Cần thêm giải pháp bảo vệ đàn bò tót

NDO -

NDĐT - Hiện nay, trên diện tích rừng do Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú quản lý xuất hiện hai đàn bò tót có số lượng hơn 30 cá thể. Do đàn bò thường xuyên di chuyển kiếm ăn theo hướng không xác định nên việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa khô.

Cá thể bò tót chết nghi do già yếu và thiếu nguồn thức ăn, nước uống trong mùa khô.
Cá thể bò tót chết nghi do già yếu và thiếu nguồn thức ăn, nước uống trong mùa khô.

Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện một cá thể bò tót bị chết bất thường. Thông tin ban đầu được xác định là do bò tót già yếu, vào mùa khô thiếu nguồn thức ăn, nước uống nên kiệt sức và chết. Từ thực tế cho thấy, cơ quan chức năng cần có giải pháp để tạo nguồn thức ăn, nước uống nhằm bảo vệ đàn bò trong mùa khô.

Cụ thể, ngày 8-4-2020, ông Nguyễn Văn Truyền, sinh năm 1949, cư ngụ tại ấp Đồng Tân, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, phát hiện một cá thể bò (nghi bò tót) chết và đang phân hủy nên gọi điện báo tin cho Chủ tịch UBND xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Sau đó, lãnh đạo xã Tân Hòa báo cáo sự việc cho Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú.

Sau khi tiếp nhận nội dung tin báo, Ban lãnh đạo Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo cho Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (Chốt bảo vệ rừng 327) đến hiện trường theo sự hướng dẫn của người báo tin để xác minh sự việc. Qua xác minh, đơn vị này phát hiện có một cá thể bò chết dưới khe suối gần khu vực giáp ranh với vườn cây cao-su tại tiểu khu 389, thuộc Hạt Kiểm lâm Đồng Phú quản lý. Đến trưa cùng ngày, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp cùng cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú để kiểm tra và tiến hành khám nghiệm hiện trường.

Ông Bùi Xuân Ngọc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Phú cho biết, ghi nhận ban đầu cho thấy, một cá thể bò chết đang trong thời kỳ bị phân hủy nằm dưới lòng suối nhỏ đã cạn, không có nước tại vị trí lô 5, khoảnh 2, tiểu khu 389 thuộc Hạt Kiểm lâm Đồng Phú quản lý. Qua khám nghiệm hiện trường, xác cá thể bò (nghi là bò tót) đang trong thời kỳ bị phân hủy, xương thịt đã bị bệu rã không còn thành hình, có chỗ đã trơ xương không còn phần thịt nên không xác định được dấu hiệu bị thương hay bị mắc bẫy... Các đơn vị phối hợp nhận định nguyên nhân dẫn đến việc cá thể bò bị chết là do già yếu suy kiệt cơ thể dẫn đến chết; thời gian bò chết đến thời điểm phát hiện khoảng từ 20 đến 25 ngày.

Do xác cá thể bò (nghi là bò tót) đang trong thời kỳ bị phân hủy, xương thịt đã bị bệu rã, hôi thối. Hơn nữa, đường vào cây cối, dây leo chằng chịt không thể đem xác ra ngoài được nên xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và Chi cục Kiểm lâm cho tiêu hủy tại chỗ theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 10; Điều 15 Thông tư số 29/2019/TT-BNNPTNT ngày 31-12-2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cần thêm giải pháp bảo vệ đàn bò tót ảnh 1

Một cá thể bò tót bị vướng bẫy được lực lượng chức năng phát hiện giải cứu nhưng không thành.

Trước đó, năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú cũng đã phát hiện một cá thể bò tót trúng bẫy trong địa phần rừng đơn vị quản lý. Do vướng vào bẫy khá lâu nên khi phát hiện bò đã suy kiệt sức. Để giải cứu, cơ quan chức năng đã liên hệ với các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã, lãnh đạo Thảo Cầm Viên (TP Hồ Chí Minh) đề nghị hỗ trợ cứu hộ. Ngay sau đó, cán bộ Thảo Cầm Viên đã lên hiện trường để giải cứu cá thể bò mắc bẫy.

Ông Bùi Xuân Ngọc cho biết thêm: Khi tiếp xúc với bò, các chuyên gia của Thảo Cầm Viên nhận định, bò đã quá yếu cần hỗ trợ phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, việc phục hồi sức cho bò đã không thành vì bò quá suy kiệt sức và chết.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã đề ra một số phương án để bảo vệ và phát triển đàn bò tót. Tuy nhiên, các dự án phải dừng lại vì tính khả thi không cao. Cụ thể, UBND tỉnh Bình phước đã xây dựng kế hoạch di chuyển đàn bò lên khu vực Vườn quốc gia Bù Gia Mập (cách vị trí đàn bò tót đang sinh sống khoảng 100 km), nơi đây có nguồn thức ăn, nước uống phong phú. Sau đó, tỉnh Bình Phước cũng đưa ra phương án di chuyển đàn bò tót về Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Tuy nhiên, các phương án trên đều không thể thực hiện được.

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia cũng như kinh nghiệm dân gian, bò tót có tập tính sinh ra ở đâu thì sống ở những khu vực đó cho đến khi già và chết đi. Qua theo dõi, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đồng Phú cũng nhận định, đến nay bò chỉ sống ở những khu rừng nhất định. Chưa phát hiện bò di chuyển sang bên kia rừng Cát Tiên. Mỗi lần phát hiện đàn bò tót đều có con nhỏ. Qua đó cho thấy, bò phát triển về số lượng hàng năm.

Cần thêm giải pháp bảo vệ đàn bò tót ảnh 2

Bẫy bò tót được cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ.

Để bảo vệ và phát triển đàn bò tót, trong thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú đã đẩy mạng công tác tuyên truyền để vận động nhân dân không vào rừng săn bắt thú và bẫy bò tót. Khi phát hiện đàn bò tót thì ghi hình và báo cho cơ quan chức năng để theo dõi, bảo vệ. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm Đồng Phú đang thực hiện các phương án bảo vệ đàn bò tót như: Rắc muối tại một số vị trí bò tót thường qua lại nhằm để tăng hàm lượng khoáng chất cho bò tót, qua đó góp phần nâng cao sức đề kháng cho đàn bò. Mặt khác, xây dựng các hồ chứa nước nhỏ trong rừng, một mặt tạo nguồn nước uống cho đàn bò tót, mặt khác tăng cường phòng, chống cháy rừng trong mùa khô khi suối cạn nước. Đồng thời, xin ý kiến các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp di chuyển đàn bò đến những khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt (Rừng do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ B58 quản lý), có nhiều nguồn thức ăn và nước uống trong mùa khô để đàn bò phát triển tốt.

Bên cạnh đó, lực lượng bảo rừng tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Qua đó, phát hiện, gỡ bỏ các loại bẫy thú rừng, đặc biệt là bò tót. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng nhằm nâng cao ý thức nhân dân, đặc biệt là các hộ dân sống gần bìa rừng. “Chúng tôi đẩy mạnh công tác dân vận để tiến tới mỗi người dân là một “cán bộ” bảo vệ rừng. Để làm được điều này, chúng tôi quan hệ gần gũi với nhân dân, bồi dưỡng cho những hộ dân sống gần rừng một năm một vài trăm nghìn tiền điện thoại hay nhu yếu phẩm… Khi phát hiện người dân xâm nhập rừng trái phép báo cho cơ quan chức năng xử lý kịp thời”, ông Ngọc cho biết thêm.