Văn hóa và đạo đức

Nước mắt ngày đoàn tụ

Bà cụ gầy guộc, quần áo xộc xệch, đội mũ lụp xụp, đeo khẩu trang kín như bưng, tần ngần đứng trước ngôi nhà cũ có cánh cổng loang lổ.

Loanh quanh hồi lâu mà cụ vẫn không dám bấm chuông, cũng chẳng cất tiếng gọi. Ðang dở tay dọn dẹp, chị Loan ngó qua ô cửa chợt nhìn thấy, vội tất tả bước ra khẽ hỏi: "Xin lỗi, cụ tìm ai ạ!". Thấy chị Loan, bà cụ có vẻ bối rối, ngại ngùng, luống cuống quay lui. Trông dáng vẻ quen quen mà chưa kịp nhớ ra, chị Loan chạy theo níu giữ: "Cụ ơi, cháu có thể giúp gì cho cụ được không? Cụ cứ vào nhà cháu ngồi nghỉ chút đã!". Giọng nói thân thiện, ấm áp làm bà cụ yên tâm đứng lại. Mãi rồi cụ mới dám rụt rè bước trở vào nhà, từ tốn nhận chén nước tỏa hơi nghi ngút từ tay chị Loan. Khi bà bỏ chiếc nón lá che đầu, chị ngạc nhiên reo lên: "Trời ơi, mẹ ạ! Bao lâu nay con cất công đi tìm mẹ và nhà con mà không được!". Hai người nước mắt lưng tròng, mừng mừng tủi tủi…

Cách đây hơn 15 năm, chị Loan bước chân về nhà chồng. Lúc đó, anh Sắc, chồng chị chịu thương, chịu khó làm ăn. Vợ chồng có với nhau hai mặt con, chung sống hòa thuận cùng mẹ chồng là bà Mộng; còn bố chồng qua đời đã lâu. Thời gian đầu, cuộc sống của bố con, bà cháu êm ả. Cuối năm đó, vì nôn nóng làm giàu, chồng chị đua theo chúng bạn dốc hết tiền bạc rồi đi vay tiền ở các nơi để góp vốn buôn cây cảnh tại vườn mà chẳng có kinh nghiệm, kiến thức gì về lĩnh vực này. Trong khi anh phớt lờ lời khuyên của vợ thì bà Mộng cũng vào hùa với con trai quay sang mắng mỏ con dâu. Rốt cuộc, buôn bán lời lãi chẳng thấy đâu, chỉ biết do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, lại gặp thời tiết không thuận lợi mà cả vườn hoa, cây cảnh tàn lụi, héo úa; bao nhiêu vốn liếng "trôi sông, trôi biển". Cùng quẫn, phải gán nhà trả nợ vẫn chưa xong, cả nhà dắt díu nhau đi thuê chỗ ở, nay đây mai đó. Nợ nần rắc rối, trong khi đám chủ nợ thường xuyên lùng sục, đe dọa khiến anh Sắc thay tính đổi nết quay sang hắt hủi vợ con. Bà Mộng đôi lúc "đá thúng, đụng nia", đã cạnh khóe xúc xiểm con dâu còn cằn nhằn xúi giục con trai bỏ vợ, vì cho rằng chị Loan "nặng vía" cản trở sự nghiệp của chồng. Chị Loan đành gạt nước mắt đưa hai đứa con về nhà ngoại.

Khỏi phải nói những chuỗi ngày gian truân, trắc trở đối với mẹ con chị Loan. Chị tần tảo khuya sớm tìm việc làm kiếm tiền nuôi con ăn học, trưởng thành. Cũng nhờ bạn bè giúp đỡ một phần, bản thân chị cần mẫn nhận thêm hàng về gia công; sau nhiều năm chắt chiu, tằn tiện tích cóp, rồi vay mượn chuộc lại được ngôi nhà cũ. Con cái cũng đã trưởng thành, lúc này chị mới có thời gian đi tìm lại chồng và bà mẹ chồng. Dù sao, chuyện vợ chồng lỡ dở cũng chỉ là tức thời, bột phát, chị không nỡ để các con thiếu bố. Những lúc rảnh rỗi, chị rong ruổi khắp nơi tìm kiếm vào cả trong nam chỗ họ hàng mà vẫn không gặp được chồng và mẹ chồng. Vài lần, Sắc biết vợ đi tìm, nhưng cố tình tránh mặt bởi nỗi ngượng về những việc làm và thái độ của mình với vợ, với con trước đây. Có một thời gian, anh làm phụ hồ, song không may bị tai nạn phải bỏ việc, chỉ quanh quẩn với các quán nước ở nhà. Con trai ốm, bản thân già yếu, bà Mộng vẫn phải xoay xở ngoài chợ bán mớ rau, vại cà tự nuôi mình, nuôi con trai. Có lúc buồn tủi, bà ngỏ lời thúc giục con trai trở về với vợ con, nhưng Sắc ái ngại lắc đầu quầy quậy. Lần này, bà quyết tâm lặn lội trở về nơi ở cũ tìm gặp, may mắn thấy cô con dâu hiếu thảo, còn chung thủy nghĩa tình đợi chờ nên bà mừng lắm, vội vã dẫn mẹ con Loan đến gặp lại Sắc. Cuộc hội ngộ của bố con, bà cháu sau bao năm xa cách sụt sùi trong nước mắt.