Cá biển giúp loại bỏ 1,65 tỷ tấn carbon khỏi khí quyển mỗi năm

NDO -

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, carbon trong phân, hô hấp và các chất bài tiết khác từ cá chiếm khoảng 16% tổng lượng carbon chìm dưới đại dương.

Phân cá được chụp ngoài khơi California, Mỹ. Ảnh: Grace Saba.
Phân cá được chụp ngoài khơi California, Mỹ. Ảnh: Grace Saba.

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học do Tiến sĩ Grace Saba, Đại học Rutgers dẫn đầu, cùng Phó giáo sư, Tiến sĩ Clive Trueman, Đại học Southampton đã tổng hợp kiến ​​thức hiện có để ước tính sự đóng góp của cá đối với việc lưu trữ carbon toàn cầu. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Limnology & Oceanography.

Phó giáo sư, Tiến sĩ về Sinh thái biển Trueman cho biết: “Việc đo lượng carbon được các loài động vật và thực vật khác nhau thu giữ và lưu trữ là rất quan trọng vì chúng ta đang cố gắng giảm tổng lượng carbon dioxide trong bầu khí quyển của Trái đất".

"Phá vỡ các hệ sinh thái tích cực lưu trữ carbon có thể đảo ngược một số tiến bộ đạt được trong việc giảm lượng khí thải carbon. Tương tự, việc bảo vệ các dịch vụ thu giữ và lưu trữ carbon tự nhiên này sẽ duy trì các hệ thống tự điều chỉnh của hành tinh chúng ta”, anh Trueman  nói.

“Các loài cá biển có thể thu nhận carbon thông qua việc cho ăn và sau đó mang carbon đó xuống biển sâu khi chúng đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, việc tìm hiểu lượng carbon được các loài cá thải vào đại dương sâu là một thách thức. Các nhà khoa học tranh luận về số lượng cá có mặt trên đại dương, chính xác nơi chúng sống, chúng ăn bao nhiêu, và chúng đi đâu", anh giải thích.

Carbon dioxide còn được thực vật phù du (tảo), thực vật đơn bào nhỏ ở trên bề mặt đại dương hấp thụ. Thông qua một quá trình quan trọng như một máy bơm sinh học, carbon hữu cơ này có thể đi từ bề mặt biển đến độ sâu đại dương khi tảo, phân của cá và các sinh vật khác chìm xuống.

Dữ liệu tốt hơn về vai trò của cá trong lưu giữ carbon sẽ giúp các nhà khoa học hiểu tác động của biến đổi khí hậu và việc khai thác hải sản đối với dòng chảy carbon. Dòng chảy carbon có nghĩa là sự chuyển động của carbon trong đại dương, bao gồm từ bề mặt đến biển sâu, đó là trọng tâm của nghiên cứu này.

“Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét tác động của cá đối với dòng chảy carbon”, tác giả chính, Tiến sĩ Saba, trợ lý giáo sư tại Trung tâm Quan sát đại dương, Đại học Rutgers, cho biết.

“Ước tính của chúng tôi về sự đóng góp của cá là khoảng 16% có thể được các nhà khoa học củng cố bằng các nghiên cứu trong tương lai. Tôi đoán rằng carbon trong phân từ cá chiếm 15 đến 20% tổng lượng carbon mà chúng thải ra, tương tự như một số loài động vật phù du”, Tiến sĩ Saba nói.

Tiến sĩ Saba cho biết: “Hơn nữa, cacbon đi xuống dưới lớp ánh nắng mặt trời sẽ trở nên cô lập, được lưu giữ trong đại dương hàng trăm năm hoặc hơn, tùy thuộc vào độ sâu và vị trí mà cacbon hữu cơ được lưu trữ. Quá trình tự nhiên này có tác dụng cân bằng các nguồn carbon dioxide".