Kịch ứng tác, loại hình sân khấu mới mẻ và hấp dẫn

Những câu chuyện hài hước được trình diễn một cách tự nhiên, không cần kịch bản, đạo diễn, phục trang, đạo cụ hay sân khấu cầu kỳ. Tất cả tập trung cho những lời thoại, hành động kịch được sáng tạo tức thời, mang đến tiếng cười bất ngờ, sảng khoái cho khán giả. Đó chính là điểm thu hút của hài kịch ứng tác - một loại hình biểu diễn nghệ thuật còn khá mới mẻ ở nước ta đang được High Club theo đuổi với mong muốn kéo gần hơn khoảng cách giữa sân khấu kịch và công chúng hiện đại.

Cảnh trong một vở kịch ứng tác của High Club.
Cảnh trong một vở kịch ứng tác của High Club.

“Chạm” đến người xem bằng cảm xúc tức thời
 
 High Club là câu lạc bộ (CLB) hài kịch ứng tác mới thành lập tháng 7-2020, do đạo diễn Đào Ngọc Hà khởi xướng và định hướng diễn xuất. Lấy tên là High (viết tắt tiếng Anh Haha Improv Games Hanoi), CLB muốn mang những tiếng cười có giá trị tích cực đến khán giả, với tâm niệm mọi niềm vui trong cuộc sống đều như những trò chơi và đều bắt đầu từ tiếng cười. High trong tiếng Anh nghĩa là “cao”, nên cái tên này còn gửi gắm mong muốn chạm tới khán giả bằng những trạng thái cảm xúc thăng hoa nhất. Nếu không vướng sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 thì hài kịch “Ơ kìa…Tết!” do High Club dày công chuẩn bị đã diễn ra ở Hà Nội như đã hẹn vào dịp Tết Nguyên đán và chắc hẳn vẫn được khán giả hưởng ứng như với các chương trình trước đó. Sự trì hoãn này khiến nhiều thành viên High Club tiếc nuối song không làm họ nản lòng. Đều đặn mỗi tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần, họ lại miệt mài tập luyện, mài sắc hơn những kỹ năng ứng tác trong diễn xuất để có thể mang đến nhiều chương trình hấp dẫn hơn.
 
 Đạo diễn Đào Ngọc Hà chia sẻ, High Club mới chính thức hoạt động hơn nửa năm nhưng ý tưởng thành lập đã theo anh từ nhiều năm trước, khi anh tình cờ xem một buổi diễn ứng tác của các bạn trẻ không chuyên tại Hà Nội. Là người từng lăn lộn với sân khấu, anh nhanh chóng nhận ra sức hút của loại hình biểu diễn này. Trong hai năm, anh tự mày mò tìm hiểu, đặt từ nước ngoài các bộ sách, giáo trình liên quan để nghiên cứu về hài kịch ứng tác, sau đó thành lập High Club. Đó là lý do các thành viên hiện tại của CLB hầu hết là các diễn viên kịch nói chuyên nghiệp. Đây cũng là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa High Club với các nhóm kịch ứng tác khác. Ngoài các diễn viên đến từ Nhà hát Tuổi Trẻ như diễn viên, biên kịch Hoàng Trang (đồng sáng lập High Club), diễn viên Trương Mạnh Đạt; CLB còn có những diễn viên trẻ đã tốt nghiệp hoặc đang theo học Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội như: Đặng Công Đại, Võ Hoài Vũ…
 
