Cần ưu tiên chống sạt lở, bảo vệ dân vùng nguy cơ cao

NDO -

NDĐT – Trong chuyến kiểm tra thực tế vào ngày 24-8, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý thứ tự ưu tiên như nêu trên đối với chính quyền tỉnh Cà Mau trong quá trình triển khai các giải pháp phòng, chống sạt lở ven biển trên địa bàn tỉnh…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiểm tra thực tế tình hình sạt lở ven biển Cà Mau
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiểm tra thực tế tình hình sạt lở ven biển Cà Mau

Tại khu vực tuyến đê biển từ Vàm Đá Bạc đến Cống Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), báo cáo nhanh với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết, đầu tháng 8 vừa qua, gần 300m chiều dài đê biển Tây khu vực nêu trên đã bị triều cường và sóng dữ phương hại, gây sạt lở nghiêm trọng. Tỉnh phải huy động hàng trăm lực lượng, phương tiện và sử dụng các giải pháp tạm thời gia cố chân đê, giữ đê không bị vỡ. Nhưng trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, nguy cơ vỡ đê có thể xảy ra bởi khu vực nêu trên không còn đai rừng phòng hộ, kè hộ đê không đủ sức ngăn chặn sóng biển bào mòn thân đê. Bởi vậy, địa phương tiếp tục huy động phương tiện, nhân lực và thiết bị, cắt cử nguời ứng trực nhằm phản ứng nhanh nhất khi có tình huống bất ngờ xảy ra, kiên quyết không để xảy ra tình trạng vỡ đê.

Cần ưu tiên chống sạt lở, bảo vệ dân vùng nguy cơ cao ảnh 1

Khu vực đê biển Tây bị sạt lở đã được tỉnh Cà Mau gia cố bằng các giải pháp tạm thời.

Không riêng khu vực “nhạy cảm” nêu trên, sạt lở xảy ra hầu như toàn tuyến ven biển của Cà Mau. Từ năm 2007 đến nay, đất và rừng ven biển của tỉnh Cà Mau đã bị mất gần 9.000 ha vì sạt lở. Trong đó, tuyến ven biển Tây dài 108km hiện có gần 57.000m chiều dài bị xói lở. Nhiều đoạn đã bị xói lở sâu và không còn đai rừng, nguy cơ sóng biển uy hiếp phá vỡ đê bất cứ lúc nào. Trong khi đó, tuyến bờ biển Đông gần 150km hiện chưa xây dựng được đê biển, xói lở xảy ra với chiều dài khoảng 48.000m.

Cùng với vấn nạn sạt lở bờ biển, sạt lở bờ sông trên địa bàn Cà Mau đang diễn biến hết sức phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển như: Đầm Dơi, Năm Căn Ngọc Hiển, Phú Tân. Qua khảo sát thực tế, Cà Mau hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38km. Trong đó có tám vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở cao với chiều dài hơn 4,8km, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của hơn 1.000 hộ dân, cần phải có giải pháp di dời để bảo vệ an toàn tính mạng và tài của người dân.

Ứng phó trước tình hình sạt lở nghiêm trọng và phức tạp nêu trên, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã áp dụng nhiều giải pháp công trình và phi công trình để khắc phục xói lở tại một số vị trí xung yếu ven bờ biển, với tổng chiều dài hơn 28.700m, với tổng mức đầu tư hơn 950 tỷ đồng. Tỉnh cần thêm vốn hỗ trợ của Trung ương để thực hiện các công trình phòng chống sạt lở cấp bách kết hợp di dời dân vào sinh sống tại các khu dân cư, tránh xa vùng nguy hiểm… Cụ thể, Cà Mau kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 702 tỷ đồng để xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển phía Đông, đặc biệt tại các cửa biển xung yếu, khu đông dân cư, như: Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Hố Gùi, Kênh Năm - Kênh Chùm Gọng, Kênh Chốn Sóng - Kênh Năm Ô Rô, Hốc Năng.

Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực kịp thời của chính quyền tỉnh Cà Mau trong công tác khắc phục hậu quả của triều cường bất thường gây nên sạt lở ven bờ biển Tây. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước mắt bộ sẽ trình Chính phủ kinh phí gần 74 tỷ đồng hỗ trợ để tỉnh Cà Mau xử lý đoạn đê biển Tây đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Đối với tình trạng sạt lở hiện nay, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Cà Mau cần ưu tiên khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng, cấp bách. Trong đó, chú trọng việc sắp xếp, ổn định cuộc sống cho người dân vùng nguy cơ cao. Về lâu dài, Cà Mau cần tham khảo, tìm các công nghệ kè bảo vệ phù hợp để tập trung nguồn vốn đầu tư có hiệu quả hơn nữa, đặc biệt chú trọng các giải pháp bảo vệ đê biển phải gắn với tạo bãi trồng rừng phòng hộ…

Ngoài khu vực ven tuyến đê biển Tây, trong chuyến kiểm tra tại Cà Mau, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác của bộ đã đến khảo sát vị trí xây dựng cầu sông Ông Đốc nối bờ Nam và bờ Bắc thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời). Dự kiến, cây cầu này cần nguồn kinh phí hơn 590 tỷ đồng. Khi hoàn thành, cầu Ông Đốc sẽ tạo thuận lợi để hàng hoá, thuỷ hải sản…của thị trấn biển lớn nhất của tỉnh thông thương hàng ra tuyến quốc lộ 1A đến các vùng, miền khác trong cả nước, tạo trục liên thông tuyến đê biển Tây với trục lộ Đông - Tây Cà Mau, tạo điều kiện vực dậy kinh tế vùng ven biển phía Tây Cà Mau. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn đến khảo sát vị trí xây dựng cầu Cái Nai (huyện Năm Căn), thuộc Dự án trục lộ Đông - Tây Cà Mau và kiểm tra khu vực ven biển Mũi Cà Mau.

Cần ưu tiên chống sạt lở, bảo vệ dân vùng nguy cơ cao ảnh 2

Trong chuyến kiểm tra lần này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao tặng 100 triệu đồng “Quỹ vì người nghèo” cho chính quyền huyện Trần Văn Thời, góp phần chia sẽ khó khăn với những hộ dân có nhà bị hư hỏng vì triều cường, thiên tai.