DIỄN ÐÀN CHỦ NHẬT

Nghĩ từ những lời giới thiệu di tích...

Trước khi định đến một nơi nào đó, tôi thường vào in-tơ-nét để tham khảo thông tin điểm đến. Theo thói quen nghề nghiệp, tôi quan tâm đến các di tích hơn là các điểm vui chơi giải trí chụp hình lưu niệm.

Nếu như di tích danh thắng thiên nhiên có sức cuốn hút mạnh mẽ bởi vẻ đẹp thiên tạo thì các di tích lịch sử văn hóa mang đến cho chúng ta niềm đam mê kỳ lạ với quá khứ thâm trầm sâu sắc mà các thế hệ đi trước đã chắt chiu dành dụm lại, thôi thúc con người hiện tại ý thức về trách nhiệm giữ gìn, gửi gắm đến muôn sau.

Với đặc thù về lịch sử, văn hóa dân tộc, các dấu ấn vật chất và tinh thần của ngày hôm qua thường đậm đặc nơi đền - đài - lăng - tẩm - đình - chùa - miếu - phủ, khiến những nơi này ít nhiều đều có một giá trị lịch sử đặc biệt, góp thêm một nét vẽ chi tiết cho hành trình tìm về quá khứ, hướng tới tương lai của con người hiện tại. Ở nơi ấy, chúng ta có thể tưởng vọng về công trạng của tổ tiên, của các bậc tiền nhân, những người đã góp sức cho sự hình thành, phát triển của mỗi vùng quê, làm nên sự toàn vẹn non sông, đất nước của dân tộc Việt Nam. Ở nơi ấy, chúng ta tìm được trí tuệ, tâm hồn và khát vọng của người đương thời và còn tìm được sự bình yên, an tĩnh, hay ít ra là một điểm tựa quan trọng trong hành trình sống hôm nay.

Các di tích là nơi sinh hoạt tâm linh, lưu giữ hồn cốt của một vùng văn hóa cho nên cơ bản còn giữ được khá nhiều dấu tích vật chất và tinh thần xưa cũ. Ðiều mà hầu hết chúng ta mong muốn khi đến những ngôi chùa (hoặc đình, đền, miếu, phủ) trên khắp các vùng, miền của dải đất hình chữ S là tìm kiếm xem có gì mới lạ khác biệt với những nơi ta từng đến, từng biết hay không. Vậy nên khi đọc những dòng giới thiệu trên in-tơ-nét, trên báo điện tử hay những trang thông tin lữ hành của tập thể, cá nhân đã khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Bởi thông tin chính được nhấn nhá thường là những "điểm nhất" về kích cỡ, số lượng, chất liệu xây dựng của chùa, tượng, chuông, trống và những đồ thờ tự. Kèm theo đó là những mời gọi kiểu như "du khách sẽ được chiêm ngưỡng pho tượng lớn nhất", "sẽ có được những khuôn hình ưng ý nhất", "sẽ có những phút giây thư giãn", "còn chần chừ gì nữa, hãy xách ba-lô lên và đi"… Những lời giới thiệu về chùa chiền khiến người ta giật mình, khi nó chẳng khác mấy những lời quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thương mại! Nhưng khi trực tiếp đến, chiêm bái hay hòa mình vào không gian và kiến trúc của di tích thì lại thêm một nỗi thất vọng nữa. Bởi những gì được giới thiệu kia… không có gì ngoài kích thước to lớn.

Ðường nét chạm khắc đơn giản, sơ sài, ngẫu hứng, những khuôn hình không cảm xúc, không biểu cảm, không có cả dấu vết của những bàn tay nghệ nhân khéo léo, đương nhiên, ý nghĩa biểu tượng của những đường nét hoa văn trang trí thì càng hiếm hoi. Một vài ngôi chùa mới được xây dựng gần đây thuộc hàng siêu lớn còn bỏ ra lượng kinh phí khổng lồ để nhập khẩu những bức họa từ phương tây, khiến những người yêu văn hóa Việt không khỏi chạnh lòng. Lẽ nào văn hóa của chúng ta, tài năng và trí tuệ của nghệ nhân ta không có gì để sử dụng?

Nghĩ đi rồi nghĩ lại, sự tồn tại của những lời giới thiệu đó không phải không có nguyên do, bởi nó đánh trúng tâm lý phổ biến hiện nay của khách hàng - những người được (bị) mời gọi. Ở góc độ nào đó, đối tượng hướng đến hẳn là chỉ có nhu cầu chụp những bức ảnh đẹp ở một không gian lạ, nhìn ngắm những thứ to lớn hoành tráng. Không khó để nhận ra rằng, người cung cấp sản phẩm (những người đầu tư hay phụ trách các ngôi chùa) xác định xây dựng chùa thành một sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Không biết sức sống của các công trình xây dựng trên bền lâu đến đâu, nhưng dám chắc vật liệu làm nên nó có thể tồn tại qua nhiều đời người. Một lúc nào đó, những thế hệ kế tiếp của chúng ta sau vài thế kỷ, thậm chí cả thiên niên kỷ sẽ lục lại, và con cháu chúng ta sẽ nghĩ thế nào về di sản của cha ông?

Để tham gia quá trình xây dựng, quảng bá và bảo vệ văn hóa dân tộc một cách hiệu quả, các phương tiện truyền thông với vai trò của mình cần phải có tiếng nói chính xác, trí tuệ, hấp dẫn và có sức lan tỏa về giá trị đích thực cùng những ý nghĩa sâu sắc của các di tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa vô giá của đất nước. Những đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, miếu phủ, cần được tôn vinh và làm giàu có thêm, bởi đó là những di sản của biết bao thế hệ người Việt Nam trao truyền lại, để thật sự trở thành điểm đến văn hóa, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và thưởng ngoạn của người dân.