Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố sinh thái

NDO -

NDĐT- Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, Đà Nẵng đã từng bước khẳng định được thương hiệu thành phố môi trường, thành phố thân thiện.

Nhiều doanh nghiệp đồng hành triển khai đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.
Nhiều doanh nghiệp đồng hành triển khai đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường.

Cụ thể, Đà Nẵng đã đạt 7/10 tiêu chí của Đề án như chỉ số ô nhiễm không khí; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 97,8%, Hòa Vang đạt 76,8%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt 61%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 95%, Hòa Vang 70%; độ ồn tại các khu vực; diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên người đạt trên 6-8m2/người…

Sáng 5-6, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện đề án này, có 13/15 điểm nóng về môi trường đã được xử lý triệt để, hiện vẫn còn hai điểm nóng phức tạp về môi trường. Các công trình xử lý nước thải đô thị tập trung đã được hoàn thành cơ bản (Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Xuân, Khánh Sơn…) với tổng công suất 300.500m3/ngày,đêm.

Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố sinh thái ảnh 1

Vẫn còn tình trạng xả thải thẳng ra biển làm ô nhiễm môi trường.

Qua triển khai đề án đã thật sự thay đổi nhận thức người dân, cộng đồng vì một thành phố môi trường, thành phố đáng sống. Hàng loạt phong trào bảo vệ môi trường như Ngày Chủ nhật xanh-sạch -đẹp, Trường học xanh, chuyên mục Thành phố môi trường, Tổ dân phố không rác… được triển khai rộng rãi, thu hút đông đảo các lực lượng tham gia. Hiện tại, diện tích cây xanh đô thị đạt 6 – 8m2/người. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại các quận nội thành đạt 97,83%, tại huyện Hòa Vang đạt 76,81%. Tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải 100%...

Với những nỗ lực về môi trường, Đà Nẵng đã được ghi nhận với các thành tích như: năm 2011, ASEAN vinh danh Đà Nẵng là một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực; năm 2012, vinh danh “Đà Nẵng là đô thị có không khí sạch và có hàm lượng cacbon phát thải thấp”; năm 2013, Tổ chức Định cư con người Liên hợp quốc tại châu Á và Hiệp hội Các đô thị Việt Nam bình chọn là “Đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp”; “Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi” năm 2015 và năm 2018; Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) bình chọn là “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam”.

Mặc dù vậy, Đà Nẵng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như sự gia tăng tình trạng rác thải bừa bãi; thiếu trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật đối với chất thải rắn. Công nghệ xử lý rác thải rác còn lạc hậu, ô nhiễm kéo dài. Chậm triển khai xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn, thủ tục đầu tư còn vướng. Hệ thống thu gom nước thải quá tải nhanh tại một số khu vực. Khu vực nông thôn phần lớn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Tình trạng nước thải tràn ra biển khi trời mưa vẫn còn xảy ra…

Đà Nẵng hướng đến xây dựng thành phố sinh thái ảnh 2

Đà Nẵng ghi nhận các tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện Đề án TP môi trường.

Đánh giá sau 10 năm triển khai đề án này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khẳng định, sự ra đời đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường” của UBND TP là một sự mạnh dạn, sáng tạo và thể hiện sự quyết tâm về bảo vệ môi trường của thành phố. Có thể nhận thấy, trong quá trình phát triển của thành phố trong thời gian qua, không thể không nhắc đến vị trí quan trọng của đề án này, đã thể hiện 1 trong 3 trụ cột phát triển bền vững, góp phần để thành phố luôn xây dựng, phấn đấu, hoàn thiện trong quá trình phát triển đô thị.

Đà Nẵng phải xây dựng được hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường tương ứng với mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường”. Hạ tầng đô thị phải được tính toán, đầu tư dài hạn, có đủ năng lực xử lý môi trường, ứng phó nhanh với các sự cố môi trường có thể xảy ra. Thành phố môi trường - phải tiên phong sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật cao, công nghệ cao; quản lý chặt chẽ, nâng cao trách nhiệm về môi trường trong phát triển đô thị, phát triển kinh tế.

Định hướng xây dựng Thành phố môi trường trong giai đoạn tới, Đà Nẵng đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý môi trường bền vững, hướng đến xây dựng thành phố sinh thái. Cụ thể, đến năm 2025, kiểm soát tốt chất lượng môi trường nước của thành phố (nước, không khí, đất), hoàn thành các tiêu chí đã được cập nhật đến năm 2025. Đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường của thành phố theo nền tảng thành phố sinh thái; xây dựng phấn đấu các tiêu chí về thành phố sinh thái. Đến năm 2045, là thành phố sinh thái, có bản sắc riêng, đáp ứng các tiêu chỉ về thành phố sinh thái của khu vực và quốc tế.

Tổng vốn đầu tư của Đà Nẵng cho bảo vệ môi trường là 11.922 tỷ đồng, (ODA khoảng 511,4 triệu USD, vốn tư nhân khoảng 131 tỷ đồng và ngân sách nhà nước là 978 tỷ đồng). Thành phố đã bố trí 6 tỷ đồng thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường với mục đích huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố tiếp cận các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện nhiều dự án với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đã có 31 chương trình, dự án hợp tác, tài trợ về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đã được triển khai với tổng kinh phí hơn 174 tỷ đồng và 56 triệu yên do các tổ chức, quỹ, doanh nghiệp nước ngoài tài trợ.