Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

NDO -

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu tiến bộ trong việc ban hành các công cụ pháp lý nhằm chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Tuy nhiên, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”.
Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”.

Ngày 20-11, Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã toàn cầu (TRAFFIC) đã tham gia với Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm”. 

Tọa đàm thu hút sự tham gia của khoảng 50 đại biểu, khách mời, bao gồm các đại biểu Quốc hội, đại biểu đến từ một số cơ quan của Đảng, Chính phủ, cơ quan Quốc hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế… và các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.

Việt Nam có nhiều chính sách, hành động bảo vệ ĐVHD

Tọa đàm tập trung vào thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về sự cần thiết và tính khả thi của việc ban hành Luật bảo vệ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Tọa đàm cũng đi sâu vào thảo luận vai trò quan trọng của các hoạt động truyền thông nhằm chấm dứt việc tiêu thụ động thực vật hoang dã bên cạnh sử dụng công cụ pháp lý.

Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm -0
 Ông Đặng Xuân Phương, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu.

Ông Đặng Xuân Phương, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã có những chính sách và hành động được thế giới đánh giá cao trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã, cụ thể như việc hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, thành lập các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã cũng như thực thi các cam kết về bảo vệ các loài động vật hoang dã quý, hiếm trong sách đỏ.

Từ năm 1994, nước ta đã ký kết và trở thành viên của Công ước CITES. Bộ luật Hình sự có hai tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp nước ta, quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này. Điều này chứng tỏ thái độ hết sức nghiêm khắc của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.

Pháp luật về ĐVHD nhiều nhưng vẫn thiếu, khó thực thi

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, nhìn tổng quan pháp luật về ĐVHD ở Việt Nam đã khá nhiều. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiều địa phương còn nhiều vi phạm nghiêm trọng. Chính vì thế, cần rà soát toàn bộ các văn bản, quy định pháp luật về lĩnh vực ĐVHD, xem biện pháp, chế tài đã đủ mạnh chưa, đặc biệt các biện pháp xử lý.

Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm -0
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Đồng tình quan điểm này, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên - Môi trường nói: “Việt Nam mặc dù đã có nhiều văn bản quy định về ĐVHD nhưng vẫn thiếu vì có nhiều vấn đề mới phát sinh. Có nhiều nội dung đã có nhưng do tính chất phức tại nên chưa theo kịp tình hình thực tế”.

Vấn đề của chúng ta ở đây là thực thi pháp luật, cưỡng chế pháp luật đã có chế tài, các văn bản đã được bổ sung nhưng thực thi như thế nào thì chưa có một báo cáo nào giám sát việc áp dụng thực thi pháp luật, bà Nhàn nhận định.

Bà Mai Thị Phương Hoa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, hiện nay chưa có quy định pháp luật xử lý hành vi sử dụng ĐVHD. Trước mắt có thể xử lý hành chính. Đối với cửa hàng thuốc đông y, hoàn toàn có thể xử lý về tội tàng trữ, vì có tàng trữ thì mới có hàng để bán.

Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm -0
 Bà Mai Thị Phương Hoa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

“Khi tôi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh là chỉ có người nhiều tiền, công chức trong các cơ quan nhà nước mới có tiền tiêu dùng ĐVHD. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng virus SARS-COV-2 được truyền từ ĐVHD như loài dơi và tê tê nên con người phải đấu tranh để loại bỏ việc sử dụng ĐVHD. Tôi tán thành việc bắt giữ thì phải tổ chức tiêu hủy ngay lập tức. Không nên có thái độ trung dung du di cho một bên thứ ba nào đó vì nếu còn sử dụng thì như thế sẽ kích thích cầu. Tôi mạnh dạn đề xuất áp dụng chế tài về bảo vệ ĐVHD và không chỉ bảo vệ ĐVHD quý hiếm mà còn bảo vệ cả các loài ĐVHD thông thường”, bà Mai Thị Phương Hoa nói.

Công khai các vụ thực thi pháp luật về ĐVHD

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu nhiên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện nay, cả quốc tế và Việt Nam đều đồng tình xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật. Vấn đề cần bàn ở đây là Việt Nam là có quan tâm bảo vệ ĐVHD, nhưng vận động sự thay đổi trong cộng đồng vẫn còn là một vấn đề khó, không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Thực tiễn cho thấy nhu cầu về ĐVHD, buôn bán ĐVHD mang lại nguồn siêu lợi nhuận, như buôn bán ma túy, nên lại càng rất khó.

