Hiệu quả từ mô hình phân loại, xử lý rác thải tại gia đình ở Hưng Yên

NDO -

NDĐT - Trước tình trạng môi trường bị ô nhiễm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã ra Nghị quyết số 11, về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm là môi trường nông thôn, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ban Dân vận tỉnh Hưng Yên trao tặng thùng xử lý rác sinh hoạt cho nông dân xã Đức Hợp, huyện Kim Động (Hưng Yên).
Ban Dân vận tỉnh Hưng Yên trao tặng thùng xử lý rác sinh hoạt cho nông dân xã Đức Hợp, huyện Kim Động (Hưng Yên).

Năm 2013, Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, ở xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào, có gần 200 gia đình tham gia. Các gia đình được hỗ trợ nắp đậy hố rác và chế phẩm vi sinh. Đến nay, việc phân loại và xử lý rác thải tại gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực; người dân ở các khu dân cư đã có ý thức tốt hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường, tích cực làm vệ sinh nơi công cộng, xây dựng cải tạo hệ thống cấp thoát nước, cải tạo các ao, hồ, trồng cây xanh; chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình trên ra toàn xã.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, thôn An Tháp, xã Nhân Hòa cho biết: Sau khi tham gia mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình, tôi thấy mô hình này đem lại hiệu quả “kép”; ngoài việc giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường, rác thải qua xử lý là nguồn phân bón sạch cho cây trồng.

Xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, với đặc điểm là địa phương có nghề chăn nuôi phát triển mạnh, lượng rác thải của hộ gia đình rất lớn, nên vấn đề ô nhiễm môi trường đang là nỗi lo của nhân dân. Khi dự án phân loại và xử lý rác thải tại gia đình được triển khai về xã, nhân dân rất phấn khởi đón nhận. Anh Lê Hồng Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Tảo cho biết: Việc xử lý rác thải tại gia đình đã giúp mỗi hộ giảm khoảng 70% lượng rác xả ra môi trường, vấn đề vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ đã cơ bản được cải thiện.

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 21-3-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều chương trình, dự án bảo vệ môi trường được các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân trong tỉnh tổ chức thực hiện, trong đó, mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt đã mang lại hiệu quả rõ nét, thu hút sự tham gia của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội.

Hội phụ nữ là đơn vị chủ công trong việc phát động phong trào phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; đoàn thanh niên thực hiện phong trào thu, dọn, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Hội nông dân đảm nhiệm việc thực hiện việc xây dựng thùng đựng rác, thu gom rác thải trên đồng ruộng... đã tạo nên phong trào xây dựng “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” phát triển sâu rộng ở nông thôn.

Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên Lê Đức Lành đánh giá: Thành công của mô hình phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình là nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ môi trường được nâng cao; nhân dân đã xử lý rác tại nguồn, góp phần làm giảm việc vận chuyển và xử lý rác; đồng thời có nguồn phân hữu cơ tốt chăm bón cho cây trồng, rất phù hợp ở khu vực nông thôn.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 815 thôn, khu phố thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản, đạt gần 100% số thôn, khu phố của tỉnh; hơn 50% số thôn đã có điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, 58% lượng rác thải sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý; hơn 21 nghìn hộ thực hiện mô hình phân loại và xử lý rác sinh hoạt tại gia đình, với phương thức xây thùng ngầm dưới đất, hoặc sử dụng thùng nhựa chuyên dụng.

Trong sản xuất nông nghiệp, mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng hầm khí sinh học Bioga được triển khai nhân rộng, đến nay các hộ chăn nuôi đã xây dựng được khoảng 6.000 hầm; hàng nghìn hộ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiến bộ chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP; công tác quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “ba giảm, ba tăng” được triển khai đại trà trên đồng ruộng, góp phần giảm sử dụng hóa chất, phân bón hóa học trong sản xuất; hàng nghìn thùng, bể chứa rác thải trên đồng ruộng được xây dựng...

Mô hình xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình đang mang lại hiệu quả cao, Tỉnh Hưng Yên tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình này, phấn đấu đến năm 2020: hơn 50% số hộ trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại gia đình; 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển xử lý; 100% thôn, xóm, khu dân cư có tổ đội vệ sinh môi trường... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ở khu vực nông thôn tỉnh Hưng Yên.