Quảng Nam phát triển du lịch bền vững

Nằm ở khu vực duyên hải miền trung, Quảng Nam có bờ biển thoai thoải, dài hơn 125 km từ giáp Đà Nẵng đến giáp Quảng Ngãi, với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó có hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu di tích đền tháp Mỹ Sơn, cùng khu dự trữ sinh quyển cù lao Chàm. Đây là những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông khách du lịch, tạo nguồn thu và nhiều việc làm. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cũng đang đặt ra nhiều vấn đề về bảo tồn các giá trị văn hóa và không phá vỡ môi trường sinh thái…

Một góc phố cổ Hội An.
Một góc phố cổ Hội An.

Tăng cường đầu tư hạ tầng, tạo sản phẩm

Có lẽ ai từng đến Hội An cách đây chừng mười năm, giờ trở lại hẳn sẽ thấy nơi đây thay đổi rất nhiều. Trong chuyến tham quan Hội An dịp đầu Xuân Canh Tý, nhiều du khách trong nước và quốc tế tỏ ra ngạc nhiên và rất thích thú khi tản bộ trên các tuyến đường nho nhỏ, uốn quanh khu phố cổ trong bình minh đang lên hay đạp xe xuống vùng biển Cửa Ðại trong những buổi chiều tà. Các cơ sở lưu trú, dịch vụ được xây dựng ngày càng khang trang, tiện ích hàng hóa trên các tuyến phố cổ cũng phong phú hơn. Dù lượng du khách tăng lên gấp nhiều lần, nhưng người Hội An vẫn giữ được phố cổ bình yên, thân thiện và mến khách.

Ðấy là một trong những thành công bước đầu của Quảng Nam về lĩnh vực du lịch. Và thành công đầu tiên của Quảng Nam chính là biết chớp cơ hội trong thu hút đầu tư. Ngay sau khi khu phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa (DSVH) thế giới, Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác định du lịch là ngành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Vào năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; qua đó, thúc đẩy du lịch theo đúng định hướng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau khi điều chỉnh quy hoạch, tỉnh đã tranh thủ các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó, dự án cầu Cửa Ðại và tuyến đường ven biển nối từ TP Ðà Nẵng - Hội An nối vùng đông Quảng Nam rồi kéo dài vào tận huyện Núi Thành (tiếp giáp với Dung Quất, Quảng Ngãi) đã tạo ra bước đột phá du lịch ở phía nam Hội An như các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và Tam Kỳ. Các dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí ven biển như: nam Hội An (tại huyện Duy Xuyên), khu vui chơi giải trí Vinpearl Land nam Hội An (ở huyện Thăng Bình) rồi khu quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng (TP Tam Kỳ)… đã bước đầu kéo du khách vào phía nam của tỉnh, đồng thời giảm áp lực cho khu phố cổ Hội An.

Quảng Nam phát triển du lịch bền vững ảnh 1

Du khách tham quan khu phố cổ Hội An dịp giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 .

Ðiều đáng nói là trước đây do cơ sở lưu trú tại địa bàn chưa đáp ứng, nên du khách vào Hội An tham quan, sau đó lại quay ra Ðà Nẵng để ngủ. Nhưng từ khi hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối với các điểm du lịch, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khách sạn, resort cao cấp, đủ tiện nghi để đáp ứng nhu cầu du khách. Theo thống kê của ngành du lịch, đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 730 cơ sở lưu trú, với 13.860 phòng; trong đó, 190 khách sạn, 326 homestay, 215 biệt thự dành cho khách du lịch. Hiện toàn tỉnh có khoảng 90 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành; trong đó, 60 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế. Năm 2019, Quảng Nam đã thu hút hơn 7,6 triệu lượt khách (tăng 17% so với năm 2018), với tổng thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14 nghìn tỷ đồng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong những năm gần đây, ngoài việc tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh du lịch, Quảng Nam còn chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch. Bên cạnh việc làm mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đang khai thác có hiệu quả tại hai DSVH thế giới: Hội An, Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển thế giới cù lao Chàm, Quảng Nam còn đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch ở các điểm đến lân cận để giảm áp lực du khách lên khu di sản trong những mùa cao điểm. Trong đó, địa phương đầu tư phát triển các làng nghề gắn với du lịch như: rừng dừa Cẩm Thanh (Hội An), du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây (thị xã Ðiện Bàn); các điểm du lịch khám phá ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía tây của tỉnh như: Làng Bhờ Hôồng, làng Dhờ Rôồng (huyện Ðông Giang), làng dệt thổ cẩm Za-ra, thác Grăng (huyện Nam Giang), làng truyền thống Cơ-tu, vườn cây Pơ-mu (huyện Tây Giang)… Một số sản phẩm du lịch ở Hội An như: đêm phố cổ, phố đi bộ, phố không có tiếng động cơ… đã gây được nhiều ấn tượng với du khách. Trong đó, The Nam Hải được Tạp chí CondeNats Travaeller (Vương quốc Anh) bình chọn là khu nghỉ dưỡng và spa tốt nhất và sân gôn Montgomerie Links (tại thị xã Ðiện Bàn) được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong những sân gôn tốt nhất châu Á…

