Hàng triệu tấn chất thải đe dọa môi trường thành phố Hải Phòng

Hơn hai triệu tấn chất bã thải gyps của Công ty CP DAP - Vinachem tại Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) sừng sững như quả núi án ngữ nơi cửa ngõ phía biển đã và đang đe dọa môi trường thành phố Cảng. "Núi" chất thải ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu vực, làm xấu đi hình ảnh Hải Phòng đang hướng tới xây dựng một thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Bãi thải gyps của Công ty CP DAP - Vinachem như ngọn núi án ngữ cửa biển Hải Phòng.
Bãi thải gyps của Công ty CP DAP - Vinachem như ngọn núi án ngữ cửa biển Hải Phòng.

Một lần nữa, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy sản xuất phân bón DAP của Công ty cổ phần (CP) DAP - Vinachem tại Khu công nghiệp Đình Vũ lại “nóng” lên trong kỳ họp thứ hai HĐND thành phố Hải Phòng khóa 15 (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra từ ngày 16 đến 18-8.

Thiếu tướng Lưu Xuân Cải, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hải Phòng đã nêu bức xúc của người dân trước tình trạng gây ô nhiễm và thủ đoạn hủy hoại môi trường của một số doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng trong việc ban đêm lén lút xả khí độc và nước thải chưa qua xử lý. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Phòng Phạm Hữu Thư cho rằng, ngoài ảnh hưởng độc hại với môi trường, bãi chứa chất thải gyps đang từng ngày chất cao như núi ngay cửa ngõ phía biển của Hải Phòng đã và đang làm xấu đi hình ảnh của thành phố Cảng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng Phạm Quốc Ka thừa nhận, khu vực Nhà máy DAP Đình Vũ là một “trọng điểm” ô nhiễm môi trường của TP Hải Phòng. Công ty CP DAP - Vinachem tại Đình Vũ bắt đầu hoạt động từ năm 2008, trên diện tích 68 ha với bốn nhà máy chính: sản xuất a-xít sun-phu-ríc (H2SO4), sản xuất a-xít phốt-pho-ríc (P2O5), nhà máy nhiệt điện và Nhà máy sản xuất phân bón DAP. Ngoài các chất thải phát sinh như khí thải từ các xưởng sản xuất (SO2, mù a-xít, NH3, HF, SiF4) còn có bụi từ xưởng DAP; nước thải phát sinh 210 m3/ngày đêm; 13 nghìn tấn tro, than xỉ từ nhà máy nhiệt điện và khoảng 50 nghìn tấn bã gyps/tháng… Tuy nhiên, nhức nhối nhất vẫn là nơi chứa tạm chất thải gyps - nơi tồn dư một lượng a-xít và hợp chất kim loại nặng cao ở sát ngưỡng chất thải nguy hại.

Trên thực tế, nhiều sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường đã từng xảy ra trong quá trình hoạt động của các nhà máy này. Đó là việc rò rỉ bảy tấn a-xít sun-phu-ríc (H2SO4) tại bồn chứa ngày 26-7-2009; rò rỉ khí a-mô-ni-ắc (NH3) ngày 25-2-2011 khi đang nhập nguyên liệu tại cầu cảng; sự cố tràn nước đê bao hồ điều hòa ngày 23-6-2013 khiến các hộ dân nuôi trồng thủy sản quanh đó bị thiệt hại nặng nề do nước thải làm cá chết...

Đáng chú ý, chất thải gyps của doanh nghiệp thải ra đã lên tới 2,6 triệu tấn. Trong đó, mới khoảng 400 nghìn tấn được vận chuyển sang bãi chứa lâu dài và một lượng nhỏ khoảng gần 200 nghìn tấn được đưa vào sản xuất thạch cao, còn hơn hai triệu tấn chất thải như quả núi lớn, chất cao tới khoảng 40 m vẫn nằm chình ình ngay nơi cửa ngõ phía biển của thành phố Cảng. Điều đáng nói là, quy hoạch bãi chứa chất thải chỉ có 10 ha, nhưng nay diện tích đã tràn ra tới 13 ha và thời gian lưu chứa đã vượt hơn hai năm so với quy định.

Bãi thải gyps này cũng đã từng gặp sự cố chiều 4-9-2015, khi đó, mưa lớn đã khiến khoảng 7 m3 bã gyps tràn xuống vùng hồ chứa nước a-xít, làm tràn bùn dung dịch gyps và nước a-xít, gây ảnh hưởng đến môi trường khu vực... Bụi từ bãi thải gyps có tính a-xít cho nên khi phát tán gây ra hiện tượng ăn mòn kim loại; nước rò rỉ từ bãi gyps có tính a-xít cao, một số kim loại nặng... luôn có nguy cơ gây ra thảm họa về môi trường tại khu vực này… Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường và bức xúc của người dân, đầu tháng 8-2016, TP Hải Phòng đã kiểm tra thực địa và họp về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Công ty CP DAP - Vinachem. Đồng thời có văn bản yêu cầu công ty khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường. Trong đó, yêu cầu tiết giảm công suất sản xuất để phù hợp với sức chứa của bãi thải gyps hiện tại; hạ thấp độ cao bãi thải, thu gom nước rỉ từ bãi thải; xây dựng bờ bao kiên cố; tạo dải cây xanh lớn và triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa sự cố sạt lở trong mùa mưa bão...

Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là những giải pháp trước mắt. Việc Công ty CP DAP - Vinachem với các nhà máy sản xuất các sản phẩm và chất thải khá “nhạy cảm”, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sự cố về hóa chất, sự cố về môi trường, lại nằm ngay tại vị trí cửa sông Bạch Đằng, sát biển, đầu luồng gió đông nam chủ đạo của thành phố khiến phạm vi và mức độ ảnh hưởng đến môi trường chung quanh cao hơn mỗi khi sự cố xảy ra, nhất là trong mùa mưa bão này.

Đã đến lúc không thể chần chừ trước những thách thức về môi trường, sức khỏe của người dân, doanh nghiệp và các ngành chức năng cần có những giải pháp tích cực và khẩn trương hơn nữa trong giải quyết những vấn đề phát sinh và các nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường từ quá trình sản xuất của Công ty CP DAP - Vinachem. Với các nhà máy luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thành phố cần có ngay các biện pháp giám sát chặt chẽ, liên tục việc lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý khí thải, nước thải, giải pháp ứng phó với sự cố môi trường để có những biện pháp tích cực hơn để kiểm soát, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường chung quanh. Nhất là với bãi thải gyps, cần khẩn trương được xử lý, di chuyển, bảo đảm an toàn, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.