Trưởng thành, tỏa sáng nhờ tài năng pi-a-nô

Là một trong những dấu ấn đặc biệt trong hoạt động biểu diễn của năm 2020, chương trình hòa nhạc trực tuyến "VNSO Online Concert 2020" thu hút khá đông khán giả yêu nhạc cổ điển. Ngoài các thành viên của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, sự xuất hiện của tài năng trẻ pi-a-nô Phạm Lê Phương (15 tuổi), từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, là điểm nhấn mang lại những ấn tượng, cảm xúc tốt đẹp.

Phạm Lê Phương trong một chương trình nghệ thuật.
Phạm Lê Phương trong một chương trình nghệ thuật.

Gia đình Phạm Lê Phương có truyền thống âm nhạc, bố là nhạc sĩ Anh Thông, mẹ là ca sĩ Mai Dung đang công tác tại Ðoàn Văn công Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi thấy con gái mới bốn tuổi, đã bộc lộ khả năng cảm thụ và yêu thích âm nhạc, vợ chồng nhạc sĩ Anh Thông quyết định cho con học đàn pi-a-nô. Tiến sĩ, nghệ sĩ pi-a-nô Ðào Trọng Tuyên là người dạy dỗ, dìu dắt Phạm Lê Phương trên chặng đường đầu tiên với âm nhạc cổ điển. Nghệ sĩ Ðào Trọng Tuyên cho biết, sau nhiều năm tu nghiệp tại Ca-na-đa chuyên ngành pi-a-nô, ông về nước với bộ giáo trình công phu, hy vọng sẽ ứng dụng hiệu quả vào quá trình đào tạo học sinh trong nước theo chuẩn quốc tế. Phạm Lê Phương là cái tên đánh dấu thành công từ giáo trình và tâm huyết của thầy giáo. Cô học trò hoàn thành chương trình học chỉ trong sáu tháng, thay vì một năm theo quy chuẩn.

Ngoài tố chất, định hướng từ gia đình, niềm đam mê âm nhạc cổ điển đã giúp cô bé chinh phục nhiều thử thách mà bạn bè cùng trang lứa chưa làm được. Năm 2013, khi mới tám tuổi, Phạm Lê Phương tham gia cuộc thi "Festival Piano CEG" và xuất sắc giành giải nhất bảng B. Chín tuổi, cô bé đỗ hệ trung cấp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với số điểm thủ khoa: 9,5/10. Sau bước khởi đầu khả quan, Phạm Lê Phương liên tục đạt thành tích xuất sắc ở các kỳ học. Sân khấu, các cuộc thi âm nhạc cổ điển trong nước và quốc tế là cơ hội để tài năng trẻ này cọ xát, trưởng thành. Tính đến thời điểm hiện tại, nghệ sĩ trẻ đã giành nhiều giải thưởng uy tín, như: Giải nhất bảng A Festival pi-a-nô CEG (Hà Nội), giải nhất bảng A cuộc thi Pi-a-nô quốc tế Mô-da lần thứ 7 tại Thái-lan năm 2017 và giải nhất bảng B cuộc thi Âm nhạc mùa thu tại Việt Nam năm 2019. Tháng 9-2020, Phạm Lê Phương theo học tại Colburn Music Academy, thành phố Lốt An-giơ-lét, bang Ca-li-pho-ni-a (Mỹ) với 100% học bổng và trở thành một trong những "hạt giống" pi-a-nô Việt Nam đủ khả năng chinh phục môi trường quốc tế.

Công việc bận rộn, vợ chồng nhạc sĩ Anh Thông vẫn thay nhau chăm sóc, dạy dỗ và đưa con đến lớp. Ðể bảo đảm con học văn hóa vào ban ngày và học đàn vào buổi tối, anh chị phải cân nhắc, sắp xếp thời gian, sinh hoạt theo từng giờ. Nhờ thế, Phạm Lê Phương không chỉ giỏi đàn mà còn xuất sắc trong các môn học văn hóa. Khả năng tiếng Anh và phong thái tự tin, đáng yêu của cô bé khiến nhiều người nước ngoài là thành viên Ban giám khảo trầm trồ, cảm mến. Em gái của Phạm Lê Phương, bé Phạm Phương Lê năm nay tám tuổi cũng đã bộc lộ tố chất âm nhạc.

Hơn 10 năm gắn bó với pi-a-nô, Phạm Lê Phương chia sẻ, mỗi dịp bước vào các cuộc thi âm nhạc quốc tế, đối diện với những thí sinh lớn hơn mình về hình thể, độ tuổi, đôi khi em cũng có "choáng ngợp". Phạm Lê Phương cho rằng, để biểu diễn hoặc thi đấu tốt, người nghệ sĩ cần tập trung, thả tâm hồn vào bản nhạc, lắng nghe tiếng đàn vang lên trong không gian để có sự điều chỉnh một cách tinh tế, sao cho phần biểu diễn chuẩn mực mà vẫn thăng hoa. Phạm Lê Phương rất ủng hộ các chương trình hòa nhạc trực tuyến như "VNSO Online Concert 2020" bởi đó không chỉ là giải pháp ở thời điểm dịch Covid-19 mà còn là xu hướng chung của thế giới nhằm đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả. Nghệ sĩ trẻ nhận định, âm nhạc cổ điển giúp tâm hồn con người trở nên sâu lắng, trong trẻo và bản thân Phạm Lê Phương cũng nhận được nhiều bài học quý về lòng biết ơn, vị tha qua âm nhạc.