Ðổi mới tư duy làm du lịch

Thực tế cho thấy, từ khi hình thành và đưa vào khai thác, các điểm du lịch cộng đồng đã tạo ra không gian trải nghiệm thú vị cho du khách, tạo nguồn thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương, giảm được một phần áp lực lên các di sản.

Tuy nhiên, câu chuyện khai thác du lịch và giữ gìn các giá trị văn hóa của di sản ở Quảng Nam vẫn còn nhiều hạn chế, cần tiếp tục được khắc phục, tháo gỡ. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành du lịch còn bất cập, chất lượng quy hoạch còn hạn chế. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án du lịch triển khai chậm, hệ thống hạ tầng cho du lịch chưa được đồng bộ. Sức cạnh tranh của ngành du lịch còn bộc lộ nhiều điểm yếu, đa số các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch có quy mô nhỏ, sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn; thiếu các điểm tham quan nổi trội, nhất là các khu vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật và các dịch vụ về đêm… Công tác quản lý các điểm đến và môi trường du lịch còn nhiều bất cập; tình trạng đeo bám, ép khách… còn diễn ra tại nhiều nơi. Mặt khác, nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, việc đào tạo lao động của các trường chưa đáp ứng kịp nhu cầu của ngành du lịch; việc quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu đền tháp Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được quan tâm triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, chủ trương xuyên suốt của tỉnh từ trước đến nay là tiếp tục phát huy mọi nguồn lực để duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng du lịch theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 21. Ðó là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước; tiếp tục nâng cấp hạ tầng các khu vực có tiềm năng du lịch, nhất là ở khu vực Hội An, phía nam và phía tây của tỉnh; tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, cạnh tranh được với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Theo đó, Quảng Nam phấn đấu đưa du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, từ đó tạo ra động lực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, thúc đẩy Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững hơn trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ðể thực hiện được điều này, sắp tới, lãnh đạo tỉnh và ngành du lịch Quảng Nam sẽ tiếp tục đổi mới tư duy làm du lịch, coi ngành du lịch là ngành kinh tế dịch vụ, có khả năng đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo ra động lực cho các ngành khác và đem lại hiệu quả lớn cho xã hội. Trước hết, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện dự án quy hoạch và bảo tồn, phát huy giá trị khu đền tháp Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020 và Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DSVH thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2012-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thông tin - truyền thông, cấp thoát nước… bảo đảm đồng bộ để phục vụ du lịch.

Mặt khác, Quảng Nam sẽ tăng cường công tác quản lý môi trường, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; tiếp tục xây dựng, các sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh vượt trội và hấp dẫn về tài nguyên du lịch như: du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng biển, làng nghề, làng quê tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi phía tây của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật đa dạng, đặc trưng xứ Quảng… phục vụ nhu cầu du khách. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục đào tạo và nâng chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, sẽ có chính sách đào tạo nhân lực tại chỗ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân trong vùng dự án, cử cán bộ quản lý đi học ở nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp các trường và trung tâm đào tạo lao động cho ngành du lịch.

Quảng Nam cũng sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác với các địa phương trong phát triển du lịch; đẩy mạnh liên kết vùng: Quảng Nam - Ðà Nẵng - Thừa Thiên Huế, miền trung - Tây Nguyên, liên kết với các trung tâm du lịch lớn trong nước và liên kết với các ngành hàng không, thương mại, thông tin - truyền thông để tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư. Ðồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam trên trường quốc tế… Qua đó, thu hút du khách, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tạo ra sự đột phá cho kinh tế - xã hội tại địa phương.