Khai thác cát trái phép gây sạt lở nghiêm trọng ở thượng nguồn sông Đồng Nai

Thượng nguồn sông Đồng Nai chảy qua địa phận huyện Bù Đăng (Bình Phước) với chiều dài gần 20 km. Trong những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Trên thượng nguồn sông Đồng Nai, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra bất kể ngày hay đêm.
Trên thượng nguồn sông Đồng Nai, hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra bất kể ngày hay đêm.

Ngang nhiên khai thác cát trái phép

Thượng nguồn sông Đồng Nai đoạn qua huyện Bù Đăng hiện đang là mỏ cát lớn cung cấp vật liệu xây dựng cho tỉnh Bình Phước và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Từ thị xã Đồng Xoài, chúng tôi theo đoàn xe chở cát ngược quốc lộ 14 rồi rẽ vào đường Sa Bọng - Đăng Hà (huyện Bù Đăng) để đến bãi tập kết cát khổng lồ nằm bên sông Đồng Nai. Khi màn đêm buông xuống, đứng trên đỉnh dốc Năm Tầng thuộc địa phận xã Thống Nhất nhìn về hướng thượng nguồn sông Đồng Nai, bãi tập kết cát khổng lồ này như một đại công trường, điện được thắp sáng cả một vùng rừng núi để phục vụ cho việc bơm hút và vận chuyển cát trái phép.

Người dân cho biết, các tàu bơm hút cát hoạt động chủ yếu vào ban đêm để qua mặt cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi vẫn thấy cả chục tàu đang hút cát công khai…

Hoạt động khai thác cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây, các thuyền thường hút cát ở giữa sông. Lâu dần, lòng sông hết cát bèn cắm vòi hút cát sát bờ, gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc hai bên bờ sông. Đoạn sông chảy qua các xã Thống Nhất, Đăng Hà (huyện Bù Đăng) và thị trấn Phước Cát 1, xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) hầu hết đều xảy ra tình trạng sạt lở, nhiều đoạn kéo dài hàng trăm mét và ăn sâu vào bờ từ 15 đến 20 m.

Vài năm trở lại đây, một số mỏ cát trên địa bàn hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương cạn kiệt, cho nên nguồn cát xây dựng chủ yếu lấy từ thượng nguồn sông Đồng Nai. Theo đó, xuất hiện nhiều tàu hút cát với công suất lớn, thời gian hoạt động liên tục khiến tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Nhà hàng Đ.H (thuộc địa phận xã Đăng Hà) xây dựng cách sông Đồng Nai khoảng 10 m, nay mép sông đã vào sát tường nhà, xuất hiện một vết nứt chạy dọc bờ sông rộng khoảng 2 cm, dài khoảng 30 m. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc nhà hàng Đ.H sập xuống sông chỉ còn là thời gian…

Chị Ng.T.N.D. ở thôn 6, xã Đăng Hà bức xúc nói: “Gia đình tôi là hộ nghèo, chỉ có ít đất vườn phía sau nhà để trồng cỏ nuôi bò. Mấy tháng gần đây, tàu hút cát hoạt động mạnh khiến vườn nhà tôi bắt đầu sạt lở”. Còn vườn điều của gia đình bà N.T.Th. nằm sát sông Đồng Nai hiện đã sạt lở mạnh, bị mất 10 cây điều hơn 10 năm tuổi. Bà Th. cho biết: “Khi tôi phát hiện một tàu hút cát hoạt động sát bờ sông, lên tiếng đuổi thì bị một số đối tượng trên thuyền dọa đánh. Người dân đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc, kể cả trong các cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu dân cử, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Đầu tháng 10-2018, tám hộ dân ở đội 5, xã Thống Nhất đã làm đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước về việc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Trường Phát (gọi tắt là Công ty Trường Phát) khai thác cát gây sạt lở vườn cây… Ông Phạm Đình Nhất, Chánh Văn phòng UBND huyện Bù Đăng cho biết, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, qua xác minh được biết, Công ty Trường Phát được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát xây dựng bằng phương pháp lộ thiên trên sông Đồng Nai với chiều dài 5 km đoạn qua huyện Bù Đăng (Bình Phước) và Cát Tiên (Lâm Đồng) với khối lượng 40.000 m3/năm. Tại vị trí tám hộ dân phản ánh đã xảy ra sạt lở đất với chiều dài 220 m, chiều sâu 17 m (tính từ mép nước).

Chưa xử lý mạnh tay

Mặc dù người dân, cơ quan báo chí liên tiếp phản ánh tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông Đồng Nai nhưng tình trạng khai thác cát vẫn chưa “hạ nhiệt” bởi cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt. Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Bù Đăng chỉ ban hành hai văn bản (vào các năm 2014 và 2016) chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai. Về mặt quản lý nhà nước, UBND hai tỉnh: Bình Phước và Lâm Đồng cũng chỉ tổ chức họp để thống nhất phương án quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Theo đó, hai bên thống nhất chỉ đạo dừng khai thác ngay tại những đoạn sạt lở; rà soát giảm công suất khai thác theo giấy phép đã cấp cho các doanh nghiệp. Đến cuối năm 2018, hai tỉnh mới họp đánh giá tác động của việc khai thác khoáng sản tại từng vị trí và bàn giải pháp quản lý và khai thác cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Phước, hiện trên sông Đồng Nai đoạn chảy qua hai huyện Bù Đăng và Cát Tiên có năm doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, UBND tỉnh Bình Phước chỉ cấp giấy phép cho Công ty Trường Phát có thời hạn khai thác đến hết năm 2018; tỉnh Lâm Đồng cấp phép cho bốn doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Mạnh Hà, Công ty TNHH Thanh Hằng, doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường, doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà. Dọc sông Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 14 cơ sở, hộ gia đình hoạt động kinh doanh cát với 34 bãi tập kết cát.

Thượng tá Ngô Thanh Hòa, Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Bình Phước cho biết: Thời gian qua, lợi dụng đoạn sông giáp ranh hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng, một số đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép. Một số doanh nghiệp khai thác với công suất vượt khối lượng cho phép, khai thác ngoài vùng được cấp phép dẫn đến sạt lở tại một số khu vực. Đầu năm 2018 đến nay, Công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện và xử lý 15 vụ với 15 đối tượng khai thác cát xây dựng trái phép, 10 vụ kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc. Cơ quan chức năng đã tạm giữ 11 phương tiện, tịch thu 432 m3 cát xây dựng, 15.253 m3 cát không rõ nguồn gốc; đề xuất xử phạt vi phạm hành chính hơn 540 triệu đồng. Công an huyện Bù Đăng cũng kiểm tra, phát hiện bảy vụ, bảy đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai.

Như vậy tính đến nay, Công an tỉnh Bình Phước và huyện Bù Đăng chỉ xử lý 22 vụ với 22 đối tượng khai thác cát trái phép. Việc xử lý chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt cho nên các đối tượng trộm cát vẫn lộng hành trên thượng nguồn sông Đồng Nai, gây sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của người dân. Về lâu dài, hai tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng cần thăm dò, đánh giá lại trữ lượng cát tại khu vực; tăng cường thanh, kiểm tra việc khai thác cát đối với các đơn vị đã được cấp phép và rút ngay giấy phép khi có vi phạm; cấp số cho tàu khai thác cát để quản lý, đồng thời, công bố những đoạn sông có nguy cơ sạt lở và cấm khai thác; mời người dân tham gia giám sát việc tổ chức khai thác cát… Có như vậy, mới chấm dứt được nạn khai thác cát trái phép.