Hà Tĩnh cần chủ động xử lý rác thải tồn đọng dài ngày

NDO -

Bài toán giải quyết rác thải sinh hoạt đã được đặt ra từ lâu, thế nhưng không ít địa phương ở Hà Tĩnh vẫn tỏ ra bị động, lúng túng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tình trạng ùn đọng rác thải sinh hoạt tại các điểm tập kết và khu dân cư đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt người dân trên địa bàn. 

Hơn 5.000 tấn rác đang tồn đọng tại bãi tập kết Phượng Thành (Đức Thọ) chưa có cách xử lý.
Hơn 5.000 tấn rác đang tồn đọng tại bãi tập kết Phượng Thành (Đức Thọ) chưa có cách xử lý.

Huyện nông thôn mới với nỗi lo cũ 

Sau gần một năm được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chính quyền và người dân huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn loay hoay với bài toán xử lý rác thải sinh hoạt. Những nút thắt trong khâu xử lý rác thải sinh hoạt kéo theo nhiều hệ lụy khó để huyện đạt chuẩn NTM khắc phục trong ngày một, ngày hai.

Số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện từ 35 - 45 tấn/ngày. Sau khi thu gom, toàn bộ lượng rác thải này được vận chuyển về tập kết tạm thời tại bãi rác Phượng Thành (xã Hòa Lạc) và các điểm tập kết nhỏ lẻ khác. Do không có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt chuẩn cho nên từ năm 2018 đến nay địa phương phải đi nhờ các đơn vị trong và ngoài tỉnh xử lý giúp 4.000 tấn rác thải, một khối lượng rất thấp so với lượng rác thải phát sinh trên địa bàn trong thời gian qua.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ, Thái Sơn Vinh thông tin: Ngoài lượng rác thải cũ trước đây, đến nay tại bãi rác Phượng Thành đang tồn đọng hơn 5.000 tấn được thu gom từ thị trấn Đức Thọ và các xã: Tùng Ảnh, Tân Dân, Hòa Lạc hiện chưa có phương án xử lý. Cùng với đó, lượng rác thải phát sinh bình quân từ 25 - 30 tấn/ngày tại 12 xã còn lại đang được vận chuyển về các bãi tập kết tạm thời của các xã nhưng chưa được xử lý và không bảo đảm môi trường theo quy định. 

Trước thực trạng các điểm tập kết rác thải tại Đức Thọ tồn đọng rác quá lâu, một số người dân vứt rác ra các trục đường, điểm giáp ranh giữa các xã. Mỗi khi lượng rác thải tập kết về nhiều, một số người dân đã mang xăng, dầu đến đốt khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo huyện Đức Thọ, ở Hà Tĩnh hiện có hai nhà máy, khu xử lý đủ năng lực để tiếp nhận và xử lý rác thải, tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, các đơn vị này đều từ chối tiếp nhận khối lượng rác đang tồn đọng trên địa bàn.

“Cực chẳng đã”, địa phương đã tiến hành mời thầu các đơn vị vận chuyển rác đi xử lý ở các tỉnh khác với mức giá khá cao nhưng chưa đơn vị nào tiếp nhận. Ngoài những tác động xấu đến đời sống, môi trường, những khó khăn trong khâu xử lý rác thải cũng ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của địa phương. 

Tương tự Đức Thọ, hiện nay nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều khó khăn do chưa có khu xử lý rác thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu, do vậy vẫn còn nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường do vứt rác bừa bãi tại các cầu cống, dọc các trục đường giao thông, ven sông, ven suối; đốt hoặc chôn lấp rác tại các điểm tập kết, trung chuyển… tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, đời sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khiếu kiện, ảnh hưởng đến ổn định chính trị của địa phương.

Cần hài hòa lợi ích, trách nhiệm

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn hiện nay khoảng 650 tấn/ngày, trong khi đó theo công suất thiết kế, ba nhà máy xử lý rác thải hiện nay ở Hà Tĩnh (Nhà máy chế biến rác thải sinh hoạt Hoành Sơn, Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt tại xã Cẩm Quan, Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Nghèn) đủ năng lực tiếp nhận và xử lý 740 tấn/ngày. 

Hà Tĩnh lúng túng xử lý rác thải tồn động dài ngày -0
Thiếu khu xử lý nhiều tuyến đường ở Hà Tĩnh trở thành điểm tập kết rác. Ảnh chụp tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê.  

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, các nhà máy này mới chỉ tiếp nhận và xử lý 230 tấn/ngày, gần tương đương với lượng rác thải được phân loại, thu gom ở thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và một phần của huyện Cẩm Xuyên…, toàn bộ rác thải ở huyện Hương Khê, Đức Thọ và phần lớn rác từ các huyện Thạch Hà, Hương Sơn chưa có nơi xử lý; lượng rác còn lại đang tập kết để đốt hoặc chôn lấp tại các điểm trung chuyển tương đối nhiều, thậm chí ở một số địa phương đã có khu xử lý như Cẩm Xuyên, Can Lộc, Kỳ Anh vẫn có tình trạng đốt hoặc chôn lấp tại các điểm trung chuyển. 

Theo đa phần ý kiến chia sẻ của những người trong cuộc, trong khi tỉnh đang quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải có công suất 300 tấn/ngày để xử lý rác thải cho khu vực phía bắc Hà Tĩnh, với năng lực sẵn có nếu các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm sẽ giúp tỉnh gỡ “nút thắt”  ở khâu xử lý chất thải như hiện nay. 

Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả công suất xử lý rác thải sinh hoạt tại các nhà máy, nhiều ý kiến còn băn khoăn, mặc dù hệ thống chủ trương, chính sách về công tác bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt đã được tỉnh Hà Tĩnh ban hành khá đồng bộ, tuy vậy một số địa phương vẫn thiếu chủ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đơn cử tại huyện Hương Khê, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt với quy mô đầu tư hơn 20 tỷ đồng đã được triển khai từ năm 2014, đã hoàn tất thủ tục đầu tư, thậm chí đã tổ chức khởi công nhưng đến nay việc xây dựng nhà máy vẫn bị đình trệ. Kéo theo đó, từ thời điểm năm 2017 đến nay, sau khi bãi xử lý rác thải sinh hoạt tại xứ đồng Trại Lợn, xã Gia Phố (Hương Khê) quá tải buộc phải đóng cửa, công tác thu gom, xử lý rác thải trở thành nhiệm vụ bất khả thi đối với chính quyền và người dân nơi đây.

Thành ra, cả một thời gian dài, dọc theo các tuyến quốc lộ đến các đường liên xã, liên xóm, hay dọc theo sông suối, ao hồ nơi đâu cũng ngổn ngang rác, rác mới chồng lên rác cũ, thậm chí người dân còn treo rác lên cả các toa tàu để vận chuyển đi nơi khác, ảnh hưởng xấu đến đời sống dân sinh và hình ảnh địa phương. 

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Nguyễn Lam Sơn khẳng định, công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp; phải có sự tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia chung tay và trách nhiệm của toàn xã hội, của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thường xuyên hướng dẫn về công tác phân loại, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động của nhân dân, Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội các cấp theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước cấp trên trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện và các bất cập, vi phạm trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn.