Nhớ mãi tác giả Bài ca hy vọng

Nghe tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời, tôi sững người và vô cùng tiếc nuối, thế là cuộc hẹn cà-phê với ông đã không thành, thật là ân hận, tự trách mình đã bỏ lỡ một cơ hội thật hiếm hoi.

Nhớ mãi tác giả Bài ca hy vọng

Vẫn biết ở tuổi 92 nếu có nhẹ gót viễn du thì cũng không phải là chuyện quá bất ngờ, nhưng với Văn Ký, một người chăm chỉ tập yoga, sống rất chừng mực, điềm đạm thì vẫn không tin được. Vả lại hôm gặp cách đây chưa lâu, tôi vẫn thấy ông khỏe mạnh, trí tuệ mẫn tiệp,khi trò chuyện còn pha chút hóm hỉnh…

Sở dĩ nói là cơ hội hiếm hoi, vì cỡ như Văn Ký, dù ông là người rất khiêm nhường nhưng cũng không dễ gặp, nếu có được gặp cũng dễ "khớp" vì sự nổi tiếng của ông. Với những tác phẩm âm nhạc quá hay mà ông đã có, muốn được nghe ông nói một cách tâm huyết, trả lời nhiệt tình những câu hỏi, hoặc sẽ được ông cởi mở tâm sự chuyện đời với những bí mật (chất xúc tác, đối tượng gây xúc cảm) thường có của người sáng tác thì người đối diện ít nhất phải có vốn liếng gì, ít nhất là sự tự tin và am hiểu về âm nhạc... Ngay cả những ngày ông ốm nằm viện vừa rồi tôi cũng nghĩ ông sớm qua, sẽ trở lại và vẫn viết như hồi tháng tư, bài Cô-vít phải lùi xa (thơ Lê Chín; do Nghệ sĩ Ưu tú Quang Minh thể hiện).

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nho học ở Nam Ðịnh, hồi nhỏ Văn Ký sống với người chú ruột tại Thanh Hóa một thời gian rồi tham gia cách mạng. Ðến năm 1955, bắt đầu hoạt động âm nhạc và sống tại Hà Nội nên ông mang nhiều dấu ấn trí thức Hà Nội, phong thái nho nhã, lịch duyệt. Ông được kết nạp Ðảng từ năm 1946, cũng là năm ông viết ca khúc đầu tay mang tên Trăng xưa, bài hát được viết trước khi ông được cử đi học âm nhạc tại Liên khu 4 - Nghệ An. Sau khóa học, ông hoạt động văn nghệ tại Bình Trị Thiên, và giai đoạn này ông có ca khúc Bình Trị Thiên quật khởi.

Gia tài âm nhạc của Văn Ký có thể kể tới hơn 400 tác phẩm cho cả hai mảng thanh nhạc và khí nhạc, bao gồm các thể loại: ca khúc, ca kịch, nhạc múa, nhạc phim và nhạc giao hưởng. Người yêu nhạc ở các tầng lớp xã hội đều thích nhạc của ông bởi sự trong trẻo của ca từ,
sự tinh tế của giai điệu. Ông đã kết hợp nhuần nhuyễn và tài tình chất hàn lâm, cổ điển và trữ tình, dân tộc, như: Bài ca hy vọng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh... Riêng Bài ca hy vọng là bài hát đưa nhạc sĩ Văn Ký đứng vào hàng đầu bảng xếp hạng những nhạc sĩ có tác phẩm âm nhạc giá trị cao.

Không nhiều người biết Bài ca hy vọng, một thời từng bị coi là "lạc quan quá, lãng mạn, tiểu tư sản quá" nên không được xuất bản. May nhờ "con mắt xanh" của lãnh đạo Ðài Tiếng nói Việt Nam (VOV), khi thấy Văn Ký mang bài hát đến, và nghe ông kể rằng đã bị một nhà xuất bản từ chối in cùng một số tác phẩm khác trong tập nhạc của ông; ông Trần Lâm - Giám đốc kiêm Tổng Biên tập VOV đã mời nhạc sĩ Phạm Tuyên, Trưởng ban Âm nhạc của Ðài hội ý. Nhạc sĩ Phạm Tuyên thấy tác phẩm có giá trị nên giao luôn cho tác giả trực tiếp dàn dựng, phát trên VOV, nhờ đó mà bài hát bắt đầu được biết đến rất rộng rãi. Văn Ký kể lại: "Khi bắt đầu viết, từng ca từ của Bài ca hy vọng bật ra trong mình một cách tự nhiên. Dù đời sống xã hội lúc đó (năm 1958 - 1959) đang rất khó khăn, nhưng mình cũng như nhiều người khác có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai tốt đẹp...". Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Ðường ta đi xanh thắm mộng đời/ Về tương lai! Ðàn chim bay cùng ta cất cánh/ Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương... Niềm tin vào chân thiện mỹ của ông đã được đáp đền...

Khác với Bài ca hy vọng, một tác phẩm mang đậm tính hàn lâm lại có nhiều nốt cao đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật thanh nhạc và cảm xúc tốt mới thể hiện được thì Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi lại là bài dễ hát, ai cũng hát được vì Văn Ký đã sử dụng nhuần nhuyễn âm hưởng dân ca vùng núi phía bắc. Hai phong cách khác nhau nhưng hiệu quả là một, đó là đều làm say mê lòng người.

Những tác phẩm như thế của Văn Ký luôn để lại dấu ấn sâu đậm, thường được sử dụng trong nhiều chương trình âm nhạc lớn của đất nước trên sân khấu, trên làn sóng phát thanh, truyền hình... Tác phẩm Tổ khúc kịch múa K’Nhi, gồm bảy chương viết cho dàn nhạc giao hưởng của ông đã từng được biểu diễn nhiều lần ở nước ngoài từ năm 1989. Âm nhạc của ông đem đến cho người nghe những cảm xúc tích cực, khiến ta thêm yêu quê hương, con người và thiên nhiên bởi niềm tin của chính nhạc sĩ vào tương lai đất nước.

Với những đóng góp của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã được trao tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng ba, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vào năm 2001 và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Sau hơn một tuần điều trị ở Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng ông đã rời bước hồng trần vào lúc 9 giờ 20 phút sáng 26 tháng 10 năm 2020, hưởng thọ 92 tuổi.