 Dù đã được đào tạo bài bản về diễn xuất nhưng với các diễn viên trẻ này, hài kịch ứng tác vẫn là một “lãnh địa” đầy thách thức. Bởi diễn viên không được chuẩn bị trước bất cứ thứ gì từ kịch bản tới phục trang hay đạo cụ, có chăng chỉ là vài chiếc ghế để tạo bối cảnh trong quá trình diễn. Họ lên sân khấu với một cái đầu hồn nhiên, sẵn sàng ứng biến để tạo ra những câu chuyện, tình huống kịch mà nhiều khi chỉ dựa vào những mẩu thông tin gợi ý ngắn gọn như một từ, câu, lời hát… do chính khán giả đưa ra. Các diễn viên phải đón nhận tình huống được bạn diễn thiết lập và lập tức ứng tác theo. Họ không được phủ nhận nhau mà phải luôn đồng thuận để cùng sáng tạo và đẩy mạch diễn đi xa hơn… Điều này đòi hỏi diễn viên làm chủ các kỹ năng để tạo sự kết nối với người khác và những câu chuyện của họ, phải biết cách lắng nghe đối phương và phản hồi để phát triển mạch kịch một cách tích cực cũng như kết thúc một cách hợp lý. Đây là lý do trong các buổi tập luyện, đạo diễn Đào Ngọc Hà thường xuyên áp dụng các bài tập dưới hình thức game (trò chơi) để diễn viên rèn khả năng phản xạ, thích ứng nhanh, liên kết các sự kiện…
 
 Khán giả là thành tố tham gia buổi diễn
 
 Hoàng Trang chia sẻ, phải mất tới gần hai tháng, cô và các đồng nghiệp mới đỡ bỡ ngỡ. Bởi lâu nay, vốn đã quen cách diễn truyền thống có tính an toàn cao, được luyện tập trước với nhân vật, đạo cụ, kịch bản có sẵn, cho nên trên sân khấu trong vai trò vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch, diễn viên, phải tự mình vẽ lên tất cả… với Trang là cả hành trình vượt lên chính mình. Tuy nhiên, càng tìm hiểu, cô càng hứng thú và gắn bó với hài kịch ứng tác. Loại hình này không chỉ giúp Trang có thêm sự tự tin vào bản thân, hoàn thiện kỹ năng diễn xuất mà còn mang đến cho cô nhiều kỹ năng có ích trong cuộc sống như cách giao tiếp, làm việc nhóm, tôn trọng sự khác biệt, biết cách lắng nghe bản thân và người khác… Bên cạnh đó, tính ngẫu hứng, độc bản của mỗi câu chuyện ứng tác là những bài học về cách sống biết tận hưởng, trân trọng những khoảnh khắc của hiện tại, từ đó linh hoạt hơn với các mối quan hệ, công việc, cuộc sống… “Kịch ứng tác cũng giúp xóa nhòa khoảng cách lâu nay giữa khán giả và diễn viên, khi người xem trở thành một phần của buổi diễn, trực tiếp tham gia quyết định hành động diễn xuất của diễn viên. Với việc lấy “nguyên liệu” từ chính gợi ý của người xem, khán giả cũng có cơ hội nhìn lại câu chuyện của mình ở một góc nhìn khác qua lăng kính hài hước, thú vị, từ đó được thư giãn, giải tỏa căng thẳng, thêm lạc quan yêu cuộc sống” - Hoàng Trang cho hay.
 
 Cũng nhờ những thế mạnh này mà High Club đang đặt nhiều kỳ vọng ở các bước đi tiếp theo của mình. Tính linh hoạt cao của hài kịch ứng tác với khả năng diễn được ở mọi địa điểm, từ phòng trà nhỏ tới sân khấu lớn, từ một diễn viên tới hai hay nhiều diễn viên theo các chủ đề khác nhau đã gợi ý cho High Club ý tưởng có thể đưa kịch đến nhiều nhóm khán giả có nhu cầu. Đây cũng là con đường đưa kịch tới gần hơn với công chúng hiện đại - điều mà sân khấu kịch chính thống lâu nay vẫn loay hoay tìm lời đáp. Thời gian tới, High Club dự kiến mở thêm các khóa học hướng dẫn về hài kịch ứng tác cho những diễn viên chuyên nghiệp, từ đó kết nạp thêm thành viên; đồng thời mở các lớp dạy kỹ năng giao tiếp ứng tác cho đối tượng nhân viên văn phòng, người đi làm. Câu lạc bộ cũng dự tính phối hợp nhiều địa điểm để có thể tổ chức liên tục, thường xuyên các chương trình hài kịch ứng tác.