Huy động hàng chục công nhân phân loại rác “chất thải nguy hại”

NDO -

NDĐT - Liên quan đến sự việc “Ùn ứ hàng loạt thùng rác “chất thải nguy hại” ở Đà Lạt”, Báo Nhân Dân điện tử đã phản ánh; sáng 21-9, Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt huy động hơn 80 công nhân thực hiện khâu phân loại rác “chất thải nguy hại” và rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Đà Lạt, để có phương án thu gom, xử lý theo quy định.

Hàng chục công nhân được huy động để phân loại rác “chất thải nguy hại” bị ùn ứ thời gian qua.
Hàng chục công nhân được huy động để phân loại rác “chất thải nguy hại” bị ùn ứ thời gian qua.

Trở lại những địa điểm đặt các thùng rác thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, có in cảnh báo “chất thải nguy hại” trên xứ ngàn hoa Đà Lạt, hàng chục công nhân của Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt vẫn đang miệt mài thực hiện khâu phân loại rác. Những thùng rác màu cam chứa “chất thải nguy hại” bị trộn lẫn rác sinh hoạt ùn ứ trước đó đã được xử lý gọn gàng, chờ xe chuyên dụng đến thu gom. Trong cơn mưa bay phố núi, họ phải thực hiện công đoạn mà đáng lẽ là người dân nên làm. “Hiện nhiều nơi trên địa bàn thành phố đã đặt song song hai thùng rác màu xanh (rác thải sinh hoạt) và màu cam (chất thải nguy hại), trên đó có bảng cảnh báo, nhưng một số người dân thiếu ý thức đã để lẫn, nên công nhân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thu gom, ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường thành phố. Mong rằng, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền để người dân biết và thực hiện đúng việc bỏ rác hằng ngày”, chị Hồ Thị Hồng, Tổ Môi trường, Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt bày tỏ mong muốn.

Huy động hàng chục công nhân phân loại rác “chất thải nguy hại” ảnh 1

Thùng rác màu cam “chất thải nguy hại” đã được phân loại, không còn cảnh ùn ứ như những ngày trước đó (ảnh nhỏ).

Đại diện Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Lạt, Công ty đã bố trí 378 thùng rác “chất thải nguy hại” tại các phường, xã trên địa bàn thành phố; tập trung những vùng sản xuất nông nghiệp. Loại thùng rác này đạt quy chuẩn theo quy định, mỗi thùng trị giá 4,5 triệu đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Công ty chọn thùng rác màu cam để người dân dễ nhận diện và dán bảng cảnh báo “thùng thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, không được bỏ rác sinh hoạt vào thùng”. Tuy nhiên, thời gian qua, do một số người dân để lẫn rác sinh hoạt và rác thải nông nghiệp, nên công ty phải tổ chức phân loại. “Rác thải sinh hoạt sẽ được tách, thu gom và xử lý chôn lấp tại bãi rác; còn rác thải nguy hại sẽ được thu gom đưa về kho lưu chứa tạm thời và hợp đồng với đơn vị chuyên ngành để xử lý bằng hình thức đốt”, Trưởng Phòng Kỹ thuật - Kinh doanh, Công ty CP Dịch vụ đô thị Đà Lạt Nguyễn Đức Thuần cho biết.

Huy động hàng chục công nhân phân loại rác “chất thải nguy hại” ảnh 2

Nhiều thùng rác màu cam “chất thải nguy hại” dễ nhận diện được bố trí cạnh xe rác thải sinh hoạt.

Hiện, hàng loạt thùng rác “chất thải nguy hại” trên đã vơi đi số lượng rác thải pha tạp khác. Song, nếu người bỏ rác vẫn “vô tình” trong khâu phân loại ban đầu và đơn vị chức năng “thờ ơ” trong khâu thu gom, xử lý, e rằng tình trạng những thùng rác màu cam “dễ nhận diện” sẽ trở về trạng thái như thời gian qua!

* Ùn ứ hàng loạt thùng rác “chất thải nguy hại” ở Đà Lạt