Theo bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, cần công khai các vụ thực thi pháp luật về ĐVHD thì sức răn đe sẽ rất lớn. Cần áp dụng chế tài vào xử lý cán bộ công chức. Tuy nhiên, để thành công việc này cần phải được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và của toàn dân.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi không sử dụng ĐVHD. Tuyên truyền để thay đổi quan niệm bảo tồn ĐVHD không phải là nghĩa vụ mà là vấn đề ý thức đạo đức với đa dạng sinh học. Nếu chuyển tải được thông điệp đó thì truyền thông sẽ là một công cụ hiệu quả bên cạnh các công cụ pháp lý trong công tác bảo tồn ĐVHD.

Bà Nhàn cho biết, hiện nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường phối hợp với đối tác để bảo vệ ĐVHD nguy cấp, thay bằng các hoạt động riêng lẻ thì kêu gọi các tổ chức sẵn sàng tham gia để xây dựng và phối hợp sẽ tạo ra tác động lớn.

Đề xuất Quốc hội ban hành Luật về ĐVHD

Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm -0
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. 

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, ý thức của các cơ quan pháp luật địa phương tốt, nhưng luật chưa rõ ràng, các khái niệm chưa rõ, chưa đủ hướng dẫn gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD.

“Hiện nay, những người vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD ở các địa phương phần lớn là những người lao động nghèo, đối tượng đi làm thuê. Trong pháp luật hình sự có quy định giảm nhẹ tội cho người làm thuê. Đó chưa phải là đối tượng làm tăng nguồn cung về ĐVHD. Mà đối tượng sử dụng ĐVHD là các cán bộ, đảng viên và người có tiền vì ĐVHD rất đắt đỏ”, ông Nguyễn Văn Pha thẳng thắn nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị Đảng cần có chỉ thị cấm đảng viên sử dụng ĐVHD.

Theo ông Nguyễn Văn Pha, một rào cản trong việc thực thi pháp luật đó là bảo quản vật chứng vì muốn xử lý được hình sự thì cần phải có công tác giám định vật chứng. Mà hiện nay, chi phí bảo quản vật chứng rất đắt đỏ, các nơi bảo quản vật chứng đều không đủ kiều kiện bảo quản nên phần lớn các vật chứng này đều bị hỏng, hoặc ốm, chết nên đã làm hỏng vật chứng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha đề xuất, các cơ quan, Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát sớm ban hành hướng dẫn chi tiết, nếu không sẽ rất khó thực hiện. Cần xây dựng danh sách giám định viên tư pháp tại chỗ để có thể nhận định sơ bộ ban đầu các loại hình tội phạm về ĐVHD. Ngân sách cho các công việc này còn thiếu nên không bảo đảm bồi dưỡng cho người thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là các công việc gian khổ, nguy hiểm như truy bắt tội phạm hay bảo quản vật chứng…

“Tôi tán thành đề xuất các cơ quan cần nghiên cứu để trình Quốc hội ban hành Luật về ĐVHD”, Nguyễn Văn Pha nói.

Hoàn thiện khung pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm -0
Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội. 

Về vấn đề này, bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: "Ngay từ đầu năm tôi đã kiến nghị Chính phủ có Luật riêng về ĐVHD. Thực tế pháp luật Việt Nam thiên về công tác quản lý, khai thác mà chưa có quy định về việc sử dụng bền vững. Hiện trên thế giới đã có 56 nước có Luật riêng về ĐVHD trong đó có Trung Quốc. Luật riêng về ĐVHD cũng là công cụ giúp chúng ta giám sát một cách hiệu quả". 

Các nội dung thảo luận và khuyến nghị của các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ được thu thập và tổng hợp thành một tài liệu tham khảo để lưu giữ trong cơ quan Quốc hội và được sử dụng để thúc đẩy việc xây dựng một đạo Luật về bảo vệ động thực vật hoang dã hiệu quả trong tương lai và các biện pháp truyền thông nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã.