Bảo vệ môi trường, chất lượng nước sông Mã

NDO -

Một tháng qua, thủy sản nuôi trong lồng trên sông Mã của 430 hộ, đơn vị ở huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa bị chết gần 51 tấn cá. Chính quyền, các lực lượng chức năng ở Thanh Hóa đã và đang quyết liệt đấu tranh với hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Nông dân huyện Bá Thước nuôi cá lồng trên vùng ngập nước thủy điện.
Nông dân huyện Bá Thước nuôi cá lồng trên vùng ngập nước thủy điện.

Bí mật xả thải

Từ ngày 15-3 đến 16-4, cá nuôi trong lồng và thủy sinh trên sông Mã thuộc địa bàn các huyện miền núi: Bá Thước, Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa liên tục bị chết. Lũy kế có gần 51 tấn cá nuôi trong 600 lồng trên sông bị chết, gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi, bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội.

Các cơ quan chức năng đã kiểm tra hiện trạng, khám lâm sàng, lấy mẫu cá, mẫu nước phân tích tìm nguyên nhân và bước đầu, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa khẳng định, thủy sinh và cá nuôi trong lồng trên sông Mã bị chết không phải do dịch bệnh.

Bảo vệ môi trường, chất lượng nước sông Mã -0
 Cá của hộ dân nuôi trong lồng trên sông Mã bị chết.

Ngày 9-4, huyện Bá Thước thành lập đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của năm cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn huyện. Thợ lặn, phương tiện cơ giới cùng lực lượng liên ngành đã phát lộ từ bốn cơ sở sản xuất giấy vàng mã có các đường ống ngầm dẫn nước, phương tiện bơm nước thải ra sông Mã.

Tại kho của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đồng Tâm TH, lực lượng chức năng phát hiện một đường ống nhựa mềm dài khoảng 20m, đường kính D50 và Giám đốc công ty đã thừa nhận, ống nhựa dùng để bơm, xả nước thải sản xuất giấy tồn đọng trong bể thu gom ra môi trường. Khi xả thải thì kéo đường ống nối vào máy bơm công suất 2,2kW tại bể gom nước thải, một đường ống hướng xả nước thải ra sông Mã và tối 9-4, nhân viên kỹ thuật phụ trách cơ điện của công ty đã vận hành bơm xả thải khoảng một giờ.

Kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Tân Thái Thanh ở thôn Chảy Kế, xã Thiết Kế, đoàn công tác  phát hiện hệ thống rãnh thu gom nước thải sản xuất giấy chia thành hai nhánh, một nhánh về hệ thống xử lý và một nhánh dẫn về bể ngầm dưới nền kho cơ khí, đậy bằng nắp kim loại. Từ bể ngầm này, một đường ống lắp van đóng, mở ngụy trang trong lớp gạch xây chân tường để xả thải. Giám đốc công ty thừa nhận, đã xả nước thải chưa xử lý qua đường ống nêu trên mỗi tuần một lần trong thời gian khoảng một giờ, lần xả gần nhất vào khoảng đầu tháng 4 năm nay.

Bảo vệ môi trường, chất lượng nước sông Mã -0
 Cơ sở chế biến lâm sản tọa lạc bên sông Mã.

Tại cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành, cùng ở xã Thiết Kế, có một đường ống chôn ngầm, đường kính D200 nối từ rãnh thu gom nước thải sau sản xuất chưa qua xử lý ra sông Mã. Phó Giám đốc công ty Đỗ Xuân Trường thừa nhận hành vi xả thải, lần xả thải gần nhất vào ngày 11-4.

Phía thượng lưu sông Mã, huyện Quan Hóa cũng thành lập năm tổ công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn.

Sau nhiều ngày theo dõi, mật phục, đêm 14-4, lực lượng của Công an huyện Quan Hóa bắt quả tang Hợp tác xã (HTX) chế biến lâm sản Xuân Dương ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, đang có hành vi xả nước thải trong quá trình sản xuất chưa qua xử lý xuống sông Mã.

Bảo vệ môi trường, chất lượng nước sông Mã -0
 Lực lượng chức năng phát lộ đường ống xả thải xuống sông Mã từ các cơ sở chế biến lâm sản.

Chưa chú trọng bảo vệ môi trường

Lãnh đạo HTX Xuân Dương gốc ở làng Giàng, xã Thiệu Dương, chuyển lên huyện Quan Hóa đầu tư cơ sở chế biến đũa, bột giấy. Mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 30 tấn luồng, trong đó khoảng 18% luồng thịt đưa vào chế biến đũa và HTX đầu tư thêm năm bể chứa, sử dụng xút ngâm chín khối lượng lâm sản phế thải thành bột giấy, bán cho doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Chủ cơ sở đã thuê tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM), trình thẩm định, phê duyệt và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng.

Lãnh đạo huyện Quan Hóa cho biết, HTX bí mật thi công đường ống có van đóng, xả thải dưới đáy bể nối vào ống dẫn chìm, ghim vào đá dưới lòng sông, lén lút vận hành xả thải nên Công an huyện rất dày công mới bắt quả tang hành vi xả thải, phát lộ hệ thống xả thải từ cơ sở chế biến lâm sản ra sông Mã.

Bảo vệ môi trường, chất lượng nước sông Mã -0
 Người lao động làm việc tại HTX chế biến lâm sản Xuân Dương.

Ngày 11 và 12-3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp huyện Bá Thước và các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại bốn cơ sở sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn.

Đoàn công tác đã kiểm tra các công trình, biện pháp xử lý chất thải, chỉ ra một số thiếu sót của các cơ sở chế biến lâm sản nhưng không phát lộ được hành vi cùng hệ thống ngầm xả nước thải từ ba cơ sở nêu trên.

