Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải trình về hiện tượng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn

NDO -

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà, ở các thời điểm nhất định trong năm xảy ra hiện tượng “nghịch nhiệt” thì ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ở mức cao.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà giải trình về tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn.
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà giải trình về tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn.

Sáng 10-11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ở các thời điểm thời tiết có hiện tượng “nghịch nhiệt” thì ô nhiễm không khí ở mức cao, thí dụ như trong tháng 7-2020 các chỉ số chung về không khí đều ở mức xấu.

Bên cạnh đó, các chỉ số chung về ô nhiễm không khí ở các thành phố khác vẫn ở mức bình thường trừ các chỉ số về PM2.5 và PM10 (bụi mịn). Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một Quyết định về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí (Quyết định số 985a ngày 1-6-2016) và Bộ TN-MT đã tham mưu để ban hành một Chỉ thị hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch này.

“Và đặc biệt, trong Luật Bảo vệ môi trường lần này thì chúng ta đã quy định rất rõ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, quy định thứ nhất là về trách nhiệm thực hiện quyền Hiến định đó là cung cấp thông tin chất lượng môi trường chung, trong đó có môi trường không khí cho người dân được biết và cảnh báo liên quan đến an toàn sức khoẻ của người dân.

Thứ hai, Luật quy định về quan trắc môi trường và thường xuyên cung cấp thông tin cho người dân thông qua hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, theo vùng và địa phương và đặc biệt quan tâm tới vấn đề quan trắc xuyên biên giới.

Thứ ba, dự thảo Luật cũng đã xem xét, điều chỉnh các hệ thống liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đặc biệt là quy chuẩn môi trường chất lượng không khí.

“Với quy chuẩn này thì chúng tôi đã áp dụng quy chuẩn cao nhất của châu Âu, tức là liên quan tới sức khoẻ của chúng ta là hoàn toàn áp dụng theo quy chuẩn này để thay thế cho một số quy chuẩn trước đây mà chúng ta chưa nghiên cứu kỹ các tác động”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa rồi chúng ta đã tăng cường các trạm quan trắc, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh có các trạm quan trắc tự động và bắt đầu sử dụng các trạm này để cung cấp số liệu thường xuyên.

Tại Hà Nội, hiện nay cũng đã có một App (ứng dụng trên điện thoại di động) để cung cấp số liệu từ các trạm đo của Hà Nội cũng như của Bộ TN-MT giúp mọi người dân có thể tiếp cận các chỉ số đo chất lượng môi trường không khí.

“Với tinh thần như thế, xin báo cáo các vị đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới khi mà Luật Bảo vệ môi trường 2020 được phê duyệt, chúng tôi cho rằng sẽ có rất nhiều vướng mắc hiện nay sẽ được giải quyết, đặc biệt là xây dựng các hệ thống về quan trắc cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho người dân”, Bộ trưởng nói.

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV