Thiệt cả đôi đường

Bà Vụ dậy sớm bày biện quán bánh mì sáng. Ở hàng bên, bà Mừng cũng loảng xoảng xoong nồi chuẩn bị bún riêu. Hai nhà ở sát vách, cùng bán hàng ăn sáng. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, hàng bán thuận lợi, hai nhà thường hỗ trợ nhau những công việc lặt vặt. Lúc đông khách, người ngồi ăn còn xen kẽ sang các dãy ghế của nhau. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc làm ăn không được “xuôi chèo, mát mái”; nhiều thời điểm quán xá cửa đóng then cài im ỉm. May là vài tuần nay, tình hình đã yên ổn hơn, hàng quán lại được mở cửa lại, khung cảnh phố xá có phần rục rịch, tấp nập hơn làm ai cũng mừng.

Mẻ trứng rán trong quán bà Vụ dậy mùi thơm lừng. Nồi nước riêu cua bên cửa hàng bà Mừng cũng đang sôi ùng ục, tỏa hương nghi ngút. Một người đàn ông ăn vận giản dị dừng xe máy bên vỉa hè, nhưng vẫn lưỡng lự chưa vào quán như có ý chọn lựa. Thấy thế, bà Vụ ngó ra lên tiếng mời đon đả: “Chú gì ơi, vào ăn bánh mì nhé!”. Người đàn ông đưa mắt nhìn ổ bánh mì nóng hôi hổi, chưa đồng ý thì bà Mừng đã vội vẫy tay xởi lởi: “Vào quán chị đi, trời lạnh thế này, làm bát bún cho ấm bụng!”. Nghe chừng bùi tai, người đàn ông quay gót rảo bước sang quán của bà Mừng. Từ sáng tới giờ, chờ đợi sốt ruột chưa có người vào mở hàng, giờ lại bị bà bạn hàng bên chèo kéo khách, bà Vụ ấm ức “đá thúng đụng nia” lục cục, rồi cất giọng ám chỉ vu vơ. Đang dở tay chan nước bún cho khách, nghe thế, bà Mừng quay sang ráo hoảnh văng ra vài câu khó nghe. Chỉ đợi có thế, bà Vụ liền đáp trả, cứ thế cuộc đấu khẩu mỗi lúc một ồn ào. Vị khách ngồi đợi ăn bún, thấy hai bên to tiếng nên có vẻ khó chịu, đứng dậy bỏ đi. Cuộc cãi vã vẫn tiếp tục, chẳng ai chịu ai khiến khách khứa cũng chẳng còn ngó ngàng vào ăn.

Đi mua thêm chút đồ ở ngoài chợ về, chị Vân, con gái bà Vụ, thấy mẹ cãi nhau với hàng xóm vội can ngăn: “Khổ quá, con xin mẹ, có gì chia sẻ dàn xếp với nhau, sáng ra đã thế này thì hàng họ bán chác thế nào”. Rồi chị nhẹ nhàng khuyên can mẹ phải bình tĩnh, “buôn có bạn, bán có phường” cùng hàng phố sát vách nhau vui vẻ, đoàn kết thì làm ăn càng thuận lợi. Chưa thật sự thoải mái trong lòng, nhưng nghe con gái nói, bà Vụ cũng ít nhiều hạ hỏa. Ngồi trầm ngâm đợi khách, bà phần nào thấy cô con gái nói có lý. Nhà mình bán bánh mì, nhà bên bán bún chẳng cạnh tranh cùng mặt hàng, khách ăn gì là tùy ý thích của người ta, chả thể nào ép được. Thôi thì lộc vào nhà ai nhà đó hưởng. Có khi biết bảo ban, giúp đỡ nhau, khách thấy đồ ăn ngon, chủ quán thân thiện thì họ bảo nhau đến khu này ăn đông hơn. Nghĩ vậy, bà Vụ chủ động sang làm lành với bà Mừng cũng đang ngồi ngóng khách. Trước thái độ thiện chí của hàng xóm, bà Mừng cũng cảm thấy áy náy vì ít nhiều có mời chào co kéo khách bèn cất lời xin lỗi lại. Không khí giữa hai nhà trở lại yên ả, rồi lát sau cũng thấy lục tục khách khứa ra vào cả hai bên. 

Thế mới biết, đôi khi một chút suy nghĩ nông nổi chỉ vì cái lợi nhỏ nhen trước mắt mà thiếu kiềm chế đã gây ra rắc rối dẫn đến “thiệt cả đôi đường” vừa mua bực bội, vừa thua thiệt trong công việc làm ăn, buôn bán.