Một góc nhìn về văn hóa và phát triển

Tập hợp những bài viết trong hơn ba năm qua, được gói gọn trong hơn 230 trang, cuốn sách Văn hóa và phát triển của nhà văn - nhà báo Trần Bảo Hưng do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, tuy chưa thể đưa ra một cái nhìn toàn diện, nhưng đã soi chiếu phần nào thực trạng và sự phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật thời gian qua.

Một góc nhìn về văn hóa và phát triển

Được chia làm ba phần nội dung dựa trên những chủ đề chung, đề cập về: Những vấn đề của văn học nghệ thuật, Những vấn đề của văn hóa và lễ hội văn hóa, Những vấn đề của du lịch, tác giả đã đi sâu phân tích, tập trung làm rõ những bất cập, trong hoạt động văn học, nghệ thuật, văn hóa cơ sở và sự gắn bó phát triển của du lịch và văn hóa.
 
 Là một nhà văn - nhà báo có nhiều năm theo dõi văn học nghệ thuật, tác giả đã có cái nhìn am tường và hiểu kỹ về thực trạng của hoạt động văn học nghệ thuật nước nhà. Ông đã đưa ra nhiều luận điểm mới với dẫn chứng thực tế thuyết phục cùng không ít quan ngại trong phần đầu của sách về tình hình sáng tác, các xu thế và dự đoán phát triển trong tương lai như xây dựng chương trình văn học mới trong các cấp giáo dục; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời văn học mạng và ngôn ngữ mạng xã hội đang trở nên lấn át; bàn về triển vọng của nền văn học nước nhà và ngành xuất bản, sự phát triển của điện ảnh, phim truyền hình, giữ gìn nghệ thuật truyền thống... Bên cạnh đó là việc tạo dựng và phát triển văn hóa đọc, văn hóa xem và nghe nhìn, mở rộng khâu tiếp nhận để tạo động lực cho các nhà văn và các văn nghệ sĩ làm nghề. Tác giả cũng nêu thực trạng và giải pháp cho văn nghệ thiếu nhi, đề cập chiến lược tổng thể phát triển văn học nghệ thuật cho thiếu nhi, đầu tư mà không quá đề cao lợi nhuận bởi đó là sự đầu tư cho tương lai, dành những chính sách ưu tiên cho giới sáng tác và làm nghệ thuật vì thiếu nhi, để họ có thể yên tâm làm nghề.
 
 Nhiều bài viết trong sách như một tiểu luận nhỏ đã chỉ ra những khiếm khuyết tồn tại của văn học nghệ thuật nước nhà khi nhìn vào hoạt động sáng tác đã và đang mòn mỏi chờ đợi “những cây bút lớn” trên nhiều lĩnh vực với các tác phẩm mang tầm thời đại, thể hiện các giá trị tư tưởng nghệ thuật cao. Tuy sôi động đấy mà vẫn quẩn quanh, chưa thoát khỏi những điều vụn vặt, đặt nặng cái tôi cá nhân và những số phận nhỏ bé, vị kỷ, sa vào lối mòn, theo khuôn thước lệ thuộc để rồi chỉ có được những tác phẩm nhạt nhòa, trong khi lại có phần nghiêng về xu hướng vọng ngoại, bắt chước trong hình thức thể hiện mà vẫn tưởng như thế là hội nhập. Đồng thời cũng cho thấy sự hụt hơi trong đội ngũ sáng tác khi không có nhiều sự đột phá, khai sáng những hướng đi mới, tiếp cận được hiện thực với cách nhìn đa chiều về con người và cuộc sống. Cũng chính vì vậy, hoạt động văn học nghệ thuật thời gian qua thiếu những tác phẩm đỉnh cao, có thể lưu lại dấu ấn lâu dài, bền vững với các giá trị nhân văn cao cả.
 
 Phần hai cuốn sách đi sâu lý giải những vấn đề của văn hóa và các lễ hội văn hóa trong giai đoạn hiện nay, phân tích và đề ra các giải pháp trong bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc trong hội nhập, trùng tu, tôn tạo di tích, hoạt động văn hóa và tín ngưỡng, ứng xử văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh; trao đổi và phê phán một số quan điểm chưa chính xác về lễ hội văn hóa truyền thống qua một số lễ hội cụ thể, lợi dụng việc khôi phục các lễ hội vào mục đích thương mại hóa, làm biến tướng và dung tục hóa lễ hội. Tác giả đã làm nổi bật hướng tiếp cận trong thực hiện phương thức xã hội hóa các hoạt động văn hóa, lễ hội từ việc tiếp thu, kế thừa những cách làm truyền thống của xã hội Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực cộng đồng xây dựng thiết chế văn hóa, tổ chức lễ hội, sáng tạo và thưởng thức các loại hình diễn xướng, văn nghệ dân gian, để mọi người cùng được thụ hưởng và có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Điều quan trọng là xây dựng được trách nhiệm và nhất là tâm thức cộng đồng cùng chung tay, tránh cách làm thương mại hóa, mang tính trước mắt vì lợi nhuận. Trong phần thứ ba, cuốn sách tập trung làm rõ sự gắn bó, tương thích giữa văn hóa và du lịch, nêu lên những tiềm năng và thế mạnh của du lịch nước ta cũng như việc cần phải đầu tư nguồn tài nguyên nhân văn thông qua việc bảo tồn và phát huy nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc để phát triển du lịch bền vững.
 
 Mặc dù chưa thể đề cập vấn đề một cách tổng thể, toàn diện, nhưng dưới góc nhìn báo chí và cách viết sinh động, nhiều thông tin, cuốn sách của tác giả Trần Bảo Hưng đã giúp bạn đọc có thêm những hiểu biết về mối quan hệ biện chứng văn hóa và phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay.