Biến đổi khí hậu đe dọa tài nguyên nước của gần 2 tỷ người

NDO -

NDĐT - Trên khắp thế giới, hàng tỷ người dựa vào nước từ tuyết và sông băng. Tuy nhiên, theo các phát hiện mới được công bố tại Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ, nhiệt độ tăng đã làm giảm nhanh nguồn nước đối với các khu vực dễ bị tổn thương, đáng chú ý nhất là vùng núi cao châu Á.

Ngã ba nơi sông Indus và sông Zanskar gặp nhau ở Ấn Độ. Ảnh: Getty.
Ngã ba nơi sông Indus và sông Zanskar gặp nhau ở Ấn Độ. Ảnh: Getty.

Nghiên cứu cũng được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 9-12, đề cập đến những ngọn núi có giá trị như những "tháp nước" thực sự của thế giới.

Bài viết nghiên cứu 76 vùng núi để khám phá khí hậu và áp lực xã hội đối với tài nguyên nước. Phân tích khí hậu bao gồm nhiệt độ và lượng mưa trong điều kiện các yếu tố kinh tế xã hội trong tăng trưởng dân số, phát triển kinh tế và đô thị hóa cho thấy đây là những yếu tố gây căng thẳng đến nguồn nước.

Trong số 76 khu vực, nghiên cứu xác định lưu vực sông Ấn nằm giữa Ấn Độ và Pakistan là "tháp nước" quan trọng nhất thế giới và dễ bị tổn thương nhất. Hơn 200 triệu người dựa vào nước được lưu trữ ở các đỉnh núi cao và con số đó sẽ tăng lên. Trên hết, các nhà khoa học dự báo nhiệt độ trong khu vực sẽ tăng 1,9 độ C vào năm 2050. Hai nước láng giềng này sẽ phải tìm một cơ sở trung gian trong việc quản lý nguồn nước này để duy trì nó, báo cáo khuyến nghị.

Trong một cuộc họp báo công bố về nghiên cứu, ông Walter Immerzeel, Giáo sư khoa học địa chất tại Utrecht Đại học ở Hà Lan một trong 32 tác giả của bài báo cho biết, biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho các ngọn núi, mà còn ảnh hưởng đến các yếu tố kinh tế xã hội, thậm chí ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các nhu cầu to lớn.

Do những áp lực kinh tế xã hội này, các vùng núi ở Nam Mỹ và châu Á có mức độ tổn thương cao hơn so với Bắc Mỹ. Điều đó không có nghĩa là các "tháp nước" ở Bắc Mỹ không bị đe dọa. Sự thay đổi và tăng nhiệt độ đang gây áp lực lớn hơn đối với các nguồn nước như lưu vực sông Fraser và Columbia ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Đây là chỉ số đầu tiên thuộc loại này để đo lường những áp lực cạnh tranh tại các “tháp nước” trên thế giới. Những phát hiện về sự gia tăng căng thẳng ở nhiều nơi không hẳn là đáng ngạc nhiên bởi vì, một thế giới ấm hơn chắc chắn sẽ làm tan chảy một số sông băng (nơi chứa nước) và gây rối với các mô hình mưa. Tuy nhiên, các tác giả đã phải nghĩ ra một hệ thống cụ thể để xếp hạng các lưu vực nước. Họ bắt đầu đánh giá tầm quan trọng của từng tháp nước. Họ đã đo bằng cách phân tích lượng mưa, lớp tuyết phủ, sông băng lưu trữ nước và nước mặt để xác định nguồn cung cấp nước. Sau đó, họ lên kế hoạch để cung cấp nước đáp ứng nhu cầu tối thiểu, bao gồm lượng nước cần thiết để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, công nghiệp và mục đích sinh hoạt.

Khi dân số trên toàn thế giới tiếp tục bùng nổ, đặc biệt là ở phía nam bán cầu, các nhà lãnh đạo sẽ phải thay đổi chiến lược bảo tồn để bảo đảm có đủ nước cho mọi người. Và như các tác giả đã nói rõ trong cuộc họp báo về nghiên cứu, những ngọn núi này cũng có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng mà chúng ta phải đối mặt.

Một điều quan trọng là, ông Immerzeel cho biết: “Chúng tôi xây dựng chính sách cụ thể để bảo vệ và giữ gìn những ngọn núi tuyệt đẹp này”.