Lung linh đèn lồng Hội An

Đã từ lâu nay, nhắc đến TP Hội An (Quảng Nam) là người ta nhớ ngay đến hình ảnh những chiếc đèn lồng đủ mầu sắc, hình dáng, giăng giăng khắp phố phường, đền chùa, bến sông… Đèn lồng không chỉ trở thành biểu tượng độc đáo cho vẻ đẹp phố cổ, mà còn là một mặt hàng trang trí, lưu niệm được nhiều người dân và du khách yêu thích.

Một cơ sở làm đèn lồng tại Hội An.
Một cơ sở làm đèn lồng tại Hội An.

Nghề làm đèn lồng Hội An đã hơn 400 năm tuổi và được vinh danh là một trong những vùng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. Nghiên cứu từ Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích Hội An cho biết, nghề làm lồng đèn đã có mặt ở Hội An khoảng từ thế kỷ 17 với đặc thù là trung tâm giao thương, hội tụ, đan xen nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và cả phương Tây. Tập quán sử dụng lồng đèn trong các dịp hiếu hỷ, lễ Tết… đã lan tỏa không chỉ trong các gia đình ngoại kiều mà cả người bản địa, cho đến tận ngày nay. Từ năm 1998, thị xã Hội An đã chủ trương xây dựng thương hiệu “Đêm rằm phố cổ”, vận động nhân dân và đình, chùa treo đèn lồng thay ánh đèn điện, dần trở thành sản phẩm du lịch độc đáo và góp phần không nhỏ phát triển nghề sản xuất đèn lồng.
 
 Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, hằng năm, Hội An sản xuất hàng triệu lồng đèn các loại, vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Xin-ga-po, châu Âu… Tết này, dịch bệnh khiến ngành du lịch và việc đi lại của người dân bị hạn chế, tuy vậy ở phố Hội vẫn lung linh, rực rỡ sắc đèn lồng, tô điểm cho từng ngõ phố, từng ngôi nhà cổ kính. Với quan niệm dân gian treo đèn cho đẹp đẽ, sáng sủa, may mắn dịp đầu năm, mầu được ưa chuộng thường là đỏ, vàng, với những dòng chữ như “Chúc mừng năm mới”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Tài”… đậm đà vị Tết. Theo bà Nguyễn Thị Diệu Linh, chủ thương hiệu lồng đèn Hà Linh (phường Cẩm Châu) thì mùa Tết này, cơ sở sản xuất phải cắt giảm một nửa số nhân công, lượng đơn hàng cũng giảm đáng kể. Tuy vậy, so với hoạt động cầm chừng trong cả năm qua thì đây vẫn là dịp quan trọng, đáng mừng.
 
 Hội An được coi là cái nôi của đèn lồng thuần Việt, bởi nguyên liệu và kỹ thuật chế tác khác biệt so với nhiều nước cũng có văn hóa đèn lồng như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái-lan… Nếu đèn lồng nước bạn chủ yếu bọc bằng giấy hoặc ni-lông nên thường dễ rách và dễ cháy, thì đèn lồng của Hội An được bọc bằng vải (lanh, gấm, lụa), rất bền và sặc sỡ. Ở Hội An, Nghệ nhân Ưu tú Huỳnh Văn Ba được nhiều người biết đến bởi ông có công lớn trong việc phục chế và cải tiến chiếc đèn lồng truyền thống, sáng tạo ra loại khung đèn có thể xếp gọn, thuận tiện cho việc đóng gói, vận chuyển. Tiếp sau ông, nhiều người thợ đèn lồng tâm huyết khác cũng đã dày công nghiên cứu, thử nghiệm để sản phẩm thủ công mỹ nghệ này ngày càng tinh xảo, bắt mắt hơn. Chẳng hạn như anh Võ Đình Hoàng đã sáng lập nên thương hiệu đèn lồng Dé Lantana, đạt chuẩn 5 sao theo chương trình phát triển kinh tế quốc gia OCOP.
 
 Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng, bởi tính chất trang trí hết sức bình dân mà vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, quyến rũ. Đó cũng chính là sự chắt chiu từng giọt mồ hôi, là sức sáng tạo vượt thời gian của những người nghệ nhân làm đèn lồng qua bao đời. Khung đèn lồng Hội An được làm từ tre già, ít nhất cũng phải 5 năm tuổi, nên rất dẻo và bền. Tre được phơi khô, chẻ thanh rồi đem ngâm để chống mối, mọt, rồi phơi khô thêm lần nữa. Sau khi uốn tạo khung, người thợ sẽ phết keo và bọc vải chung quanh, công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn sao cho chiếc đèn cân đối, mềm mại, vải không được rách góc, không nhăn nhúm. Cuối cùng là khâu trang trí như gắn móc treo, gắn chuôi đèn, vẽ hình… Mặc dù bây giờ các cơ sở sản xuất lớn đều dùng máy móc để chẻ tre, cắt vải… để tiết kiệm thời gian, công sức, nhưng quan trọng nhất là việc tạo hình thì vẫn nhờ vào bàn tay khéo léo, kiên trì của những người thợ.
 
 Để phục vụ nhu cầu thị trường, đèn lồng ở Hội An có nhiều hình thù, từ hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, cho đến những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá… Kích cỡ cũng đa dạng, từ nhỏ xíu cỡ nắm tay cho đến đường kính gần bằng cái mâm, giá cả dao động từ vài chục nghìn đồng đến cả triệu đồng. Tuỳ vải bọc ngoài mà mỗi ngọn đèn lại đưa tới những ánh sáng khác nhau, có khi chỉ một sắc mầu, cũng có khi lại lung linh muôn vẻ giống như một bức tranh thu nhỏ của cả phố cổ Hội An thơ mộng… Nhiều gia đình sinh sống lâu đời ở đây vẫn đang gìn giữ được những chiếc đèn lồng có tuổi đời hàng thế kỷ, coi như gia bảo và thường chỉ trưng ra trong đêm hội hoa đăng. Những ngọn đèn này được chế tác từ gỗ quý, vải quý, và trên đó là những tác phẩm hội họa cầu kỳ, đặc sắc.
 
 Hiện nay, Hội An có hơn 30 xưởng sản xuất, hơn 200 cơ sở kinh doanh đèn lồng. Cơ sở sản xuất lồng đèn Hà Linh là một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất về làm lồng đèn kết hợp du lịch trải nghiệm làng nghề. Du khách có thể tham quan quy trình sản xuất lồng đèn tại xưởng, mua hoặc tự tay làm lồng đèn cùng với những người thợ và mang về như món quà kỷ niệm cho bạn bè, người thân. Ngoài ra còn có xưởng lồng đèn Huỳnh Văn Ba, cơ sở Đèn lồng Việt… Đèn lồng làm quanh năm, nhưng mỗi dịp như Trung thu, Tết Nguyên đán, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy… thì được đặt mua nhiều hơn. Rất nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật của Hội An cũng luôn có nội dung lễ hội đèn lồng, thi làm đèn lồng hoặc trang trí tại các điểm vui chơi công cộng, các tuyến đường chính, các khách sạn, nhà hàng…
 
 Mặc dù năm nay nghề làm lồng đèn nói riêng, nhiều ngành nghề khác ở Hội An nói chung bị thiệt hại bởi dịch Covid-19, nhưng các cơ sở làm lồng đèn vẫn nỗ lực duy trì sản xuất để gìn giữ, quảng bá hình ảnh phố Hội đến muôn nơi. Với họ, nghề làm lồng đèn không chỉ cho thu nhập ổn định, mà còn bởi đèn lồng Hội An là một biểu tượng riêng không thể thay thế, là nét văn hóa đẹp của người dân phố cổ. Tết cổ truyền năm nay, phố Hội thưa vắng du khách so với những năm trước, nhưng ánh sáng đèn lồng vẫn rực rỡ, huyền ảo mỗi đêm, như thắp lên niềm hy vọng vào một năm mới bình an, tốt đẹp.