Kết nối quá khứ và hiện tại

Bên cạnh một Hà Nội sôi động, hấp dẫn vẫn còn một Hà Nội khác - Hà Nội "cũ". Có những cái cũ tưởng như sẽ nhanh chóng và cần thiết bị phủ nhận, để nhường đường cho sự phát triển, như những nhà máy xí nghiệp trong nội đô, hay những khu tập thể xây dựng 40, 50 năm về trước.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho trẻ em tại không gian Complex 01 (Hà Nội).
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho trẻ em tại không gian Complex 01 (Hà Nội).

Nhưng bây giờ, chúng đang được tái tạo thành những không gian mới. Và người ta nhận ra bản sắc Hà Nội chính là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

1. Những ngày dịch Covid-19 bớt căng thẳng, giới trẻ Hà Nội rủ nhau đến không gian Complex 01, trong một con ngõ nhỏ trên phố Tây Sơn (quận Ðống Ða). Complex 01 được giới trẻ mệnh danh là "chốn vui chơi" mới toanh. Nơi đây vốn là Nhà máy in Công đoàn. Những nhà thiết kế đã can thiệp một cách khéo léo, để những cái đẹp cũ kỹ được "phô" ra; hài hòa với những thiết kế, trang trí ánh sáng hiện đại. Complex dịch ra tiếng Việt nghĩa là "Tổ hợp". Và đây là một tổ hợp theo đúng nghĩa. Tại đây, người ta có thể tìm thấy nhiều loại hình nghệ thuật, loại hình thủ công sáng tạo. Vừa tìm hiểu, thưởng thức lại vừa có thể thư giãn bên ly cà-phê.

Chỉ cách đây ít năm, khi Nhà máy In Công đoàn rời đi, khoảng 4.000 m2 khuôn viên của nhà máy bị bỏ không. Kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ vốn làm việc trong ngành sáng tạo và anh nhận thấy, xã hội rất cần những không gian dành cho sáng tạo văn hóa. Trên thế giới, cách đây vài chục năm, người ta đã chuyển đổi những nhà máy, xí nghiệp cũ thành không gian văn hóa. Khi biết đến Nhà máy in Công đoàn, một ý tưởng đã hình thành. Anh tập hợp bạn bè chung ý tưởng và tự tay tái tạo những nhà xưởng cũ đã xuống cấp. Từ những dãy nhà bỏ không đến một không gian văn hóa như hôm nay là một chặng đường dài. Các nhà thiết kế không chỉ giải quyết những khó khăn trên công trường, mà cả ở những vấn đề đằng sau đó, như thủ tục pháp lý, ánh mắt nghi ngại của những người chung quanh hay việc đầu tư thì lớn, nhưng đơn vị cho thuê chỉ gia hạn hợp đồng 2 năm/lần… Nhưng bù lại, điều Vũ mong chờ ở "tác phẩm" của mình đã đến rất nhanh. Complex 01 không đơn thuần là khu tổ hợp cho thuê mặt bằng, mà là nơi kết nối ý tưởng kinh doanh về học tập, đào tạo, vui chơi giải trí... Hàng loạt sự kiện văn hóa đã diễn ra.

Khi ngắm nhìn những bậc thang, những vòm cửa, hay những bức tường gạch trần… của Complex 01 ai cũng nhận thấy một cảm giác thân thuộc. Hà Nội đã qua nhiều giai đoạn phát triển. Bên những tòa ngang dãy dọc hiện đại, ở đó, vẫn còn những phố cổ, làng cổ; ở đó, có những ngôi nhà, dãy phố, khu tập thể hay nhà máy cũ kỹ. Phố Hoàng Hoa Thám là Nhà máy Bia Hà Nội. Nhớ về phố Lò Ðúc, bên cạnh hàng sao đen là Nhà máy Rượu Hà Nội. Nẻo về
Hà Ðông, là khu Cao - Xà - Lá trứ danh một thời… Những khu tập thể Hà Nội mọc lên hàng loạt, nhất là những thập niên 1960 - 1970. Mấy mươi năm, đấy vẫn là nơi ăn, chốn ở của mấy trăm nghìn con người. Những gì quen thuộc với cuộc sống thường ngày, đều trở nên gắn bó.

