Cần có “sân chơi” liên kết cộng đồng tham gia bảo tồn nguồn nước mặt

NDO -

Đó là ý kiến chung được các đại biểu đưa ra tại tọa đàm “Xác định các vấn đề và đề xuất sáng kiến nhằm bảo tồn nguồn nước mặt tại TP Đà Nẵng”, sáng 13-11, tại Đà Nẵng.

Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cần có sự tham gia của cộng đồng để xóa ô nhiễm.
Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang cần có sự tham gia của cộng đồng để xóa ô nhiễm.

Chương trình do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Đà Nẵng (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật TP Đà Nẵng) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức, thu hút sự tham gia của đại diện người dân, các cơ quan ban ngành liên quan, doanh nghiệp và tổ chức phi Chính phủ.

CECR cho biết, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang phải đối mặt với những thách thức về nước như: Thiếu nước vào mùa cạn; Tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây xâm nhập mặn, đe dọa nguồn nước ngọt của các sông, nước dưới đất; Hiệu quả sử dụng nước thấp; Vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt…

Trước những thách thức lớn đó cần những cách tiếp cận quản lý đổi mới như: Cần thiết phải có sự chung tay và tham gia hành động của các bên; Nâng cao nhận thức để thay đổi hành vi của mỗi người dân, doanh nghiệp; Giải quyết vấn đề do địa phương xác định với các sáng kiến địa phương; Thúc đẩy sáng kiến, công nghệ, sáng tạo; Huy động sự tham gia của địa phương và doanh nghiệp, bảo đảm tính bền vững…

Chất lượng môi trường nước là một trong ba nhóm tiêu chí xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường giai đoạn 2008 - 2020. Do đó, việc bảo tồn nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước mặt rất quan trọng. Trong đó, Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là một trong những điểm đang bị ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường với ba vấn đề chính: nước thải, rác thải và mùi hôi đang cần có sự chung tay giải quyết.

Tọa đàm cũng đã cập nhật và chia sẻ thông tin hiện trạng công tác bảo tồn nguồn nước mặt tại Đà Nẵng và các bên liên quan; xác định các vấn đề ưu tiên và quan trọng, mối quan tâm và nhu cầu của các bên liên quan trong thực hiện các hành động kiểm soát ô nhiễm nước mặt và bảo tồn nguồn nước cho thành phố; xác định cơ hội xây dựng mạng lưới bảo tồn nguồn nước tại Đà Nẵng và phát huy sáng kiến từ cộng đồng.

Các đại biểu cũng chia sẻ một số ý tưởng đã thực hiện như: xây dựng mô hình khu dân cư thân thiện của các hội, đoàn thể nhằm tạo thói quen sinh hoạt của người dân giảm thiểu rác thải nhựa, hướng đến khu dân cư bền vững; doanh nghiệp triển khai phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường; các dự án liên quan đến tài nguyên thiên nhiên của những tổ chức phi Chính phủ…

Tuy nhiên, tất cả đều nhận định mỗi mô hình, ý tưởng đều mạnh về một lĩnh vực nhất định như: truyền thông, kỹ thuật, nhân lực; mới chỉ dừng ở mức trong phạm vi của từng đơn vị, doanh nghiệp, chưa tạo được tính liên kết mạnh và lâu dài. Vì vậy, nếu có một “sân chơi” chung được tạo ra để liên kết các bên với nhau, từ thế mạnh riêng của từng bên tạo thành một khối cùng đóng góp cho mục tiêu chung, cùng nhau phát triển các dự án để bền vững, lâu dài.

Những ý kiến tại tọa đàm lần này sẽ là “đầu vào” quan trọng cho CECR cùng các đối tác thiết kế những hoạt động của dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” dự kiến thực hiện tại Đà Nẵng trong thời gian tới…