Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, văn đàn Việt Nam phải gánh chịu những mất mát quá lớn. Vừa tiễn biệt cây bút truyện ngắn xuất sắc Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ tài hoa Hoàng Nhuận Cầm và bây giờ lại đến tiểu thuyết gia Nguyễn Xuân Khánh (trong ảnh).

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, sinh năm 1933, quê gốc xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Truyện ngắn đầu tay Một đêm của ông được giải nhì của Tạp chí Văn nghệ Quân đội trong cuộc thi viết về đề tài người lính trong hòa bình. Những truyện ngắn viết trong thời gian này được tập hợp lại in thành tập Rừng sâu (năm 1963). Năm 1983, ông nghỉ hưu non, về làm thợ may và việc nhà. Tuy rời xa trường văn trận bút nhưng ông vẫn âm thầm nung nấu những dự định sáng tạo và say mê viết. Năm 2000, ông gửi cuốn tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly tham dự cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức và đoạt giải nhất. Ðây là cuốn tiểu thuyết về một nhân vật có thật trong lịch sử vừa cướp ngôi nhà Trần, vừa cách tân táo bạo, nhưng lại để đất nước rơi vào tay quân Minh xâm lược. Công và tội của nhân vật này rất khó đánh giá. Tác phẩm này chứa đựng trong đó là công phu và tâm huyết của một cây bút cần mẫn có nhiều tìm tòi nghệ thuật, luôn luôn trăn trở với cuộc đời và lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly được xuất bản là một dấu ấn quý giá dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Với tác phẩm này, Nguyễn Xuân Khánh đã tiến hành đối thoại/minh định lại những thông tin sử học về một nhân vật được liệt vào loại phức tạp nhất trong lịch sử. Ông giải mã và thực hiện cuộc "chiêu tuyết" nhân vật bằng diễn ngôn nghệ thuật của mình. Tiếp theo, năm 2006, tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn được ông viết về làng Cổ Nhuế. Ðây là "biến thể mới" của cuốn tiểu thuyết Làng nghèo được nhà văn viết từ năm 1959. Mẫu thượng ngàn có khả năng khái quát lớn bởi nhân vật không chỉ đơn thuần là những số phận riêng lẻ hay một lớp người cụ thể mà là cả cộng đồng, là dân tộc Việt và nền văn hóa Việt. Viết về những phong tục tập quán, những lễ hội dân gian, về tín ngưỡng, tâm lý của người Việt, sức nặng tư tưởng của tác phẩm dồn chứa trong những suy tư trăn trở để lý giải vì sao một dân tộc nhỏ bé lại có sức sống bền bỉ và mạnh mẽ, tồn tại qua hàng nghìn năm đến như vậy. Cuốn tiểu thuyết được viết hấp dẫn, sinh động, cách kể chuyện linh hoạt, thể hiện vốn sống dồi dào và bút lực mạnh mẽ của nhà văn. Với hai cuốn tiểu thuyết tiêu biểu nói trên, bạn đọc thấy ông là nhà văn rất quan tâm đến lịch sử và văn hóa Việt. Ðó chính là hai điều cốt lõi làm nên dấu ấn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lừng lững ở tuổi quá thất thập.

Vào thập niên đầu thế kỷ 21, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại có cuốn tiểu thuyết Ðội gạo lên chùa, khắc họa sâu sắc nét đẹp của văn hóa Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc. Cuốn tiểu thuyết được viết theo lối cổ điển, sâu sắc, sống động, giàu sức thuyết phục, mang tính luận đề về ảnh hưởng của Ðạo Phật - một tôn giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa Việt. Vốn tâm đắc với bài thơ Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông, ông đã chọn bốn câu thơ làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết lịch sử - văn hóa đặc sắc của mình:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch,

Ðối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.

Nguyễn Xuân Khánh đã trở thành một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam đương đại với ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Ðội gạo lên chùa. Nhà văn nhận được nhiều giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội,… Sách của ông liên tiếp được tái bản và luôn được đón nhận nồng nhiệt. Ðó là kết quả sáng tạo của một nhà văn đầy tâm huyết, biết vượt lên mọi khó khăn để tận hiến với nghệ thuật. Người đọc có thể tiếp cận Nguyễn Xuân Khánh từ nhiều góc độ khác nhau nhưng dễ dàng nhận thấy trong diễn ngôn nghệ thuật của ông những suy tư bất tận về lịch sử và văn hóa. Tính đối thoại, trí tưởng tượng phong phú, những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ hưng phế của các triều đại, những ba động của cuộc đời làm xô lệch biết bao số phận cùng cảm hứng hướng thiện đã lay thức người đọc sự đồng cảm sâu sắc. Ðọc tác phẩm của ông, độc giả có dịp thưởng thức những vẻ đẹp đầy chất thơ của thiên nhiên, phong tục, những lễ hội say mê của văn hóa dân tộc và hiểu thêm sự sâu sắc của triết lý làm người, sự huyền vi của cuộc sống. Bằng sự đam mê và lão luyện của mình, Nguyễn Xuân Khánh không chỉ phục dựng lịch sử mà quan trọng hơn, ông còn là người đối thoại, và chạm đến khát vọng sâu xa của lịch sử.

Nhân dịp nhà văn tròn 80 tuổi, Viện Văn học và Nhà xuất bản Phụ Nữ phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Xuân Khánh với tên gọi Lịch sử và văn hóa - Cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh. Trong dịp này, tôi có vinh dự được trò chuyện cùng ông về cốt cách trí thức trong ngòi bút của nhà văn. Ông quan niệm, người trí thức phải biết dũng cảm vượt lên những gì bình thường, dũng cảm trong những tìm tòi đơn độc mà chưa chắc lúc đầu đã được thông cảm. Trí thức là những người có sứ mệnh đi tìm sự thật... Ðằng sau những trang viết của ông thấm đượm một lời kêu gọi tha thiết, chống lại sự giả dối và cố gắng tìm đến sự thật.

Khi nhà văn Nguyễn Xuân Khánh biết có một cuộc hội thảo về mình được tổ chức như vậy, ông không giấu nổi niềm tự hào xen lẫn sự băn khoăn, e ngại và từng bày tỏ với chúng tôi rằng liệu làm như vậy với các tác phẩm của ông có to tát quá không?! Ðó chỉ là một chi tiết nhỏ cho thấy tính cách khiêm nhường, giản dị nơi một tác giả lớn. Văn chương của ông thì sắc sảo, quyết liệt là vậy, nhưng ngoài đời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khiến cho bất cứ ai gặp ông cũng có thiện cảm bởi sự hiền lành, nhỏ nhẹ, nụ cười đôi khi bẽn lẽn. Văn cũng như người, vậy nên không phải vô cớ mà đồng nghiệp của tôi gọi Nguyễn Xuân Khánh là "ông Phật văn".

Bài: PGS, TS LƯU KHÁNH THƠ,
Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN