Di dời nửa vời, người dân kẹt giữa hồ Bộc Nguyên

NDO -

NDĐT - Sau nhiều năm người dân lên tiếng về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại hồ Bộc Nguyên, cuối năm 2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành di dời các hộ dân ra khỏi khu vực thượng nguồn và ven lòng hồ. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, các hộ dân đã quay trở lại sinh sống, sản xuất tại nơi ở cũ khiến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước gia tăng.

Nhiều hộ dân đã nhận tiền , chuẩn bị xây nhà nhưng vẫn quay lại nơi ở cũ,
Nhiều hộ dân đã nhận tiền , chuẩn bị xây nhà nhưng vẫn quay lại nơi ở cũ,

Báo động ô nhiễm nguồn nước

Hồ Bộc Nguyên nằm trên vùng giáp ranh giữa hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận. Theo phản ánh của người dân, từ những năm 1970, nhiều hộ dân ở Thạch Hà đã tìm đến đây khai hoang, lập nghiệp. Theo năm tháng, các xóm làng, khu dân cư mới đã được định hình. Tính đến năm 2015, có 166 hộ dân sinh sống cố định và trồng rừng vùng thượng hồ Bộc Nguyên (xóm Làng Vòng - xã Thạch Điền có 25 hộ sống cố định, 56 hộ nhận đất trồng rừng; xóm Tân Sơn - xã Nam Hương có 85 hộ sống cố định và nhận đất trồng rừng). Ngoài ra, sau một quá trình lâu dài khai hoang, lập nghiệp, phần lớn diện tích đất rừng bao quanh lưu vực hồ Bộc Nguyên đã được giao lâu dài cho người dân quản lý và sản xuất. Do thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân, công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước chưa được tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tại lưu vực lòng hồ vẫn còn tình trạng sinh sống, sản xuất, chăn nuôi tự phát, thiếu quy hoạch gây ô nhiễm nguồn nước.

Đặc biệt, quá trình khai thác rừng sản xuất của các hộ dân nơi đây đã để lại nhiều hệ lụy cần báo động. Vào mùa khai thác keo nguyên liệu, mỗi ngày hàng chục chuyến xe tải xả hàng đều đặn ra vào lưu vực lòng hồ. Việc các hộ dân vô tư bóc vỏ tràm và để lại một lượng vỏ khổng lồ, tràn ra hai bên mặt đường trở nên phổ biến. Lượng vỏ cây không được thu gom, từng ngày bị thối rữa và chuyển thành dạng mùn; mỗi khi trời mưa, lòng hồ là nơi hứng trọn lượng mùn khổng lồ đen đặc bất đắc dĩ này. Đó là chưa nói đến lượng chất thải sinh hoạt và chăn nuôi hằng ngày được xả thải ra các khe suối và chảy trực tiếp xuống lòng hồ khiến nỗi lo về tình trạng ô nhiễm lòng hồ càng thêm trầm trọng.

Dùng dằng ở và đi

Để khắc phục, giải quyết ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên, năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn và ven hồ Bộc Nguyên thuộc địa bàn các xã Nam Hương và Thạch Điền thuộc huyện Thạch Hà. Theo phương án được đưa ra, tổng diện tích đất thu hồi theo dự kiến khoảng 147,58 ha, có đến 112 hộ dân và một hội quán phải di dời. Phương án xây dựng chia thành hai giai đoạn: giai đoạn một, di dời 26 hộ sinh sống sát mép lưu vực thượng nguồn hồ, bằng và thấp hơn cao trình thiết kế của hồ Bộc Nguyên (cốt <23 m), trong đó, có 16 hộ thuộc xã Thạch Điền, 10 hộ thuộc xã Nam Hương; giai đoạn hai, tiếp tục di dời 87 hộ còn lại, trong đó, 21 hộ thuộc xã Thạch Điền, 66 hộ thuộc xã Nam Hương.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Anh Tùng: tính đến thời điểm hiện nay, giai đoạn một của dự án đã được hoàn thành, Hội đồng Bồi thường đã di dời 26 hộ dân thuộc hai xã Thạch Điền và Nam Hương ra khỏi khu vực lòng hồ, với tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 25 tỷ đồng. Tuy vậy, do nguồn vốn có hạn cho nên giai đoạn một của dự án mới chỉ thực hiện được phần bồi thường, hỗ trợ nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối hoa màu ngắn ngày. Riêng phần đất vườn, đất trồng cây lâu năm vẫn chưa được bồi thường. Vì vậy, việc ổn định sản xuất, xây dựng nơi ở mới của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu và phản ánh của chính quyền, người dân địa phương, mặc dù đã nhận tiền đền bù và một số hộ đã xây nhà ở nơi định cư mới, song do toàn bộ diện tích đất sản xuất lâu năm chưa được đền bù, trong khi đó, tại nơi ở mới, chính quyền địa phương chưa xây dựng được phương án ổn định sản xuất cho người dân, cho nên phần lớn các hộ dân vẫn quay lại khu vực lòng hồ Bộc Nguyên để sinh sống và sản xuất, khiến nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận bị đe dọa bởi rác thải từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi của các hộ dân này.

Bà Hoàng Thị Thuộc, một trong hai hộ dân đã xây dựng nhà ở tại khu tái định cư xã Thạch Điền (Thạch Hà) cho biết: “Sau khi nhận khoản tiền đền bù 390 triệu đồng, gia đình tôi phải vay mượn tiền của anh em, bạn bè mới có thể xây dựng được ngôi nhà cấp bốn để định cư. Thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất, đời sống gặp rất nhiều khó khăn”.

Cùng chung trăn trở, ông Nguyễn Văn Trì (Thạch Điền) cho hay: trong tổng số 2 ha diện tích đất ở và đất sản xuất, gia đình mới chỉ nhận được tiền hỗ trợ 400 m2 đất ở, số diện tích đất sản xuất còn lại không được đền bù, trong khi tại khu tái định cư, gia đình ông không có đất, nước sinh hoạt lại khan hiếm, không thể nào ổn định được cuộc sống.

Theo đại diện Công ty Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, hồ Bộc Nguyên thời gian qua đã được sửa chữa, nâng cấp, thời điểm hiện tại đang tích nước. Theo thiết kế, dung tích hồ sẽ được nâng lên từ 19 triệu lên 24 triệu m3. Dung tích tăng lên thì cao trình cột nước cũng nâng từ 18,4 m lên 19,5 - 20 m (cao trình ngưỡng tràn tự do) so mực nước biển. Khi cao trình đạt ngưỡng tràn tự do thì khu vực mà các hộ dân đang sinh sống có nguy cơ bị ngập lụt sẽ rất lớn. Một khi khu vực này ngập lụt, bao nhiêu rác thải, phân trâu bò sẽ trôi hết về lòng hồ, gây ô nhiễm. Vì vậy, việc di dời người dân ra khỏi khu vực lòng hồ trở nên vô cùng cấp thiết.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Hương, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên và ổn định đời sống cho các hộ dân, huyện đã đề xuất tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện giai đoạn hai của dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn và ven hồ Hộc Nguyên với tổng kinh phí dự toán khoảng 25,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa được chấp thuận. Vì vậy, việc di dời các hộ dân khỏi lưu vực hồ Bộc Nguyên vẫn trì trệ.

Thiết nghĩ, việc ổn định đời sống, sản xuất cho người dân và bảo vệ nguồn nước hồ Bộc Nguyên vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu chính đáng của người dân. Do vậy, tỉnh Hà Tĩnh cần có thái độ xử lý dứt khoát, kịp thời trước đòi hỏi cấp bách này.