Khai thác đất trái phép tràn lan gây ô nhiễm môi trường

NDO -

NDĐT - Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhu cầu đất làm vật liệu san lấp rất lớn. Nhưng, do sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí làm ngơ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hỏng đường giao thông nông thôn khiến nhân dân rất bức xúc.

Khai thác đất trái phép gần trụ sở xã Vinh Sơn, TP Sông Công.
Khai thác đất trái phép gần trụ sở xã Vinh Sơn, TP Sông Công.

Quản lý lỏng lẻo

Những ngày gần đây, nhiều đồi, núi ở xóm Mai Sơn, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình bị khai thác trái phép bung bét để lấy đất làm vật liệu san lấp. Có những vạt rừng bị tàn phá, san ủi làm đường vận chuyển đất. Người có đồi bán đất cho “đầu nậu” dùng máy xúc khai thác đất đưa lên ô-tô tải rầm rộ vận chuyển đến các công trình xây dựng.

Có nhà ở gần đường, anh Lê Văn Định ở xóm Mai Sơn phải dùng bạt che kín nhà để hạn chế bụi, anh Định bức xúc: “Xe chở đất khai thác trái phép chạy từ sáng sớm đến tận tối mịt, vào mùa hanh khô, ô-tô chạy cuốn theo bụi bay mù mịt, cây cối hai bên đường bị nhuộm bụi đỏ lòm; bàn uống nước ở trong nhà, từ sáng đến trưa phủ một lớp bụi dày”.

Tuyến đường bê-tông của xóm Mai Sơn do Nhà nước và nhân dân cùng làm đến nay đã bị hư hỏng, lồi lõm do nạn vận chuyển đất trái phép làm vật liệu san lấp. Mặc dù máy xúc khai thác đất trái phép công khai, ô-tô vận chuyển đất chạy rầm rộ trên đường, nhưng Trưởng Công an xã Kha Sơn Lương Văn Hoan cho biết, rất khó ngăn chặn, vì “đầu nậu” cử người theo dõi chúng tôi ở cổng trụ sở xã, chúng tôi đi đến đâu là họ biết, công an xã không có thẩm quyền dừng ô-tô nên khó xử lý.

UBND huyện Phú Bình đã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã ký cam kết không để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép làm vật liệu san lấp; nếu xã nào để xảy ra khai thác đất trái phép thì Chủ tịch UBND xã bị xử lý trách nhiệm. Trên thực tế, tình trạng khai thác đất diễn ra ở các xã Tân Thành, Úc Kỳ, Tân Hòa... nhưng chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm.

Những ngày gần đây, nhiều máy xúc được sử dụng để khai thác đất trái phép làm vật liệu, ô-tô ra vào tấp nập chở đất ở xóm Bờ Lở gần trụ sở UBND xã Vinh Sơn, TP Sông Công, trong khi nhân dân địa phương bức xúc bởi tình trạng ô nhiễm môi trường thì chính quyền địa phương vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn Nguyễn Văn Hưng còn cho biết: Họ cố tình khai thác nên chúng tôi không làm gì được, chỉ một tháng nữa là xã sáp nhập với phường nên... kệ họ.

Khai thác đất trái phép tràn lan gây ô nhiễm môi trường ảnh 1

Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn tại phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên sử dụng hàng chục nghìn khối đất khai thác trái phép.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều dự án, công trình cần lượng đất làm vật liệu san lấp rất lớn, nhưng do quản lý lỏng lẻo, thậm chí làm ngơ của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra khá phổ biến, ở các huyện, thị xã và thành phố đều có tình trạng này, làm nhân dân bức xúc, là vấn đề nhức nhối dư luận thời gian qua.

Núp bóng mỏ đất

Nhu cầu vật liệu san lấp lớn, trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có bốn mỏ đất được cấp phép khai thác, nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu gần như không sử dụng đất ở các mỏ này. Một số chủ đầu tư ký hợp đồng nguyên tắc mua đất với một số mỏ, nhưng sau đó sử dụng đất khai thác trái phép.

Điển hình là Dự án Khu nhà ở Cao Ngạn tại phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cần hàng chục nghìn khối đất để san lấp, chủ đầu tư ký hợp đồng nguyên tắc sử dụng đất tại mỏ đất Hóa Trung, nhưng sau đó lại mua đất khai thác trái phép vì rẻ hơn hàng chục nghìn đồng/m3. Công ty Công trình giao thông I Thái Nguyên ký hợp đồng sử dụng đất tại mỏ đất ở xã Kha Sơn và Xuân Phương, huyện Phú Bình, nhưng sau đó lại mua đất khai trái phép vì giá rẻ.

Lợi dụng đầu tư xây dựng, san lấp Khu công nghiệp Sông Công II, thời gian vừa qua doanh nghiệp đã vận chuyển khối lượng đất rất lớn đi bán để thu lợi bất chính.

Một số doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán với mỏ đất được cấp phép khai thác chỉ nhằm mục đích có đủ thủ tục pháp lý, đối phó với các cơ quan chức năng, nhưng sau đó lại sử dụng đất khai thác trái phép. Cấp phép khai thác mỏ đất ở xã Kha Sơn và Xuân Phương, ngân sách tỉnh Thái Nguyên thu được gần năm tỷ đồng từ cấp quyền khai thác, phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên... Do đó, tình trạng khai thác đất trái phép trên diện rộng đã gây thất thoát rất lớn đối với ngân sách nhà nước.

Khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên cần chấn chỉnh tình trạng quản lý lỏng lẻo thời gian vừa qua, kiên quyết xử lý người đứng đầu một số địa phương buông lỏng trách nhiệm quản lý; xử phạt nghiêm chủ đất, chủ phương tiện có hành vi khai thác, vận chuyển đất trái phép; không thanh toán, quyết toán đối với công trình, dự án sử dụng đất làm vật liệu san lấp trái phép.