Nối dài tình yêu với ca khúc thiếu nhi Việt Nam

“Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân/Rủ nhau én về theo làn nắng ấm dần...”, những lời ca trong trẻo của bài hát Cánh én tuổi thơ do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác đã trở nên thân quen với nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Mới đây, giai điệu ấy lại vang lên đầy mới mẻ, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều bạn nhỏ và các bậc cha mẹ với phiên bản tiếng Anh do cô giáo Bạch Thùy Linh thể hiện. Đó cũng là sự khởi đầu tốt đẹp cho một dự án nhạc thiếu nhi song ngữ.

Cô giáo Bạch Thùy Linh (Nguyệt Ca), người khởi xướng dự án chuyển ngữ tiếng Anh cho nhạc thiếu nhi Việt Nam.
Cô giáo Bạch Thùy Linh (Nguyệt Ca), người khởi xướng dự án chuyển ngữ tiếng Anh cho nhạc thiếu nhi Việt Nam.

Là một người mẹ, một cô giáo dạy tiếng Anh, chị Bạch Thùy Linh đã nhiều năm ấp ủ, chuẩn bị cho ý tưởng chuyển ngữ tiếng Anh các ca khúc thiếu nhi kinh điển của Việt Nam. Chị chia sẻ, đó là một món quà dành tặng các học trò và cha mẹ các em, nhất là với cậu con trai mười tuổi của mình. Thực tế, nhạc thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây thưa vắng những tác phẩm mới, đặc sắc. Không ít bạn nhỏ chỉ thích nghe nhạc quốc tế, nhạc Mỹ, nhạc Hàn Quốc, thậm chí thuộc lòng những bài nhạc trẻ không phù hợp lứa tuổi, mà không biết đến những ca khúc thiếu nhi trong sáng, ý nghĩa, phù hợp với độ tuổi. Vì vậy, chị Thùy Linh thực hiện dự án hát song ngữ để mang đến cách tiếp cận và cảm nhận mới cho nhiều đối tượng khán giả, nhất là các em thiếu nhi, nối dài đời sống của những tác phẩm âm nhạc có giá trị. Góp sức với chị là những người bạn cùng chung tâm huyết và đam mê, như anh Trần Nhất Hoàng - cựu thành viên ban nhạc Bức Tường, anh Vũ Thế Chung - một dịch giả từng dịch thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sang tiếng Anh...
 
 Trước khi thu âm bài hát, chị Thùy Linh liên hệ với các nhạc sĩ hoặc gia đình nhạc sĩ để xin phép tác giả, và chị cho biết rất may mắn là đều được ủng hộ. Chính nhạc sĩ Phạm Tuyên, năm nay đã 91 tuổi, cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà và của thiếu nhi Việt Nam, khi nghe bản song ngữ Cánh én tuổi thơ cũng đã có lời khen bản dịch sáng tạo mà vẫn sát nghĩa, khiến ông xúc động. Hiện tại, dự án đã có tám ca khúc được dịch xong, lần lượt thu âm, phát hành mỗi tháng. Hai ca khúc mở màn là Cánh én tuổi thơ (nhạc sĩ Phạm Tuyên) và Cho con (nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu) đều được chia sẻ mạnh mẽ và nhận những phản hồi tích cực. Dự kiến, ca khúc thứ ba sẽ ra mắt vào Ngày của Mẹ (9-5) là bài Chỉ có một trên đời, ca khúc thứ tư nhân dịp Ngày Môi trường thế giới (5-6) là bài Trái đất này là của chúng mình (đều của nhạc sĩ Trương Quang Lục). Theo chị Thùy Linh, tiêu chí để lựa chọn bài hát là những bài ca gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ người Việt Nam, truyền tải những thông điệp nhân văn, trong sáng, và quan trọng nhất là phải chuyển ngữ được một cách chuẩn xác, mượt mà, tôn trọng tinh thần của tác giả, và được nhìn nhận như một tác phẩm có đời sống riêng chứ không chỉ là sản phẩm dịch gượng ép sang một ngôn ngữ khác. Trong quá trình thực hiện, có những bài hát mà nhóm đã dịch được một nửa rồi mà vẫn dừng lại vì không tìm được hướng đi phù hợp, hoặc có bài mất đến vài năm mới có được bản dịch hoàn thiện ưng ý.
 
 Mặc dù mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc (dự án phi lợi nhuận vì cộng đồng cho nên ê-kíp tự bỏ tiền túi để làm), nhưng bù lại, những lời khen ngợi của khán giả và hứng thú của các bạn thiếu nhi là động lực rất lớn cho nhóm thực hiện. Để lan tỏa các bài hát này, chị Thùy Linh và các cộng sự dùng các nền tảng số phổ biến như Facebook, YouTube, đồng thời biểu diễn ở các buổi hội thảo giáo dục, văn nghệ trường học. Ngoài ra, nhóm đang xây dựng trang web www.nhacthieunhisongngu.vn và kênh YouTube “Nhạc thiếu nhi song ngữ”, với mong muốn thu thập và chia sẻ thêm nhiều các phiên bản của ca khúc thiếu nhi Việt Nam, không chỉ của riêng nhóm thực hiện mà cả các tổ chức, cá nhân khác có chung mục đích, không chỉ tiếng Việt và tiếng Anh mà cả các ngôn ngữ thông dụng khác. Nhiều người lớn khi nghe cũng thêm yêu những ca khúc mang bao kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp. Rộng hơn, dự án còn muốn hướng đến cộng đồng người nước ngoài yêu âm nhạc và văn hóa Việt, để họ hiểu hơn về giai điệu và ca từ rất đẹp của nhạc thiếu nhi Việt Nam. Những người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, người có vợ/chồng ngoại quốc, sẽ có một nguồn bài hát thiếu nhi vừa có tiếng Anh vừa có tiếng Việt để dạy cho con mình, góp phần làm cho kết nối của các con với quê hương, nguồn cội thêm chặt chẽ và ý nghĩa.
 
 Giống như lời trong ca khúc Cánh én tuổi thơ của nhạc sĩ Phạm Tuyên “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, dự án ca khúc thiếu nhi song ngữ đang nỗ lực góp một “cánh én” để cùng với nhiều dự án khác làm phong phú, sôi động thêm nền âm nhạc thiếu nhi đương đại. Những người thực hiện đều rất mong càng ngày càng có thêm nhiều người quan tâm, tham gia bằng nhiều cách, như gửi các bản dịch hoặc biểu diễn lại theo cách của mình, để những bài ca đi cùng năm tháng dành cho thiếu nhi sẽ tiếp tục được thế hệ hôm nay yêu thích và hát lên.