Khắc phục tình trạng ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), cả nước hiện có 1.562 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) tại 46 tỉnh, thành phố. Căn cứ theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 54:2013/BTNMT của Bộ TN và MT về ngưỡng xử lý HCBVTV hữu cơ theo mục đích sử dụng đất, thì hiện có khoảng 200 điểm ô nhiễm do tồn lưu HCBVTV có mức độ rủi ro cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đã và đang ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân tại các khu vực này.

Nhân viên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang và người dân địa phương thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các kênh, rạch.
Nhân viên Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang và người dân địa phương thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các kênh, rạch.

Tiến sĩ Trần Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ môi trường (Viện Môi trường Nông nghiệp) cho biết: Ở Việt Nam, từ lâu người dân đã sử dụng HCBVTV trong sản xuất nông nghiệp, nhằm diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng để bảo vệ mùa màng. Tuy nhiên, do sự hiểu biết về HCBVTV còn hạn chế, chỉ coi trọng mặt tích cực là phòng và diệt dịch hại, chưa hiểu biết về mặt trái của nó. Bên cạnh đó, công tác quản lý còn lỏng lẻo, để tồn tại nhiều điểm chôn vùi HCBVTV dẫn đến các hóa chất ngấm vào đất, hoặc do mưa, lụt, bão đã làm phát tán ngày càng rộng hơn, có khả năng gây ô nhiễm trên diện rộng.

Đáng chú ý, các kho chứa HCBVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu, nền móng để ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm; các kho không được quan tâm tu sửa, gia cố hằng năm cho nên đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng… Vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng tùy tiện các loại hóa chất trong công nghiệp và HCBVTV trong nông nghiệp đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Theo số liệu thống kê, việc sử dụng HCBVTV đã tăng lên đáng kể cả về khối lượng lẫn chủng loại, với hơn 1.000 loại đang được lưu hành trên thị trường Việt Nam. Trong khi đó, việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy (POP) và các loại HCBVTV có độc tính cao đã làm cho mức tồn lưu dư lượng các loại hóa chất này trong nông sản, thực phẩm, đất, không khí và môi trường ngày càng lớn. Kết quả điều tra, khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, các loại HCBVTV tồn lưu trong đất chủ yếu gồm: DDT, Basal, Lindan, thuốc diệt chuột, thuốc diệt gián, Vinizeb, Echo… và nhiều loại thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đáng lo ngại, các vụ ngộ độc thực phẩm bởi HCBVTV, các loại bệnh tật do ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta hiện nay… Phó Cục trưởng Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường) Hồ Kiên Trung cho biết: Những năm qua, nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại các kho chứa HCBVTV đã được triển khai, như: Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015; Quyết định số 1946/QĐ- TTg ngày 21-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do HCBVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước…

Quyết định 1946/QĐ-TTg nêu rõ, từ năm 2010 đến 2025 hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm HCBVTV và các kho lưu giữ trên phạm vi cả nước. Đến nay, Bộ TN và MT cùng với các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành xử lý được 60 điểm tồn lưu HCBVTV bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Bộ TN và MT cũng đã triển khai xử lý thí điểm, tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất các loại và chất thải HCBVTV tồn lưu; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về quản lý các điểm ô nhiễm tồn lưu HCBVTV; áp dụng chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực này... Cho nên, mặc dù số lượng các điểm tồn lưu HCBVTV trên cả nước là rất lớn, nhưng công tác quản lý, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường đã từng bước được thực hiện và đi vào nền nếp so với trước đây…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác này còn gặp không ít khó khăn, thách thức như thiếu nguồn kinh phí cho công tác xử lý, khắc phục ô nhiễm, nhất là không ít các địa phương còn “ỷ lại, trông chờ” nguồn ngân sách hỗ trợ từ T.Ư, thiếu nguồn vốn đối ứng của địa phương. Trong khi đó, hầu hết các dự án cụ thể tại địa phương mới chỉ tập trung xử lý ô nhiễm môi trường do HCBVTV tồn lưu, mà vẫn chưa thật sự chú trọng, quan tâm việc ngăn chặn, phòng ngừa việc phát sinh các nguồn ô nhiễm do HCBVTV có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và các loại hóa chất nhập khẩu, nhập lậu. Các khu vực chôn lấp HCBVTV tồn lưu đã thay đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến khó khăn cho công tác khoanh vùng ô nhiễm và đánh giá mức độ ảnh hưởng...

PHÓ Cục trưởng Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Hồ Kiên Trung cho rằng, để khắc phục những khó khăn nêu trên, thời gian tới, bên cạnh việc phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiếp tục điều tra, đánh giá, bổ sung và cập nhật hiện trạng các khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu trên cả nước, cũng như lập kế hoạch quản lý, xử lý các điểm mới phát hiện, Bộ TN và MT cần tiếp tục nghiên cứu các công nghệ xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu, phù hợp với đặc điểm ô nhiễm ở Việt Nam; tăng cường công tác chống buôn lậu HCBVTV không rõ nguồn gốc; hạn chế việc phát sinh các khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu mới. Đồng thời, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến quản lý, xử lý HCBVTV tồn lưu; xây dựng các hướng dẫn quản lý, xử lý và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm HCBVTV...

Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cũng đề nghị, Bộ TN và MT tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động quản lý, sản xuất, sử dụng HCBVTV; ngăn chặn, giải quyết triệt để tình trạng sử dụng HCBVTV quá hạn, các hành vi vận chuyển, chôn lấp, tiêu hủy và xử lý HCBVTV tồn lưu không đúng quy định. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cần ưu tiên bố trí và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn có các điểm HCBVTV tồn lưu; đồng thời tìm kiếm các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án quốc tế để hỗ trợ công tác thu gom, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu HCBVTV gây ô nhiễm môi trường tại địa phương mình...