Khi Hà Nội bước vào thời kỳ hiện đại hóa, cao ốc mọc lên khắp nơi, thay cho những gì cũ kỹ ấy. Nhiều người muốn thành phố trút bỏ thật nhanh những "tấm áo cũ", nhất là những nhà máy trong nội đô, hay những khu tập thể 40, 50 tuổi. Nhưng không phải ai cũng nghĩ thế. Người Hà Nội ưa sống với hoài niệm, ưa những điều xưa cũ. Không phải ngẫu nhiên, Hà Nội có vô số quán xá làm theo phong cách thời bao cấp. Ðấy vừa là nơi người ta lưu giữ ký ức; vừa là nơi giới trẻ biết thêm về quá khứ. Với Complex 01, một không gian mới - với những hoạt động "kiểu mới", nhưng chính cái "chất" cũ kỹ đã khiến nhiều người cảm nhận rõ, nó như cái gạch nối giữa Hà Nội cũ và Hà Nội hiện đại.

2. Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo từ năm 2019, trong lĩnh vực thiết kế. Hai năm trôi qua, nhiều người chưa hình dung Thành phố sáng tạo là gì. Thực ra, nó bắt đầu từ những điều đơn giản, mà những không gian sáng tạo như Complex 01 là thí dụ điển hình. Một không gian có những hoạt động văn hóa, có sự kết nối, tương tác mạnh mẽ giữa những nhà thiết kế, nghệ sĩ và công chúng; là cầu nối để nhiều loại hình văn hóa, sáng tạo đến với cộng đồng. Không gian ấy còn phù hợp xu thế phát triển của thế giới, khi các nước biến những nhà máy, xí nghiệp cũ trở thành không gian văn hóa. Hà Nội có hàng trăm nhà máy cũ trong nội đô. Vậy Hà Nội sẽ tiếp tục ứng xử thế nào? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Còn với tập thể cũ, dường như, câu trả lời rõ ràng hơn, khi phần nhiều khu tập thể đã xuống cấp và người dân mong muốn có những ngôi nhà mới. Nhưng cách đây mấy năm, có một người Pháp yêu những khu tập thể cũ đến độ làm hẳn một bộ phim về những khu tập thể ấy - đó là ông Jean-Noel Poirier, cựu Ðại sứ Pháp tại Việt Nam. Ngạc nhiên hơn, ông Poirier đề xuất rằng, nếu cải tạo các khu tập thể cũ, Hà Nội cần giữ lại một số khu tập thể điển hình.

Với nhiều người, nhà tập thể "xấu xí" đại diện cho một thời Hà Nội gian khó. Nhưng ở chiều ngược lại, chúng ta không thể phủ nhận ký ức. Và thực tế, có những người đi tìm ký ức ấy. Hà Nội không thiếu những homestay "tái tạo" lại không gian thời bao cấp. Ðó là Túc Xá homestay trên phố Tôn Thất Tùng, Rùa’s House ở nhà C4 tập thể Giảng Võ (quận Ðống Ða) hay Chloe & Leo Homestay - một homestay nằm tít tận tầng 5 một khu tập thể trên phố Lê Phụng Hiểu… Nét cũ - mới hài hòa trong những homestay trong khu tập thể cũ tạo nên sức hút. Nhiều người coi đến đây là một lần "sống thử" cuộc sống cư dân tập thể. Nhiều quán cà-phê được coi là đậm "chất" Hà Nội, cũng nằm nguyên trong những khu tập thể cũ kỹ.

