NSND Trần Phương, một tấm gương lao động vì nghệ thuật

Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trần Phương vừa qua đời ngày 26-8 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 91 tuổi. Ông nổi tiếng với các vai diễn trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam, đồng thời cũng là đạo diễn của nhiều phim được công chúng yêu mến, được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Cả cuộc đời ông là bài ca lao động không mệt mỏi vì nghệ thuật, sống chân tình và hết mình với bạn bè, đồng nghiệp.

NSND Trần Phương (đứng giữa) trong một lần gặp gỡ các bạn bè nghệ sĩ. Ảnh: GIA HOÀNG
NSND Trần Phương (đứng giữa) trong một lần gặp gỡ các bạn bè nghệ sĩ. Ảnh: GIA HOÀNG

Tôi nhớ mãi một cảnh trong phim Chị Tư Hậu mà NSND Trần Phương vào vai anh Khoa, chồng chị Tư Hậu đã nói với vợ trước những việc mà kẻ thù đã gây ra: “Đừng khóc nữa em! Khóc không giải quyết được vấn đề gì đâu!”. Tôi rất thích câu thoại này. Vì xem phim Việt Nam, từ trước cho đến giờ, thấy khóc nhiều quá. Nhất là các nhân vật nữ. Khi có dịp gặp NSND Trần Phương, tôi hỏi ông về câu thoại ấy. Ông nói, ông cũng nhớ và thích. Câu thoại đó chỉ cho ông phong cách làm phim. Các nhân vật, nhất là nữ, phải mạnh mẽ và… ít khóc. Vì vậy, khi được đề cử Giải thưởng Nhà nước, ông đã chọn ba phim đều nói về những phụ nữ mạnh mẽ: Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng và Dòng sông hoa trắng.
 
 Cả cuộc đời NSND Trần Phương là bài ca lao động không mệt mỏi. Thời trẻ, ông là một diễn viên có hạng cao. Những vai diễn khắc sâu trong trí nhớ người xem như A Phủ (Vợ chồng A Phủ), Khoa (Chị Tư Hậu), bác sĩ Khiêm (Tiền tuyến gọi), Tiệp (Ngày lễ thánh), Lực (Vợ chồng anh Lực)… Các vai diễn của ông thường kiệm lời, thể hiện tối đa ngôn ngữ điện ảnh là cử chỉ và hành động. Ông nhập vai một cách tự nhiên và hòa đồng với bối cảnh. Từ cảnh ở miền núi đến cảnh chiến tranh, từ cảnh ồn ào trong quán ba đến cảnh nông thôn, bãi lầy vùng biển…, ở đâu, người xem cũng thấy Trần Phương thể hiện nhân vật như đã thuộc từ lâu. Để có được sự công nhận của khán giả, trước khi trở thành diễn viên, Trần Phương đã trải qua nhiều gian khó cuộc đời. Đặc biệt, tinh thần ham học hỏi và sự từng trải đã giúp ông tìm hiểu và khám phá nhân vật một cách cặn kẽ. Thái độ làm việc tôn trọng vai diễn của ông ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ diễn viên sau này khi ông chuyển sang làm đạo diễn.
 
 Ông là người rất yêu nghề. Song càng yêu, ông càng thận trọng. Trước khi làm đạo diễn, ông đã thử học nhiều nghề liên quan như quay phim, chiếu sáng, thư ký trường quay và phó đạo diễn. Bởi tư duy của một diễn viên khác hoàn toàn tư duy của một đạo diễn. Ông đã theo học nghề đạo diễn bằng cách làm phó cho đạo diễn Trần Vũ trong hai phim Chuyến xe bão táp và Những người đã gặp. Sau 20 năm làm diễn viên, đóng hơn chục vai ấn tượng, bước vào tuổi 50, Trần Phương quyết định làm đạo diễn.
 
 Những bộ phim ông làm như Mưa rơi trên thành phố (năm 1978), Dưới chân núi trắng (1979)… là những khúc dạo đầu cho hành trình sau này của ông. Những bộ phim tiếp theo như Tội lỗi cuối cùng (năm 1980), Hy vọng cuối cùng (1981), Đứng trước biển (1985), Hoàng Hoa Thám (1987), Dòng sông hoa trắng (1989)… đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng quan trọng. Và khán giả nhớ đến Trần Phương như một đạo diễn nổi bật trong việc cân bằng hai yếu tố nghệ thuật và thị trường. Vì vậy, khi điện ảnh chuyển sang cơ chế thị trường, ông lại là người đi đầu trên con đường mới.
 
 Trong những năm 1990, Đài Truyền hình Việt Nam bắt đầu sản xuất những bộ phim truyền hình. Gọi là phim truyền hình, nhưng quy trình làm phim vẫn như phim nhựa. Tôi được ông dàn dựng bộ phim Trung du - một bộ phim kể về thời trẻ của cha mẹ tôi tham gia dạy bình dân học vụ ở vùng đồi Phú Thọ. Tôi thấy ông làm kịch bản đã kỹ, đi chọn bối cảnh lại càng kỹ hơn. Đặc biệt, ông yêu cầu họa sĩ Dân Nam và nhà quay phim Phạm Thanh Hà phải lục tung từng “đồi cọ, rừng chè” để chọn những bối cảnh ưng ý nhất. Trong phim này, diễn viên Trung Hiếu được ông chọn làm vai diễn đầu tiên. Chàng diễn viên trẻ rất hồi hộp, nhiều khi thoại chưa lưu loát, song ông không hề cáu giận mà thong thả làm công tác tâm lý cho diễn viên bằng những thí dụ thực tế rất thuyết phục. Sau giờ quay phim, ông hòa đồng với người dân địa phương. Tôi nhớ hình ảnh ông ngồi hút thuốc ở thềm nhà dân. Trang phục giản dị, mái tóc điểm bạc, ngồi thở từng làn khói trong chiều trung du. Đến nỗi, có người hàng xóm sang nói chuyện, cứ ngỡ ông là chủ nhà, mãi sau mới biết là khách.
 
 Những diễn viên, quay phim, họa sĩ… làm việc cùng ông đều nhớ một con người làm việc cần mẫn nhưng rất nghệ sĩ. Ông luôn đối xử chân tình với mọi người và thật sự là nghệ sĩ của nhân dân. Mọi người luôn nghĩ về ông với lòng tiếc thương và kính trọng.