Về một nền văn học, nghệ thuật mà ta mong muốn

LTS - Hội thảo khoa học toàn quốc "Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại" do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức vừa kết thúc ở tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi xin trích giới thiệu bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải về vấn đề này từ góc nhìn của người sáng tác.

Một nền văn học, nghệ thuật mà ta mong muốn, theo đó những tác phẩm nghệ thuật từ văn chương, hội họa, điêu khắc, sân khấu, thi ca,… đều hướng con người vươn tới cái đích nhân văn, cao thượng. Nhưng trước hết, nó phải đạt tiêu chí nghệ thuật, chứ không thể là những hình tượng tầm thường. Xét cho cùng, thời nào cũng vậy, ở phương trời nào cũng vậy; Ðông hay Tây thì mọi giá trị nghệ thuật đều chung một chân lý. Nghĩa là nó (nghệ thuật) trước hết phải đem lại mỹ cảm cho người thưởng thức, để nuôi dưỡng cảm hứng cho họ tiếp tục khám phá tác phẩm. Từ đó tác phẩm giúp người đọc soi chiếu lại bản thân mình, kích thích người đọc phấn đấu vươn tới cái cao cả.

Tác phẩm văn học không phải là loại sách dạy về đạo đức, không cầm tay chỉ việc như sách giáo khoa. Nhưng qua các hình tượng nghệ thuật, nó kích thích sự liên tưởng khiến người đọc từ bỏ cái vô minh, để vươn tới cái sáng sủa minh triết. Vậy là tác phẩm văn học - nghệ thuật đích thực chứa đựng tính tư tưởng và cả tính đạo đức.

Mong mỏi có những tác phẩm văn học - nghệ thuật như trên, là khát vọng của công chúng. Ðương nhiên, giới nghệ sĩ cũng nuôi hoài bão làm ra tác phẩm để đời, nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu nghệ thuật. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế là một khoảng cách khá xa.

Những tác phẩm lớn thường được sáng tạo bởi các tài năng lớn, tư tưởng lớn, nhân cách lớn - những người dám dấn thân, gan góc vượt lên tất cả, bỏ qua những thứ danh lợi tầm thường. Người xưa đánh giá rất cao những bậc tài đức phi thường này: "Thùy năng thế thượng vong danh lợi. Tiện thị nhân gian nhất hóa công". Nghĩa là ở đời, người nào bỏ qua được vòng danh lợi thì người đó được xem như một đấng hóa công trong cõi nhân gian.

Nghệ sĩ thiên tài và những danh phẩm bất hủ do họ tạo ra là vô cùng quý hiếm. Tác phẩm văn chương bình thường với tác phẩm văn chương đỉnh cao, có thể ví như kim cương với sắt thép. Mỗi năm ngành công nghiệp luyện kim toàn thế giới có thể sản xuất ra cả tỷ tấn sắt thép. Nhưng ngành khai thác kim loại quý hiếm, khai thác được bao nhiêu tấn rubi, bao nhiêu ki-lô-gam kim cương? Rõ ràng là tác phẩm nghệ thuật đích thực còn hiếm hơn cả kim cương, hiếm hơn cả lông rùa, sừng thỏ.

Lại xem mỗi năm, ngành xuất bản nước ta in bao nhiêu đầu sách vừa mới được các nhà văn sáng tác. Thử hỏi, trong số sách ấy, và cả hàng loạt sách xuất bản những năm trước đó, có bao nhiêu tác phẩm còn đọng trong lòng người đọc, và đôi khi họ vẫn có nhu cầu tìm đọc lại?

Ðã có một thống kê khoa học, khi một tác phẩm ra đời, nếu từ 3 đến 5 năm sau không được tái bản, tác phẩm đó coi như "đã chết". Thật ra, nhiều tác phẩm có tuổi thọ vô cùng ngắn ngủi, nó bị khai tử ngay từ khi vừa mới được khai sinh.

Thế mới biết, không lĩnh vực nào mà công chúng có sự đánh giá khắc nghiệt như lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Và cũng không lĩnh vực nào sự cạnh tranh lại khốc liệt như lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Và cũng chính trong lĩnh vực này, người nghệ sĩ dễ tổn thương nhất. Tuy nhiên, cũng không lĩnh vực nào được đời tôn vinh một cách vô tư, chân thành và cao thượng như lĩnh vực văn chương, nghệ thuật. Thường những tác phẩm văn học và nghệ thuật một khi đã vươn tới đỉnh cao, tuổi thọ của nó dường như là vĩnh cửu.