Song, nói về "tái tạo" những căn hộ tập thể, nhất thiết phải nói đến một địa chỉ văn hóa là không gian sáng tạo Ơ kìa Hà Nội. Tất nhiên, giống như cái tên, không gian này được bài trí, thiết kế và "kể" những câu chuyện đầy chất Hà Nội thuở "ơ kìa", từ chiếc tủ, bộ bàn ghế, chiếc gối dựa, cho đến giá sách, chiếc quạt… Những thứ cũ kỹ mà lại chở nặng những yêu thương. Nhiều người Hà Nội "cũ" lặng người khi tìm lại được ký ức xưa của mình. Ðến đây, người ta sẽ không lãng phí bất kỳ phút giây nào khi được sống trong hoài niệm, và cũng thấy bõ công khi phải trèo lên tít tận tầng 5 của khu tập thể Bưu điện, trong một con ngách nhỏ trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Ðình). Hoạt động dưới hình thức một nhà hàng - quán cà-phê, nhưng Ơ kìa Hà Nội nổi tiếng là nơi diễn ra nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm, trình diễn về văn học, điện ảnh, âm nhạc…

3. Không gian sáng tạo là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa hay công nghệ. Ðó là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa - nghệ thuật sôi động, là nơi nuôi dưỡng nghệ thuật, nuôi dưỡng thị trường nghệ thuật. Ðó là một trong những trụ cột để xây dựng Thành phố sáng tạo theo cam kết của chính quyền thành phố với UNESCO. Hà Nội hiện giờ có cả trăm không gian lớn, nhỏ. Song, những không gian có sự kết nối cũ - mới luôn có vị trí đặc biệt. Bởi, chúng mang "chất" Hà Nội. Trước Complex 01, người yêu văn hóa Hà Nội không mấy ai không biết đến Zone 9, nơi vốn là những tòa nhà cũ của Công ty Dược phẩm Trung ương 2; hay 60s Thổ Quan - không gian có đến hai tòa biệt thự Pháp cổ. Cả hai đều đã đóng cửa, chủ yếu vì lý do mặt bằng. Ðấy là cái "chông chênh" của những không gian sáng tạo. Nhưng rất may, không gian này dừng hoạt động, lại xuất hiện những không gian khác. Hà Nội vừa có thêm không gian sáng tạo 282 Design, nằm trên phố Phú Viên (quận Long Biên). Không gian này cũng gợi lên những gì thân quen từ cách thiết kế "cũ kỹ". Ở đó, vừa có quán cà-phê, vừa có các phòng chức năng từ trải nghiệm sáng tạo đến triển lãm… Mới hoạt động nhưng đây là nơi tổ chức những chương trình âm nhạc, triển lãm của nhiều ca sĩ, họa sĩ nổi tiếng như: Hồ Ngọc Hà, Lê Thiết Cương… Ðiều thú vị là 282 Design được hình thành trên mảnh đất của nhà máy sản xuất mũ cối đã được di dời.

Hà Nội có hơn 90 nhà máy, xí nghiệp cũ cần di dời. Anh Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống nhấn mạnh, đó là một cơ hội cho người dân Hà Nội - cơ hội để có những không gian công cộng, trong đó, có thể có những không gian sáng tạo thông qua chuyển đổi, mà Complex 01 hay 282 Design là những thí dụ điển hình. Và còn rất nhiều tòa nhà tập thể cũ, phần lớn sẽ được thay thế. Nhưng nếu đến Ơ kìa Hà Nội, người ta mới hiểu vì sao ông Jean-Noel Poirier lại đề xuất Hà Nội giữ lại một số khu tập thể. Ơ kìa Hà Nội cũng là một gợi ý về mục đích sử dụng mới cho các khu tập thể. Chúng sẽ là nơi lưu giữ ký ức, tâm hồn của những con người sinh sống nơi này. Sự cộng hưởng cũ - mới của những công trình như thế, chính là kế thừa, và bồi đắp bản sắc đô thị Hà Nội.