Nữ giới Phật giáo với truyền thông hiện đại - thời cơ và thách thức

NDO -

Sáng 11-12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo (Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Nữ giới Phật giáo với lĩnh vực báo chí”. 

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề chính: Vai trò của truyền thông đối với Phật giáo; Nữ giới đối với Báo chí Phật giáo trong lịch sử; Nữ giới đối với Báo chí Phật giáo đương đại; Đóng góp của Nữ giới Phật giáo trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Từ đó, việc hiểu và sử dụng phương tiện truyền thông để truyền tải giáo pháp của đức Phật đến với mọi người được xem là một phương pháp truyền bá đạo pháp hiệu quả nhất trong thời đại đa phương tiện. Tuy nhiên, truyền thông luôn có hai mặt, tích cực và tiêu cực, tác động đến nhận thức và ứng xử của công chúng ở tất cả các phạm vi và cấp độ khác nhau, mà truyền thông Phật giáo cũng không phải là ngoại lệ.

Quá trình hội nhập quốc tế và các yếu tố của thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động đến mô hình truyền thông Phật giáo, một mặt càng nhấn mạnh thêm vai trò của truyền thông Phật giáo Việt Nam giai đoạn này, mặt khác, cho thấy những thời cơ và thách thức với hoạt động truyền thông Phật pháp hiện nay mà một trong những thách thức lớn là sự thiếu hụt đội ngũ hành nghề có đủ trình độ chuyên môn.

TS Bùi Thị Thủy, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Nữ giới Phật giáo trên thế giới nói chung và nữ giới Phật giáo Việt Nam nói riêng đã ngày càng thể hiện khả năng tiếp cận cũng như sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu để hoằng pháp, để đưa Phật giáo đến với mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.

Ở nước ta, nữ giới Phật giáo đã thể hiện khả năng linh hoạt và trí tuệ, vượt qua rào cản truyền thống, góp phần công sức đáng kể vào sự nghiệp xương minh Phật pháp. Trong lĩnh vực báo chí, nữ giới Phật giáo đã trải qua một hành trình dài: từ chỗ bị động, nhỏ lẻ, ý nghĩa và giá trị mang lại còn hạn chế, đến nay tiếng nói của họ đã trở nên mạnh mẽ, có khả năng lan tỏa rộng khắp đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, nữ giới Phật giáo đã nhanh chóng tìm hiểu, tiếp thu, thay đổi các hình thức truyền giảng cho phù hợp.

Trong thời đại công nghệ 4.0, nước ta ngày càng hội nhập và giao lưu văn hóa với thế giới, sự phát triển của khoa học - công nghệ và các hình thức truyền thông tiên tiến đòi hỏi nữ giới Phật giáo, nhất là những cá nhân đã được trang bị kiến thức và học vị, cần sẵn sàng tiếp nhận những lĩnh vực được xem là mới trong công tác báo chí. Phật giáo tốt đẹp trong đời sống xã hội, vừa có thể thúc đẩy các hoạt động nhằm gia tăng giá trị nhân văn cho báo chí, gắn kết tôn giáo và báo chí, phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam, noi theo những tấm gương tài đức, hết lòng vì đạo pháp và dân tộc của các vị danh Ni.