Khắc phục sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Giải pháp cứu “vựa lúa”

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng được cho là ảnh hưởng rất lớn đến vùng châu thổ Cửu Long. Ngoài ra, tình trạng khai thác cát quá mức; các đập thủy điện vùng thượng nguồn dòng chính sông Mê Công cũng là nguyên nhân của câu chuyện sạt lở và nguy cơ biến mất của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tương lai không quá xa nữa. Vì thế, cần hành động trước khi quá muộn...

Sóng biển phá vỡ nhiều đoạn đê ở tỉnh Cà Mau.
Sóng biển phá vỡ nhiều đoạn đê ở tỉnh Cà Mau.

Nước “đói” phù sa

Tại các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau), khảo sát thực tế của cơ quan chức năng cho thấy, các điểm sạt lở thường nằm ngay khu vực họp chợ, đông dân cư hoặc ngã ba sông, thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán của người dân theo kiểu “trên bến dưới thuyền”. “Ở những nơi ấy, hộ dân xây dựng hạ tầng lấn nhiều ra mép sông, gây áp lực lớn lên nền đất yếu khiến sạt lở diễn ra nhanh hơn. Một khi sạt lở xảy ra, hộ kinh doanh, buôn bán phút chốc trắng tay, thậm chí lâm vào cảnh “tán gia, bại sản””, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết. Cà Mau có hơn 10.000 km chiều dài sông, rạch…, được xem là tỉnh có sông ngòi chằng chịt nhất vùng ĐBSCL. Với mỗi năm hai bên bờ sông lở sâu vào bờ ít nhất 10 cm, toàn tỉnh đã mất đi khoảng 2.000 ha đất ven sông trong 10 năm qua.

Trước nguy cơ sóng dữ cuốn mất đê, trong tháng 6-2018, chính quyền tỉnh Cà Mau buộc phải ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho rằng, ngoài tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu gây triều cường, sóng dữ…, phải thẳng thắn nhìn nhận, một phần do tác động bất lợi của con người lên tài nguyên rừng ven biển, nhất là từ dòng người di cư. “Vùng ven biển Cà Mau như “túi chứa” dòng người di cư. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, đốn cây rừng làm nhà tạm, chặt cây đốt than hoặc làm ngư cụ đánh bắt thủy sản ven bờ. Thấy rõ những tác động của con người lên tài nguyên rừng ven biển vô tình tiếp tay cho tiến trình sạt lở diễn ra nhanh hơn, nhưng chính quyền tỉnh không thể “trục xuất” những người “ăn nhờ ở tạm” ấy về quê cũ. Vì thế, tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện song hành các giải pháp chống sạt lở trước mắt và chống sạt lở từ xa, nhằm giảm đến mức thấp nhất tác động của cư dân lên tài nguyên rừng ven biển”, đồng chí Tô Quốc Nam nói.

Theo các nhà khoa học, hai “thủ phạm” chính gây ra tình trạng sạt lở ở ĐBSCL là việc xây dựng đập thủy điện, hồ chứa trên dòng chính sông Mê Công và hoạt động khai thác cát quá mức. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL cho biết, theo dự báo khi có thêm 11 đập thủy điện ở phía hạ lưu thì lượng phù sa (hiện nay đã giảm 50%) sẽ giảm thêm 50% nữa, nghĩa là chỉ còn bằng 25% lượng cũ, trước năm 1992. Nguồn cát dưới đáy sông cũng sẽ bị mất hoàn toàn. Trong tương lai, không còn một hạt cát, một viên sỏi nào về đồng bằng trong khi nhu cầu sử dụng và khai thác cát ngày càng tăng, vượt quá khả năng của tự nhiên, sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Trong vòng 15 năm qua, trên con sông Tiền và sông Hậu ở đồng bằng đã mất đi hơn 200 triệu tấn cát, làm cho đáy sông hạ thấp bình quân 1,3 m. Sạt lở diễn biến trên diện rộng là do tình trạng mất cân bằng phù sa, nhất là cát. “Căn nguyên sâu xa hơn để giải thích nguyên nhân gây sạt lở trên diện rộng ở ĐBSCL là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Đó là sự giảm phù sa mịn, phù sa lơ lửng trong nước và giảm cát, do các thủy điện chặn phù sa và do khai thác cát ở các quốc gia trên sông Mê Công. Sự thiếu hụt phù sa sẽ gây mất cân bằng hệ thống làm cho khuynh hướng sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng hơn”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết.

PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) cho rằng, ĐBSCL được bồi đắp từ phù sa, cát và trầm tích do quá trình bồi lắng mạnh hơn quá trình xói lở. Cát đi đến ĐBSCL đôi khi mất hàng chục đến hàng trăm năm. Mất thời gian rất dài bồi lắng như thế, nhưng chỉ khai thác hai chục năm là mỏ cát biến mất. Không có cát bồi đắp thì sạt lở bờ sông, bờ biển gia tăng. Cũng theo lý giải của PGS, TS Lê Anh Tuấn, nước lũ mà có nhiều phù sa thì chảy chậm hơn. Giờ phù sa ít đi hoặc không có thì “nước đói phù sa”, vận tốc dòng chảy nhanh hơn.

