưng nhiều năm qua, xã Mỹ Trà với hơn 1.100 hộ dân vẫn mòn mỏi chờ được thu gom rác thải sinh hoạt. Trong tổng số bảy tuyến đường mà hiện nay xe rác chưa đến thu gom rác thì có đến sáu tuyến đường có tỷ lệ 100% hộ gia đình đăng ký thu gom rác với giá theo quy định là mỗi hộ 30.000 đồng/tháng nhưng vẫn không được thu gom. Gia đình bà Phan Thị Hà, ấp 1, xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh có năm thành viên. Dù là hộ cận nghèo nhưng khi biết địa phương lập danh sách thu gom rác trên tuyến đường mình sinh sống, bà đã đăng ký với mong muốn hằng ngày có xe đến thu gom rác. “Ba chục ngàn đóng phí thu gom rác mỗi tháng thấy cũng ngán, nhưng muốn nhà cửa sạch sẽ, không phải bất tiện chở rác đi xa đổ nên tôi đăng ký dịch vụ thu gom rác, vậy mà đến nay chưa có xe đến lấy rác”, bà Phan Thị Hà bức xúc nói. Không có xe đến thu gom rác, người dân sống dọc các tuyến đường nông thôn của xã Mỹ Trà chỉ còn cách tự dùng xe nhà chở rác đi bỏ một nơi khác hoặc vứt thẳng xuống kênh, sông gần nhà, dù biết như vậy dễ gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, chính quyền xã Mỹ Trà đã nhiều lần mời dân họp, đến từng hộ dân để vận động, lập danh sách đăng ký, nhưng đơn vị thu gom rác không đồng ý với lý do đường khó, xe chở rác chuyên dụng không vào được, và khó khăn về nhân lực. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trà Nguyễn Văn Việt cho biết: Nguyên nhân khiến Xí nghiệp Dịch vụ môi trường đô thị TP Cao Lãnh không mặn mà việc thu gom rác tại nhiều tuyến đường trên địa bàn xã là vì đơn vị này thấy không có lời do tốn chi phí thuê nhân công, đầu tư xe nhỏ,... Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) TP Cao Lãnh Lê Gia Vy: UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các xã chủ động phối hợp đơn vị thu gom rác để tiến hành thu gom tại nhà của các hộ dân. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác của các hộ dân khu vực nông thôn bảy xã đã đăng ký chỉ đạt khoảng 30%.

Không chỉ ở Mỹ Trà, nhiều huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng gặp khó khăn trong thu gom rác thải sinh hoạt. Theo Phòng TN và MT huyện Tháp Mười, lượng rác thải nông thôn trên địa bàn huyện hiện nay được thu gom xử lý là 30%, còn lại được người dân tự thu gom xử lý như: đào hố chôn lấp, tái sử dụng,… Trưởng phòng TN và MT huyện Tháp Mười Lê Minh Sơn cho biết: Một trong những hạn chế trong việc thu gom rác thải tại nhà dân là năng lực của đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển rác còn yếu. Mặt khác, một số tuyến đường giao thông ở khu vực nông thôn không bảo đảm cho xe chuyên dụng thu gom rác lưu thông mà phải có các xe trung chuyển thô sơ và các điểm tập kết thùng chứa rác thải.

Theo Sở TN và MT tỉnh Đồng Tháp, ước tính khối lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh khoảng 480 tấn/ngày, trong đó tỷ lệ được thu gom, xử lý khoảng 40% (chủ yếu từ các cụm tuyến dân cư, các chợ tập trung của xã hoặc trên các tuyến đường lớn). Lượng rác còn lại chưa được thu gom, người dân tự xử lý bằng cách chôn, đốt hoặc thải trực tiếp ra kênh, rạch hoặc các khu đất trống. Hiện, có 11 trong số 12 huyện, thị xã, thành phố thực hiện xã hội hóa công tác thu gom rác thải. Tỉnh quan tâm thành lập, duy trì và nhân rộng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, nhất là các mô hình hoạt động có hiệu quả trên địa bàn, đã hình thành và duy trì hoạt động 144 tổ tự quản vệ sinh môi trường tại 144 xã, phường, thị trấn. Hằng năm, các đoàn thể trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như hỗ trợ xe thu gom rác thải sinh hoạt, thùng rác tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ dân vùng nông thôn vẫn còn gặp khó khăn. Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường tỉnh Phạm Việt Thắng cho biết, nguồn thu ngân sách tỉnh hạn chế nên kinh phí đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải không nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chưa tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

Trước những khó khăn trong thu gom rác thải sinh hoạt, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiều giải pháp “gỡ” khó. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trà Nguyễn Văn Việt cho biết: Sắp tới địa phương tiếp tục làm việc với Xí nghiệp Dịch vụ môi trường đô thị TP Cao Lãnh về vấn đề thu gom rác thải sinh hoạt nhà dân. Nếu tuyến đường nào mà xí nghiệp không đồng ý thu gom rác, đầu năm 2020, địa phương sẽ vận động cử một người dân đứng ra thu gom rác và vận chuyển ra điểm tập kết rác.

Trong khi đó, UBND thành phố Cao Lãnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND xã, phường chủ động trong việc phối hợp các đơn vị để tổ chức thu gom rác cho các hộ dân. Đối với những khu vực khó khăn, UBND thành phố tiếp tục rà soát để đầu tư hạ tầng giao thông. Sở TN và MT phối hợp Sở Xây dựng tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý các loại chất thải phát sinh trên địa bàn đến năm 2025. Trong đó, mở rộng mạng lưới thu gom để nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải vùng nông thôn. Nghiên cứu thực hiện các mô hình thu gom, xử lý rác thải cho các vùng nông thôn phù hợp điều kiện địa phương và giải pháp để tăng cường sự tham gia của cộng đồng.