Biến đổi khí hậu có thể qua “điểm không thể cứu vãn”

NDO -

NDĐT - Các nỗ lực của thế giới để chặn đứng tình trạng biến đổi khí hậu cho tới nay vẫn chưa thích đáng và tình trạng trái đất ấm lên có thể vượt qua “điểm không thể cứu vãn”. Cảnh báo này được Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đưa ra ngày 1-12, trước thềm Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra hai tuần từ ngày 2-12 tại Tây Ban Nha.

Người dân tuần hành kêu gọi hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu trên đường phố Lagos, Nigeria (Ảnh: AP)
Người dân tuần hành kêu gọi hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu trên đường phố Lagos, Nigeria (Ảnh: AP)

Theo TTK LHQ, tác động của nhiệt độ gia tăng, trong đó gây ra thời tiết cực đoan hơn, đang được cảm nhận rõ ở mọi ngõ ngách của trái đất với những hậu quả không lường đối với loài người và những sinh vật khác trên trái đất.

Ông nhấn mạnh, thế giới đã có hiểu biết khoa học và các công cụ kỹ thuật để hạn chế tình trạng trái đất nóng lên nhưng vẫn thiếu ý chí chính trị.

TTK LHQ Guterres đã dẫn ra các bằng chứng khoa học về sự tác động của khí thải nhà kính do con người gây ra tới hành tinh, trong đó có nhiệt độ tăng cao kỷ lục và băng tan ở các cực trái đất.

Bốn năm trước, trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia đã nhất trí hạn chế mức nóng lên của trái đất dưới 2 độ C, và mức lý tưởng là 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời điểm tiền công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhiệt độ trung bình hàng năm của trái đất đã tăng khoảng 1 độ C, khiến khó đạt được mục tiêu đầy tham vọng trên.

TTK Guterres hối thúc mọi người dân, đặc biệt là thanh niên, thể hiện quyết tâm hành động vì khí hậu.

TTK Guterres nhấn mạnh: “Điều chúng ta vẫn thiếu là quyết tâm chính trị: Quyết tâm chính trị để định giá khí thải carbon. Quyết tâm chính trị để ngừng các trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch. Quyết tâm chính trị để ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than từ 2020 trở đi. Quyết tâm chính trị để chuyển thuế từ thu nhập thành thuế carbon. Đánh thuế ô nhiễm thay vì đánh thuế vào con người”.

TTK Guterres lưu ý rằng khoảng 70 quốc gia, nhiều nước trong đó bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, đã cam kết ngừng phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh những cam kết về khí hậu chưa được thực thi đúng. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong khi các nước có lượng khí phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil "mập mờ" về việc thực hiện các cam kết về khí hậu trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh này, TTK LHQ đánh giá các nước Liên hiệp châu Âu (EU) nắm giữ vai trò chủ chốt và là nền tảng trong các cuộc đàm phán hướng tới việc loại bỏ hoàn toàn carbon. Chủ tịch Ủy ban châu Âu mới được bầu, bà Ursula von der Leyen đang cố gắng thúc đẩy toàn khối hướng tới mục tiêu đưa lượng khí phát thải về 0 vào năm 2050. Một số nước thành viên EU như Ba Lan và Hungary phản đối mục tiêu này.

Oxfam: Cứ hai giây lại có một người rời bỏ nhà cửa vì biến đổi khí hậu

Cùng ngày, tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho biết, thời tiết khắc nghiệt và các vụ cháy rừng nghiêm trọng đã buộc hơn 20 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong 10 năm qua, nghĩa là cứ hai giây lại có một người phải rời bỏ nhà cửa.

Oxfam chỉ rõ, các trường hợp sơ tán chủ yếu là do bão lũ và cháy rừng xảy ra theo mùa. Số người phải sơ tán do nguyên nhân này cao gấp ba lần số người phải sơ tán do xung đột, cao gấp bảy lần so với núi lửa phun trào và động đất.

Báo cáo của Oxfam chỉ rõ trong số 10 quốc gia có tỷ lệ dân số phải đi sơ tán cao nhất, bảy quốc gia thuộc nhóm đảo quốc đang phát triển, phần lớn ở Thái Bình Dương và Caribbean. Người dân sống ở các quốc đảo đang phát triển này có tỷ lệ phải sơ tán gấp 150 lần so với những người sống ở châu Âu.

Khoảng 80% số người phải rời bỏ nhà cửa do thiên tai trong một thập kỷ qua là ở các nước châu Á, trong đó Philippines và Sri Lanka chiếm phần lớn.

Tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng nếu lãnh đạo các nước không có hành động ngăn chặn các mối đe dọa do tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, trong bản báo cáo, Oxfam kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động nhiều hơn nhằm gây quỹ cho các chương trình khắc phục tại các quốc gia nghèo hơn bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Trong đó các quốc gia giàu có hỗ trợ các quốc gia đang phát triển bằng một cơ chế tài chính để giải quyết với thiệt hại và tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra.

Trong hai tuần Hội nghị COP 25 bắt đầu từ ngày 2-12, các đại biểu đến từ gần 200 nước và vùng lãnh thổ được kỳ vọng sẽ nỗ lực đạt được các quy tắc điều chính thỏa thuận khí hậu Paris 2015, bao gồm cách thức tạo ra hệ thống giao dịch khí thải quốc tế và bồi thường cho các quốc gia nghèo khó vì những tổn thất mà họ phải gánh chịu vì nước biển dâng và các hậu quả khác từ biến đổi khí hậu.

TTK LHQ bày tỏ hy vọng tại cuộc họp sắp diễn ra tại Madrid, các chính phủ sẽ cam kết nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý rằng việc thành lập một thị trường khí thải toàn thế giới, một điều khoản quan trọng trong thỏa thuận Paris, vẫn là vấn đề khó đàm phán nhất.