Thử xem những loại danh tác bất hủ như Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ, Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn (bản dịch nôm của Ðoàn Thị Ðiểm), Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, thơ Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan… (đó là chưa kể đến những kiệt tác thơ văn thời Lý - Trần). Trong khoảng mấy trăm năm nay, giá trị các tác phẩm cổ điển này cứ ngày một khẳng định, công chúng vẫn tiếp tục tìm đọc. Ðúng như Phương đình Nguyễn Siêu đã đưa ra một một câu nói tựa như một danh ngôn bất hủ về định giá văn chương: "Văn chương có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại văn chương vì con người. Loại không đáng thờ là loại văn chương không vì con người". Thật ra trong văn chương, loại không đáng thờ, không chỉ nó không vì con người như cụ Nguyễn Siêu nói, mà suy cho cùng, nó còn làm hại con người, làm băng hoại đạo đức và nhân cách, phá hoại nền tảng nhân văn của xã hội. Và sức lan tỏa của loại văn chương độc hại này đôi khi còn tăng trưởng tới cấp số nhân. Vì vậy phải có cơ chế để ngăn ngừa những tác phẩm loại này, bao hàm cả những tác phẩm trong nước và tác phẩm dịch của nước ngoài.

Một nền văn chương lành mạnh, sẽ góp phần đắc lực cho văn hóa đọc, lôi cuốn mọi người vào sinh hoạt lành mạnh, từ đó nó thẩm thấu vào nhận thức, từ nhận thức chuyển qua hành động. Ngược lại, nếu một nền văn học, nghệ thuật không lành mạnh cũng gây tác hại ghê gớm, nó làm băng hoại đạo đức, làm tổn thương lòng trắc ẩn của con người vốn là hướng thiện.

Ðiều nguy hiểm là những cái xấu xa, giả dối kia không hiển thị cho mọi người nhìn thấy như ta nhìn vào bảng sắp mầu, mà nó lẩn trong các hình tượng. Và nếu như người viết có ngụy tài, lại chủ tâm lừa mị, thì người đọc bình thường rất khó nhận ra, để nó cuốn đi, tới lúc bình tĩnh nhìn lại thì đã quá muộn.

Đáng mừng là nền văn học ở nước ta đang dần trở lại theo khuynh hướng lành mạnh hóa, đó là dòng chủ lưu, cho dù vẫn còn những tác phẩm vô bổ, cả những tác phẩm có yếu tố gây hại.

Nhìn vào thành tựu văn học những năm gần đây, và một số trong đội ngũ các nhà văn Việt Nam hiện nay, cho ta quyền hy vọng. Một loạt tác giả sinh vào các thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20, đang viết rất sung sức. Có một điều hết sức đáng mừng là trong lịch sử phát triển văn chương ở nước ta từ đầu thế kỷ 20 lại đây, chưa bao giờ đội ngũ những người viết tiểu thuyết lịch sử lại đông đảo như hiện nay.

Nếu so với các bậc tiền bối, thì hiện nay đội ngũ các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đang nở rộ và cũng đang độ chín. Hàng loạt tác phẩm đến với bạn đọc trong vài chục năm nay cứ tiếp nối dài dài. Ðiều đáng ghi nhận là nửa đầu thế kỷ 20, các nhà văn lớp trước, gọi là viết về lịch sử, nhưng các tác giả mới chỉ điểm qua thời đại Lý - Trần, tác phẩm gọi là tiểu thuyết đúng nghĩa chẳng được là bao, mà cũng chỉ thoáng qua vài ba nhân vật lịch sử. Phần nhiều các tác giả khai thác vào thời Lê, Nguyễn. Nhưng tới nửa cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, thì quy mô tiểu thuyết đã bao quát tới bốn thế kỷ và xuyên suốt hai thời đại Lý - Trần. Sang đầu thế kỷ 21, các tác giả lấp đầy các khoảng trống, từ đầu thiên niên kỷ với cuộc khởi nghĩa giành độc lập của Hai Bà Trưng, tiếp đến Lý Nam Ðế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Ðinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Gia Long… tới thời đại ngày nay. Ðúng là mùa gặt hái tiểu thuyết lịch sử chưa từng thấy.

Hãy khoan bàn đến chuyện chất lượng của từng tác phẩm văn học viết về lịch sử. Và lý giải tại sao lại có hiện tượng nhiều nhà văn quay về đề tài lịch sử. Ðiều này chắc chắn có nguyên nhân xã hội rất sâu sắc. Nhưng hãy tạm chưa bàn tới việc này. Chỉ biết viết tiểu thuyết lịch sử là điều hoàn toàn không dễ. Và sự cố gắng giải mã lịch sử bằng văn chương, dù dưới hình thức dã sử hay chính sử đều rất đáng trân trọng.

Trên đây là xác định về nội hàm các giá trị văn học, nghệ thuật trong không gian hiện hữu. Phải thừa nhận nền văn học của chúng ta đang chuyển mình một cách khó nhọc, đang hướng tới mục tiêu đích thực của văn chương.

Hà Nội, ngày 1-12-2020