Từ ngày 15 đến 20-3, xảy ra hiện trạng cá nuôi trong lồng trên sông Mã của nhiều hộ dân ở thị trấn Cành Nàng, các xã: Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Trung huyện Bá Thước bị chết và cá nuôi trong lồng trên sông Mã bị tiếp tục bị chết vào ngày 26-3, 30-3, từ ngày 4-4, gây thiệt hại hơn 26 tấn cá của 310 hộ nuôi cá lồng ở huyện Bá Thước.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa giải trình, hoạt động xả thải ra sông Mã đã “tránh” camera giám sát. Còn lãnh đạo xã Thiết Kế thẳng thắn, tỉnh cấp phép, thẩm định, phê quyết báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng ở xa; hoạt động kiểm tra, giám sát chủ yếu thực hiện trong giờ hành chính. Cấp xã có thẩm quyền giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định, cam kết bảo vệ môi trường theo phân cấp, phân quyền nhưng năng lực, điều kiện có hạn.

Hằng năm, xã Thiết Kế tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên hai lần đối với các cơ sở chế biến lâm sản nhưng quý I năm nay chưa thực hiện vì đoàn của Sở Tài nguyên và Môi trường vừa tiến hành kiểm tra đối với bốn cơ sở sản xuất giấy vàng mã.

Bảo vệ môi trường, chất lượng nước sông Mã -0
 Cận lộ, giáp sông, gần vùng nguyên liệu nên nhiều cơ sở chế biến lâm sản hình thành ở vùng thượng du Thanh Hóa.

Thực tế, lực lượng chức năng ở xã chỉ có thể  bám vào giấy phép, văn bản liên quan, hồ sơ DTM, quan sát trực quan khi kiểm tra, giám sát và trông vào sự trung thực, trách nhiệm, cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Nhiều lần cá nuôi trên sông Mã bị chết, cán bộ cơ sở có hoài nghi về hoạt động bí mật, lén lút xả thải từ các cơ sở chế biến lâm sản nhưng chưa bắt được quả tang, nhất là hệ thống ngầm chìm sâu, hành vi xả thải trộm thường diễn ra vào ban đêm.

Trong khi đó Chủ tịch huyện Bá Thước khẳng định, quyết tâm, quyết liệt, làm hết trách nhiệm sẽ đấu tranh hiệu quả với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quan Hóa, Trương Công Tuấn thông tin thêm, chín cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện vừa hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan, nhất là vừa xây dựng, hoàn thiện các công trình theo báo cáo DTM, vừa tổ chức sản xuất.

Đến thời điểm này, mới có sáu cơ sở chế biến lâm sản hoàn thành thuê đất; hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Duyệt Cường và HTX Hợp Phát hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, cho vận hành thử nghiệm.

Cơ quan quản lý nhà nước nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở nhưng vẫn còn bảy doanh nghiệp chưa hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện Bá Thước có bốn cơ sở sản xuất giấy vàng mã nằm bên sông Mã và tại thời điểm liên ngành huyện tiến hành kiểm tra thì cả bốn cơ sở chế biến lâm sản đều thiếu Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Thực tiễn ghi nhận, hoạt động sản xuất bột giấy, giấy vàng mã tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị lâm sản, đóng góp một phần cho ngân sách địa phương theo tỷ lệ điều tiết. Dù vậy, dây chuyền chế biến, công nghệ sản xuất giấy, bột giấy nhìn chung còn lạc hậu; chưa bảo đảm vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động.

Tháng 1-2017, một nữ lao động làm việc tại Công ty chế biến lâm sản Tân Thái Thanh bị máy nghiền nguyên liệu giấy cuốn tử vong. Cuối tháng 3-2020 cũng xảy ra tình trạng cá nuôi, thủy sinh trên sông Mã bị chết và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, phát hiện bốn cơ sở sản xuất bột giấy, giấy vàng mã ở huyện Bá Thước, Quan Hóa có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã.

Nhiều cơ sở chế biến lâm sản chưa hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường vẫn hoạt động, lấy nước từ sông Mã để ngâm ủ, sản xuất giấy, bột giấy và có hành hành vi lén lút xả nước thải xuống sông Mã. Mùn thực vật, xút, lưu huỳnh, phẩm màu thẩm lậu, thậm chí bí mật xả thải xuống sông là một trong những nguyên nhân làm nước sông Mã bị ô nhiễm cục bộ khiến cá nuôi trong lồng trên sông ở huyện Bá Thước, huyện Cẩm Thủy chết trong thời gian vừa qua.

Với các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm môi trường đã rõ, huyện Bá Thước đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tham mưu xử lý hành vi vi phạm theo quy định hiện hành; yêu cầu các công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các tập thể, hộ nuôi cá trong lồng trên sông Mã bị chết; điều tra, xác minh rõ Công ty TNHH và thương mại Quyết Duy Tuấn có đường ống nối từ rãnh thu gom nước thải sau sản xuất chưa qua xử lý ra sông Mã nhưng chủ doanh nghiệp chưa thừa nhận hành vi xả thải ra môi trường.

Nhằm bảo đảm không phát sinh, tái diễn hành vi gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Võ Minh Khoa đề nghị, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa xem xét, dừng hoạt động, thu hồi giấy phép sản xuất giấy, bột giấy đối với bốn cơ sở nêu trên; giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào đầu tư, tổ chức sản xuất tại hai cụm công nghiệp đã quy hoạch tại xã Điền Trung và xã Thiết Ống.

Huyện Bá Thước cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tiếp tục giao các huyện thượng lưu sông Mã kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, góp phần kết luận rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Mã cùng trách nhiệm liên quan; không cấp phép cho các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xây dựng, tổ chức sản xuất hai bên bờ sông Mã.