Cần Thơ tham gia mạng lưới các thành phố BreathLife

NDO -

NDĐT- Cần Thơ là thành phố đầu tiên của Việt Nam đã gia nhập mạng lưới các thành phố BreathLife - “Hơi thở cuộc sống”.

Khói bốc lên từ một nhà máy ở Việt Nam (Ảnh: WHO/NaSon Nguyen).
Khói bốc lên từ một nhà máy ở Việt Nam (Ảnh: WHO/NaSon Nguyen).

Ngày 12-12, Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam hoan nghênh Cần Thơ là thành phố đầu tiên của Việt Nam đã gia nhập mạng lưới các thành phố BreathLife - “Hơi thở cuộc sống”.

Breathlife là một mạng lưới đang ngày càng lớn mạnh với sự tham gia của các thành phố, các khu vực và các quốc gia trong việc đồng lòng cam kết mang lại chất lượng không khí an toàn tới năm 2030 và cùng hợp tác triển khai các giải pháp không khí sạch nhằm đạt được mục tiêu này năm 2030.

Cần Thơ, thành phố lớn thứ tư của Việt Nam và là thành phố lớn nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã xây dựng được Kế hoạch hành động Không khí sạch (CAAP). Trong đó, đưa ra ưu tiên quan trắc chất lượng không khí và cắt giảm các nguồn phát thải chính, đặc biệt là giao thông và công nghiệp.

Phát biểu tại lễ công bố và bàn giao CAAP từ tổ chức Không khí sạch châu Á (Clean Air Asia) và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: “Kế hoạch hành động quản lý chất lượng không khí sẽ giúp UBND thành phố thực hiện kế hoạch hành động về không khí sạch để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân; cải thiện và quản lý môi trường của thành phố, phù hợp với các tiêu chí về không khí sạch và giao thông đô thị bền vững, tăng cường khả năng chống chịu tác động biến đổi khí hậu của thành phố”.

Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay, WHO đã hỗ trợ thành phố Cần Thơ thông qua hoạt động phối hợp với Viện Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu các ảnh hưởng tới sức khỏe do ô nhiễm không khí trong thành phố. Nghiên cứu này tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về ô nhiễm không khí và sức khỏe, hỗ trợ việc thực hiện Kế hoạch hành động Không khí sạch.

Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề y tế công cộng quan trọng nhất ở các thành phố lớn của các nước đang phát triển. Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, và Chính phủ sẽ cần phải thực hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc kiểm soát phát thải một cách quyết liệt, nhất là trong thời gian có ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ông rất mong có nhiều thành phố hơn nữa, thậm chí nhiều tỉnh trong cả nước có hành động tương tự để bảo vệ sức khỏe và tương lai của mọi người dân.

Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân mọi nơi trên thế giới. Theo ước tính năm 2018, cứ 10 người thì có chín người phải hít thở không khí có hàm lượng các chất gây ô nhiễm không khí cao. Cả ô nhiễm không khí trong nhà và bên ngoài gây ra khoảng bảy triệu tử vong/năm trên toàn cầu. Chỉ tính riêng ở khu vực Tây Á Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm.

Ở Việt Nam, ước tính 60 nghìn ca tử vong trong năm 2016 do ô nhiễm không khí gây ra.