Hành động trước khi quá muộn

Nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, ĐBSCL được biết đến như một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của các dự án thủy điện đang triển khai ở thượng nguồn. Tác động của các dự án hồ chứa trên dòng chính cùng các hiệu ứng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã tạo nên mối đe dọa cho vùng sản xuất nông nghiệp trù phú này. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng: Cùng với tác động tiêu cực của các dự án xây dựng các đập thủy điện và chuyển dòng trên thượng nguồn sông Mê Công thì những vấn đề nội tại cũng cần được giải quyết thấu đáo. Trong đó, những hạn chế trong quản lý đối với việc khai thác tài nguyên, cụ thể là cát sông và nước ngầm đã tạo ra những tác động địa chất cực đoan. “Cần tăng cường quản lý việc khai thác cát. Về lâu dài, việc thiếu phù sa, cát sỏi khó có gì chống đỡ được, tình hình sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn”.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, nhiều địa phương đã có những giải pháp công trình và phi công trình. Tỉnh Kiên Giang đã và đang thực hiện một số dự án như: Đầu tư nâng cấp đê biển từ Mũi Nai (thị xã Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (huyện An Minh); khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển; quản lý tổng hợp vùng bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển tỉnh Kiên Giang. Trong đó, dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang bước đầu phát huy hiệu quả, tác dụng tích cực trong ngăn chặn sạt lở bờ biển, ứng phó tốt với sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu. Trên đoạn bờ biển An Biên - An Minh, từ Mũi Rãnh đến rạch Tiểu Dừa dài khoảng 60 km, tỉnh Kiên Giang triển khai dự án, đến nay đã trồng được 290 ha rừng mắm khu vực bãi bồi ven biển và 88 ha rừng đước khu vực giao khoán cho hộ dân. Dự án gây bồi tạo bãi trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển xã Nam Thái, huyện An Biên đã trồng 35 ha rừng mắm.

Trước tình trạng sạt lở đê kè ven biển tại tỉnh Bạc Liêu ngày càng nghiêm trọng và đáng báo động, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Dương và Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung đã chỉ đạo thống nhất chọn phương án sử dụng cấu kiện Tetrapod cản, phá sóng gần bờ và thiết kế khắc phục đoạn sạt lở G1 kè Gành Hào, do Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam tư vấn. Từ năm 2010, cơ quan chuyên trách về đê điều của tỉnh Cà Mau đã nghiên cứu và ứng dụng thành công giải pháp kè ly tâm (kè ngầm tạo bãi) được xây dựng bằng hai hàng cột bê-tông, sau đó cho đá hộc (đá 4x6cm) vào bên trong bảo đảm nguyên lý chắn sóng từ xa. Loại kè này cho phép nước biển đi qua, mang phù sa vào bên trong gây bồi tự nhiên.

Sau khi thử nghiệm thành công, UBND tỉnh Cà Mau cho triển khai đại trà tại những vị trí sạt lở sâu, cấp bách nhưng không còn đai rừng phòng hộ. Đến nay, đã có khoảng 17 km kè ly tâm được xây dựng tại những điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Hiện tại, bên trong nhiều đoạn kè, bãi bồi đã dày lên khoảng 2 m, lấn ra bên ngoài chân kè. Đây là điều kiện lý tưởng để cây rừng tái sinh, phát triển trở lại. Kết hợp với công tác trồng rừng từ địa phương, chỉ vài ba năm sau, bên trong những hàng kè ly tâm sẽ hình thành thảm thực vật ngập mặn dày đặc, đủ sức đương đầu sóng dữ, bảo vệ tốt tuyến đê bên trong. Công nghệ ứng phó sạt lở hiệu quả đã có nhưng hạn chế lớn nhất là chi phí, khoảng 30 tỷ đồng/km thời điểm mới ứng dụng. Cái khó lớn nhất là bờ biển Cà Mau quá dài, có rất nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng cho nên tỉnh chỉ ưu tiên xây dựng các công trình chống sạt lở ở những nơi cấp thiết.

Góp phần phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông hiệu quả, thời gian qua, tỉnh Cà Mau thực hiện giải pháp di dân, bố trí tái định cư. Theo Quy hoạch tổng thể bố trí dân cư cho giai đoạn 2006 - 2015 mà UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành xây dựng 35 cụm, tuyến dân cư mới trên địa bàn tám huyện, với tổng diện tích hơn 945 ha. Khi hoàn thành, tổng số dân được bố trí, ổn định chỗ ở mới là 13.873 hộ. Trong đó, ổn định tại chỗ 5.142 hộ, di chuyển từ ngoài vào vùng dự án 8.731 hộ. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn hỗ trợ từ T.Ư còn hạn chế, cho nên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới bố trí được hơn 1.500 hộ ở các vùng nguy cơ thiên tai cao vào các điểm, khu dân cư sinh sống ổn định.

* Bài 1: Vùng châu thổ đang biến dạng

-----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22-8-2018.