Chuyển đổi rừng sang trồng cao-su còn bất cập

NDO -

NDĐT- Hoạt động chuyển đổi rừng sang trồng cây cao-su diễn ra rộng khắp ở nhiều địa phương trong gần sáu năm qua. Quá trình thực hiện đã xuất hiện những bất cập, bởi thực tế, nhiều diện tích rừng chuyển đổi không thực sự là rừng nghèo kiệt.

Cây cao-su trồng xen cà-phê (Ảnh:Hiệp hội Cao-su Việt Nam).
Cây cao-su trồng xen cà-phê (Ảnh:Hiệp hội Cao-su Việt Nam).

Vượt quy hoạch hơn 110 nghìn ha

Theo TS Triệu Văn Hùng, giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, Quyết định số 750 ban hành năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển cao-su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã đặt mục tiêu phát triển diện tích cao-su ổn định ở nước ta ở mức 800 nghìn ha.

Thực hiện Quyết định này, trong những năm qua, việc chuyển đổi rừng sang trồng cây cao-su đã diễn ra rộng khắp ở nhiều vùng và địa phương. Đến năm 2012, tổng diện tích cây cao-su trong cả nước đạt 910,5 nghìn ha, nhiều hơn khoảng 110 nghìn ha, vượt xa quy hoạch của Chính phủ. Với diện tích này, Việt Nam thuộc về nhóm năm quốc gia có diện tích cao-su lớn nhất trên thế giới.

Đây là thông tin từ hội thảo khoa học“Chuyển đổi rừng sang trồng cao-su: Cơ hội và thách thức” do Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, tổ chức Forest Trends và Tropenbos International tại Việt Nam tổ chức.

Rừng chuyển đổi không hoàn toàn là rừng nghèo kiệt

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, quy hoạch phát triển cao-su của các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2020 là 343.890 ha, vượt xa con số quy hoạch của Chính phủ cho vùng này là 280 nghìn ha. Cơ quan này cũng cho biết, tại năm tỉnh của khu vực Tây Nguyên, 79% diện tích trồng mới cao-su được phát triển trên diện tích đất rừng tự nhiên, và không phải toàn bộ diện tích này đều là rừng nghèo kiệt. Việc phát triển ồ ạt cây cao-su ở các địa phương đã và đang là nguyên nhân quan trọng dẫn đến giảm diện tích rừng và suy thoái môi trường.

Tiến sĩ Trần Hữu Nghị, tổ chức Tropenbos International cho biết, nghiên cứu “Phát triển cao-su và bảo vệ rừng ở Việt Nam” do Forest Trends và Tropenbos International thực hiện ở hai vùng Tây Nguyên và Tây Bắc cho thấy, việc mở rộng diện tích cao-su có tác động lớn đến tài nguyên rừng. Lượng gỗ tận thu từ việc chuyển đổi rừng tự nhiên, được cho là nghèo kiệt, sang trồng cao-su, là hơn 397 nghìn m3 từ hơn 200 dự án phát triển cao-su tại Tây Nguyên. Đây chỉ là là một phần trong tổng lượng gỗ được khai thác từ rừng chuyển đổi, chưa phải con số thực tế. Tại Tây Bắc, mở rộng rừng cao-su cũng đang làm mất đi những diện tích rừng do cộng đồng trước đây trực tiếp quản lý

Chú trọng tới môi trường

Chuyển đổi rừng sang trồng cao-su còn bất cập ảnh 1
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo.

TS Vũ Tấn Phương, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng cao-su cần quan tâm đến các tác động môi trường. Quá trình phát triển cây cao-su đang diễn ra mạnh mẽ ở một số địa phương, bởi nhiều tỉnh coi đây là cây xóa đói giảm nghèo. Thu nhập từ một ha cao-su mang lại cho người lao động khoảng 60 triệu đồng/năm, trong khi thu nhập từ trồng các loài cây khác thấp hơn. Thí dụ, thông mã vĩ: 28 triệu đồng/năm; thông nhựa: 20 triệu đồng/năm, bạch đàn: 8,4 triệu đồng/năm... Rừng tự nhiên có tác dụng lớn trong điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cũng đồng thời lưu giữ đa dạng sinh học cao hơn nhiều lần so với rừng cao-su. Do đó, xu hướng chuyển đổi cần xem xét kỹ giữa những tác động về kinh tế và môi trường, bởi thực tế, việc thực thi chính sách chuyển đổi này tại một số địa phương đang bị lạm dụng.

TS Đoàn Diễm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, rất băn khoăn về việc phá vỡ quy hoạch rừng cao-su và xu hướng mở rộng tới một triệu ha rừng cao-su. Trồng cây cao-su ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là cần thiết, nhưng nên khoanh vùng giữ lại diện tích rừng khộp (rừng lá rộng rụng lá) không chuyển sang trồng cao-su. Còn với khu vực Tây Bắc, nên giữ lại 26 nghìn ha đã trồng cao-su để đánh giá hiệu quả chương trình.

Cùng quan điểm này, GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, kỳ vọng hạn chế chuyển đổi rừng khộp sang trồng cây cao-su. Diện tích rừng khộp nước ta có khoảng 900 nghìn ha, bằng 11% diện tích rừng Việt Nam, phân bố tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu là Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Đây là loại hình hệ sinh thái đặc thù, độc đáo của tự nhiên, có vai trò quan trọng trong bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ nền văn hóa đặc sắc bản địa của thiên nhiên. Do đó, cần rà soát một cách nghiêm túc diện tích rừng khộp hiện hữu và diện tích đã bị chuyển đổi sang mục đích khác, đánh giá công bằng về hiệu quả và hậu quả tích lũy kinh tế, trong sinh thái cả về giá trị văn hóa - nhân văn.

* Đến năm 2012, tổng diện tích cây cao-su trong cả nước đạt 910.500 ha, chiếm khoảng 7% diện tích cao-su toàn cầu và sản lượng đạt 863.600 tấn.

Việt Nam là nước sản xuất cao-su thiên nhiên đứng thứ năm trên thế giới, sau Thái-lan, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Kim ngạch xuất khẩu cao-su thiên nhiên năm 2012 đạt 2,86 tỷ đô-la, góp 2,5% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, sau gạo và cà-phê

(Nguồn: Hiệp hội Cao-su Việt Nam)